'Định mức' chi trả chi phí không chính thức đang tăng lên?

Tô Lan - 08:49, 10/04/2019

TheLEADERBước vào kỉ nguyên 4.0, khi kinh tế Việt Nam còn cần nhiều đầu tư về tài chính, kĩ thuật và thời gian để có thể sánh vai với nhiều nền kinh tế các trong khu vực, đạo đức kinh doanh hay văn hóa kinh doanh chính là yếu tố đầu tiên cần thay đổi để biến Việt Nam thành quốc gia có môi trường kinh doanh tốt.

'Định mức' chi trả chi phí không chính thức đang tăng lên?
Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) có hiệu lực từ 01/7/2019. Ảnh minh họa

Theo Báo cáo nghiên cứu về quản trị nội bộ và liêm chính doanh nghiệp, chỉ khoảng một nửa trong số 239 doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận thức được tầm quan trọng của của bộ quy tắc ứng xử với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế Thanh tra Chính Phủ cho rằng, lý do chính khiến các doanh nghiệp hiện nay chưa thực hiện liêm chính và áp dụng hệ thống kiểm soát nội bộ vào quản lý là lo ngại việc áp dụng này cản trở các hoạt động kinh doanh cũng như làm mất lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. 

Cùng quan điểm đó, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng cao cấp dịch vụ tư vấn quản trị rủi ro và điều tra gian lận Công ty TNHH PwC Việt Nam chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề nếu thực hiện liêm chính, tuân thủ luật pháp thì các đối thủ cạnh tranh sẽ giành được lợi thế do đi đường tắt. 

Vậy làm thế nào mới đảm bảo được một môi trường cạnh tranh công bằng để thúc đẩy tất cả các doanh nghiệp cùng thực hiện?

Cũng theo Báo cáo nghiên cứu này, một tỉ lệ đáng kể các doanh nghiệp ở Việt Nam đang trả các chi phí không chính thức như là một hoạt động bình thường trong kinh doanh. Điều này làm gia tăng áp lực cho các doanh nghiệp khác cũng phải làm tương tự để có thể tham gia cuộc chơi. Theo thời gian, việc trả các chi phí không chính thức trở nên bình thường chứ không phải là ngoại lệ của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, “định mức” của việc chi trả chi phí không chính thức đã trở nên phổ biến rộng rãi trong những năm gần đây, trái ngược với nỗ lực của Chính phủ và kỳ vọng của cộng đồng.

Kết quả khảo sát cho thấy sự gia tăng về tỉ lệ các doanh nghiệp chi trả hối lộ cũng như mức độ chi trả (hơn 10% tổng doanh thu) và mức độ phổ biến của các khoản chi phí không chính thức. Khoảng 80% các doanh nghiệp đang trả chi phí không chính thức tin rằng việc chi trả này là ở “mức độ chấp nhận được”.

Theo ông Brook Horowitz, Giám đốc điều hành Diễn đàn các Nhà lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế (IBLF Global), kết quả nghiên cứu đã phản ánh rõ những mặt hạn chế thậm chí không hiệu quả trong công tác quản lý nội bộ của doanh nghiệp Việt Nam nói chung. 

Số liệu nghiên cứu không cho thấy sự chuyển biến nào vì các doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa có động lực để thay đổi triết lý kinh doanh “ăn xổi” và phụ thuộc rất lớn vào cách giải quyết bằng tiền hối lộ hay quan hệ cá nhân khi gặp vấn đề trong kinh doanh.

Như vậy, bên cạnh việc các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể đơn giản chỉ không biết cách áp dụng các công cụ kiểm soát nội bộ vì thiếu kinh nghiệm quản lý chuyên nghiệp, một nguyên nhân lớn khiến họ thường xuyên sử dụng các chi phí không chính thức là bởi triết lý kinh doanh “ăn xổi”, không dám từ bỏ lợi ích trước mắt để hướng đến hiệu quả lâu dài hơn.

Thực hiện liêm chính vì lợi ích lâu dài của doanh nghiệp

Trong bối cảnh Luật sửa đổi Phòng, chống tham nhũng sắp có hiệu lực (1/7/2019), cần có những định hướng và biện pháp cụ thể để các doanh nghiệp tiến hành thực hiện liêm chính hiệu quả hơn, tránh vi phạm pháp luật.

Theo các chuyên gia kinh tế, Báo cáo nghiên cứu cần chỉ rõ việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, thực hiện liêm chính không chỉ nhằm giúp nhà nước xây dựng được môi trường kinh doanh lành mạnh mà còn giúp chính các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh cho rằng: “Cần truyền tải đến các doanh nghiệp một thông điệp hiệu quả rằng áp dụng hệ thống kiểm soát nội bộ và các quy tắc ứng xử chính là vì lợi ích của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp cắt giảm được chi phí, tăng cường hiệu quả và năng lực sản xuất cũng như đạt được những mục tiêu khác.”

Bà Hạnh cũng đưa ra ví dụ cụ thể tại các quốc gia lớn trên thế giới như Hoa Kỳ hay Anh Quốc - những quốc gia đã có đạo luật về phòng chống tham nhũng, chống hối lộ mà theo đó, tất cả các doanh nghiệp đều phải tuân thủ những nguyên tắc về phòng, chống tham nhũng. 

Các nhà đầu tư ở những nước này khi vào Việt Nam tìm kiếm đối tác sẽ yêu cầu các đối tác Việt Nam đáp ứng cơ bản các yêu cầu của đạo luật đó. Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay thì các doanh nghiệp Việt Nam khó áp dụng các hệ thống, quy tắc chuẩn khu vực, quốc tế. Rõ ràng đã đến lúc doanh nghiệp cần phải nhận ra rằng chỉ khi đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, có hệ thống kiểm soát nội bộ chuyên nghiệp thì mới thu hút được nhà đầu tư, nguồn vốn và phát triển kinh doanh.

PGS. TS. Nguyễn Đăng Minh, Phó viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia) cho rằng, các doanh nghiệp sẽ làm những gì đem lại lợi ích cho mình, vì vậy để thúc đẩy hệ thống kiểm soát nội bộ ở doanh nghiệp cần tác động tới chính tâm thế đó. 

Cần có giải pháp để các doanh nghiệp nhìn nhận được thành công bước đầu của những doanh nghiệp khác đang áp dụng tốt các quy tắc ứng xử và hệ thống kiểm soát nội bộ; cần chỉ ra hiệu quả trong cắt giảm chi phí của các doanh nghiệp đang làm thật và kiểm soát nội bộ tinh gọn.

Trả lời góp ý của các chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Văn Thắng (Đại học Kinh tế Quốc dân), Trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng: “Báo cáo cần bổ sung những số liệu chứng minh mối liên hệ giữa các doanh nghiệp áp dụng tốt hệ thống kiểm soát nội bộ và các quy tắc ứng xử với hiệu quả lợi nhuận và phát triển bền vững”. 

Song song với đó ông Thắng cũng khẳng định, việc không thực hiện liêm chính cũng đem lại những lợi bất cập hại cho doanh nghiệp về lâu dài. Các chi phí không chính thức có thể giúp các doanh nghiệp tiến một bước nhưng lại làm mất đi khả năng cạnh tranh và yếu kém hệ thống quản lý doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ không thể phát triển bền vững vì đã mất đi tính liêm chính trong hệ thống.

Thực tiễn áp dụng kiểm soát nội bộ hiện nay cho thấy dù đã có nhiều hội thảo, khóa tập huấn về quy tắc ứng xử, thực hành luật song hoạt động kiểm soát, giám sát của các doanh nghiệp vẫn chưa có nhiều tiến triển và để lọt các vi phạm.

Nghiên cứu này sẽ giúp các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tuân thủ quy định của pháp luật về trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp thông qua xây dựng bộ quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ.

Bước vào kỉ nguyên 4.0, khi kinh tế Việt Nam còn cần nhiều đầu tư về tài chính, kĩ thuật và thời gian để có thể sánh vai với nhiều nền kinh tế các trong khu vực, đạo đức kinh doanh hay văn hóa kinh doanh chính là yếu tố đầu tiên cần thay đổi để biến Việt Nam thành quốc gia có môi trường kinh doanh tốt.