Đi tìm động lực phát triển đô thị sáng tạo thông minh ở TP. HCM

Quỳnh Như - 08:05, 25/11/2018

TheLEADERSự kết hợp giữa 4 nhà: nhà nước – doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà đầu tư tài chính sẽ quyết định sự thành bại của việc xây dựng mô hình đô thị sáng tạo thông minh ở TP. HCM, trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, tạo động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo.

Khu Đông với 3 vùng là Quận 2, Quận Thủ Đức và Quận 9 đã được TP. HCM chọn làm nơi thí điểm xây dựng đô thị thông minh sáng tạo. Ý định này đã được manh nha từ cách đây gần 2 thập kỷ khi thành phố cấp đất ở quận Thủ Đức cho các trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia TP. HCM xây trường và kiến tạo các Khu công nghệ cao tại Quận 9.

Sau gần 20 năm, mặc dù khu Đông theo đánh giá của các chuyên gia đã có đầy đủ các yếu tố như nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, lượng lớn doanh nghiệp công nghệ - startup nhưng dường như giấc mơ về một đô thị thông minh - sáng tạo vẫn chưa thể trở thành hiện thực.

Nguyên nhân là bởi sự phối hợp lỏng lẻo giữa 4 nhà: nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà đầu tư, nhất là giữa nhà doanh nghiệp và nhà khoa học.

Mặc dù, từ khu vực các trường đại học trọng điểm tại Thủ Đức như Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật hay Đại học Nông Nghiệp sang khu vực công nghệ cao ở Quận 9 chỉ vài km nhưng dường như mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp cách xa ngàn trùng.

Nhiều trường đại học chẳng mặn mà gì với việc liên kết cùng các công ty do họ đã có kinh phí nghiên cứu được cấp từ Nhà nước. Theo đó, quá trình nghiên cứu ra được kết quả có thể ứng dụng trong thực tiễn thì tốt, không cũng chẳng sao!

Ngược lại, các doanh nghiệp cũng rất ngại tìm đến sự hỗ trợ của các trường đại học. Trong một buổi tọa đàm hiến kế cho thành phố do Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) tổ chức gần đây, có đại biểu tiết lộ rằng, ông đã phải “bỏ của chạy lấy người”, chịu mất số tiền đầu tư cho 1 trường đại học vì chẳng biết bao giờ công trình nghiên cứu đó có kết quả và nếu có kết quả liệu mình có thể sử dụng được không sau thời gian dài dây dưa như thế!

Nhận thấy vấn đề này ngày càng nghiêm trọng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng Chủ tịch TP. HCM Nguyễn Thành Phong và Bí thư TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân đã lên tiếng cảnh tỉnh các bên liên quan trong Diễn đàn kinh tế TP. HCM diễn ra hôm 23/11.

Đi tìm động lực phát triển đô thị sáng tạo thông minh ở TP. HCM
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Kinh tế TP. HCM

“Trong diễn đàn lần này, chúng tôi thấy mục tiêu phát triển đô thị của thành phố trong nền kinh tế tri thức và nền kinh tế số cần có sự phối hợp - tương tác chặt chẽ giữa nhà nước với tư cách là khu vực trung tâm cùng với chính quyền địa phương, các tổ chức tài chính, các cơ sở nghiên cứu - học viện/nhà trường, cùng doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu sáng tạo”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định.

Chính phủ và địa phương có vai trò kiến tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng môi trường sáng tạo cho từng doanh nghiệp cụ thể. Tuy nhiên, muốn quá trình này mang lại kết quả tốt, phải có thêm nỗ lực của doanh nghiệp, họ chính là người giữ vai trò quyết định - động lực quan trọng nhất.

Theo Phó thủ tướng, một vấn đề quan trọng nữa về kết nối sáng tạo là phải phát huy hết vai trò của 4 nguồn lực trên nhằm phát triển nền kinh tế tri thức và kinh tế số cho TP. HCM. Tăng cường sự kết nối giữa các trường đại học với doanh nghiệp là điều cốt lõi trong quá trình này, không chỉ tại TP. HCM mà trên cả nước.

Ngoài ra, việc nhận thức các luận cứ và khoa học thực tiễn là rất quan trọng, Phó thủ tướng khẳng định, học tập kinh nghiệm từ các thành phố thông minh sáng tạo khác cũng rất bổ ích, có như thế mới làm tốt công tác điều chỉnh quy hoạch, tập trung phát triển mô hình thành phố thông minh sáng tạo ở khu Đông bằng những quy hoạch, chiến lược, thể chế phù hợp.

Trong phần kết luận, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, các bộ phận cần phải hành động nhanh và quyết liệt bằng những hành động cụ thể, “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”.

Tất cả doanh nghiệp, không kể nhỏ và vừa hay lớn, trong nước hay ngoài nước nên ngày càng gắn bó trong mục đích đổi mới sáng tạo, đồng hành và sát cánh cùng Nhà nước xây dựng thành công khu đô thị đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh: hai trong những chủ đề chính của diễn đàn là làm rõ vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng khu đô thị sáng tạo và tìm kiếm giải pháp kết nối hiệu quả 4 nhà, nhằm nâng cao năng lực sáng tạo và đổi mới ở khu Đông

Ông Phong cũng hy vọng, thông qua sự kiện này sẽ giải được bài toán huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh của 372.000 doanh nghiệp trên địa bàn trong việc xây dựng khu đô thị sáng tạo của thành phố.

Vị Chủ tịch TP. HCM cam kết, thành phố sẽ làm hết sức mình để doanh nghiệp thực sự trở thành động lực của quá trình phát triển đô thị sáng tạo.

Đi tìm động lực phát triển đô thị sáng tạo thông minh ở TP. HCM 1
Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cam kết thành phố sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tập trung phát triển

Thành phố có rất nhiều tài sản nhưng cần phải nâng cao khả năng nghiên cứu của các viện, trường, phát huy năng lực các khu công nghệ cao. Vấn đề là làm sao để tận dụng hết năng lực của họ, kết nối các trường với các khu công nghiệp, công nghệ cao cùng doanh nghiệp, trước đây mối tương tác này chưa đủ.

Những cố gắng kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học gần đây của Nhà nước và các đoàn hội tại TP. HCM gần đây đã có sự ấm lên đáng kể (như HUBA, Hội doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP. HCM đã mời các trường đại học tham gia các buổi tọa đàm thường niên của hội).

HAMEE vừa đứng ra tổ chức giải đấu Đại chiến Robot – Robot Fight tại trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. HCM, với sự tham gia của nhiều công ty và các trường đại học, trong đó các công ty không những tài trợ giải trưởng mà còn hỗ trợ một phần kinh phí cho các đội chơi trong trường đại học để họ chế tạo robot tốt hơn.