Định hướng chuyển đổi và xây dựng khu công nghiệp sinh thái

Phạm Sơn - 19:49, 29/10/2020

TheLEADERKhu công nghiệp sinh thái là mô hình khu công nghiệp trong đó các nhà máy, công ty hoạt động một cách “cộng sinh” thông qua tận dụng những phát thải, phế phẩm, sản phẩm thứ cấp của nhà máy, công ty khác làm đầu vào sản xuất.

Định hướng chuyển đổi và xây dựng khu công nghiệp sinh thái
Khu công nghiệp sinh thái xu thế mang tính toàn cầu, được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện từ rất sớm.

Việt Nam hiện đang có gần 400 khu công nghiệp, trong đó có 280 khu công nghiệp đang hoạt động. Các khu công nghiệp này cung cấp việc làm cho khoảng 3,7 triệu lao động và đóng góp 50% tổng giá trị xuất khẩu.

Những số liệu trên cho thấy vai trò to lớn của khu công nghiệp đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, hiện nay hầu hết các khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn tạo ra lượng phát thải lớn, sử dụng tài nguyên không hợp lý gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho môi trường.

Thậm chí, một số khu công nghiệp còn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải dù đã đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nếu có kế hoạch xây dựng và chuyển đổi phù hợp, các khu công nghiệp sẽ là nền tảng để thiết lập nền kinh tế tuần hoàn, giúp giải quyết triệt để vấn đề về môi trường.

Cụ thể, ông Nguyễn Thế Chinh, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, kinh tế tuần hoàn bao gồm 5 khâu: thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải và biến chất thải trở thành tài nguyên. Trong đó khâu biến chất thải thành tài nguyên là công đoạn quyết định, tạo ra sự khác biệt so với nền kinh tế tuyến tính.

Các phát thải trong quá trình sản xuất thường rất khó để tiếp tục sử dụng trong cùng một dây chuyền, tuy nhiên có thể lại trở thành đầu vào quý giá cho nhà máy, dây chuyển khác.

Ví dụ, chất thải SO2 trong quá trình khai thác than đá có thể được ứng dụng làm xi măng, thạch cao; nước thải ở nhà máy bia có thể sử dụng để làm nguội kim loại trong lò luyện kim. Ở nhiều mô hình trên thế giới, năng lượng cũng được tận dụng triệt để, như nhiệt lượng dư thừa được sử dụng để sưởi ấm cho vật nuôi trong mùa đông.

Như vậy, việc liên kết các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp trong cùng một khu công nghiệp dựa trên nguyên tắc cộng sinh sẽ nâng cao tính cạnh tranh, giảm thiểu tác hại gây ra cho môi trường.

Đây là một xu thế mang tính toàn cầu, được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện từ rất sớm, điển hình như Hàn Quốc từ năm 2005 đến nay đã thành công chuyển đổi 105 khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái. Chiến lược này đem lại cho Hàn Quốc 1,3 tỷ USD giá trị kinh tế, đồng thời giảm phát thải 6,48 triệu tấn CO­2, tiết kiệm 74,3 triệu tấn nước, tiết kiệm năng lượng tương đương 1,35 triệu tấn dầu (1,35 triệu TOE).

Các mô hình khu công nghiệp sinh thái như Kalundborg (Đan Mạch), thành phố sinh thái Kawasaki (Nhật Bản) cũng được triển khai xây dựng từ những năm 1980 – 1990, đem lại hiệu quả rõ rệt.

Xây dựng và chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

Định hướng chuyển đổi và xây dựng khu công nghiệp theo hướng sinh thái
Khu công nghiệp Hòa Khánh ở Đà Nẵng là 1 trong 4 khu công nghiệp được triển khai thí điểm chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái.

Từ năm 2016, với sự hỗ trợ của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO), Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đưa ra 4 chương trình xây dựng khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Chương trình được triển khai dưới 2 góc độ, từ tổng thể khu công nghiệp cho tới từng nhà máy, xí nghiệp riêng lẻ, với sự tư vấn về quản lý, kỹ thuật theo hướng hiện đại, tiên tiến, có tham khảo từ những mô hình thành công trên thế giới.

Doanh nghiệp tham gia vào khu công nghiệp sinh thái sẽ nhận được nhiều ưu đãi, bao gồm được xác nhận doanh nghiệp sinh thái, được vay vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, quỹ đổi mới công nghệ, các quỹ phát triển quốc tế, được cung cấp thông tin về công nghệ, giải pháp kỹ thuật, được tham gia chương trình hỗ trợ kỹ thuật và xúc tiến đầu tư.

Ông Trung nhận định, đầu tư chuyển đổi mô hình sinh thái là một bước đi “dài hơi”, cần tiêu tốn nhiều nguồn lực, thời gian hoàn vốn cũng không nhanh, rơi vào khoảng 4 - 5 năm. Tuy nhiên, phương án này có thể tạo ra lợi ích tích lũy về lâu dài, đó là tiết kiệm chi phí môi trường, tiết kiệm nguyên vật liệu, hàng hóa cũng được đón nhận hơn trên thị trường.

Hiện tại, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang làm việc với Bộ Tài nguyên và môi trường cũng như các bên liên quan để ban hành chính sách, quy chế mới phù hợp với định hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái, bên cạnh những thông tư, sổ tay hướng dẫn cho doanh nghiệp.

“Quá trình thực hiện chuyển đổi và xây mới khu công nghiệp sinh thái đang gặp phải một số rào cản liên quan đến pháp lý, chẳng hạn như các quy định không cho sử dụng chất thải làm đầu vào sản xuất. Hy vọng trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ giải quyết những khúc mắc này.”, ông Trung cho biết.