Doanh nghiệp bán lẻ ứng phó với tăng trưởng thấp

Việt Hưng - 15:35, 07/09/2020

TheLEADERTheo báo cáo phân tích của Chứng khoán Rồng Việt, tăng trưởng doanh số bán lẻ ở Việt Nam sau khi xuống mức âm 30% trong tháng 4/2020 thì đã có dấu hiệu hồi phục trong tháng 7/2020, nhưng hiện vẫn ở mức thấp so với trước kia.

Báo cáo hoạt động kinh doanh của Thế Giới Di Động (MWG) - đơn vị bán lẻ đầu ngành trong tháng 7/2020 cho thấy, doanh thu ngành hàng di động giảm tới 16%, trong khi doanh thu ngành điện máy chỉ tăng 1%.

Theo đại diện doanh nghiệp, một phần nguyên nhân đến từ tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng. Do đó, trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tập trung vào các mô hình nhỏ gọn hơn, chẳng hạn như mô hình chuỗi Điện máy Xanh mini với diện tích trung bình chưa tới 2/10 mô hình trước kia.

"Vai trò của những mô hình nhỏ như vậy để chúng tôi nhắm tới các thị trường mới, những phân khúc khách hàng mới. Ví dụ như ở những thời điểm khác, việc truyền thông quảng cáo mang lại hiệu quả. Nhưng ở thời điểm này, chúng tôi cần có những điều chỉnh, hoạch định phù hợp hơn", ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh chia sẻ.

Theo báo cáo tổng hợp của bộ phận Chứng khoán Rồng Việt, tăng trưởng doanh số bán lẻ ở Việt Nam sau khi xuống mức âm 30% trong tháng 4/2020 thì đã có dấu hiệu hồi phục trong tháng 7/2020, nhưng hiện vẫn ở mức thấp so với trước kia.

Điều này phần nào thể hiện xu hướng "thắt lưng buộc bụng" trong chi tiêu của người dân Việt Nam, và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong 1-2 năm tới.

Doanh nghiệp ứng phó bán lẻ tăng trưởng thấp
Doanh nghiệp ứng phó bán lẻ tăng trưởng thấp

"Người tiêu dùng hiện tại tỏ ra thận trọng hơn với những chi tiêu không thực sự cần thiết. Ngay cả với những chi tiêu cần thiết thì họ cũng đặt lên bàn cân và tính toán nhiều hơn. Thời gian trước, khách hàng đi nhiều hơn đến các trung tâm thương mại, các khu vui chơi giải trí. Nhưng thời gian vừa rồi, khách hàng đi nhiều hơn tới các địa điểm gắn với công việc", bà Nguyễn Hoàng Phương - CEO Be Group nhận định.

Ngay cả với bán lẻ trực tuyến - được cho là hưởng lợi từ xu hướng mua sắm không tiếp xúc thì các chiến lược tiếp cận khách hàng cũng được điều chỉnh để phù hợp với túi tiền của người dùng Việt Nam.

"Chỉnh sửa các chiến lược về hàng hóa của mình có bản chất là cung cấp cho khách hàng những sự lựa chọn tương đương nhưng với dòng giá thấp hơn. Chẳng hạn, với sản phẩm điện thoại, doanh nghiệp thay vì tập trung vào các sản phẩm 10 triệu thì sẽ tập trung vào các dòng giá 5-7 triệu", ông Ngô Hoàng Gia Khánh - Phó chủ tịch Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp Tiki cho hay.

Dù bối cảnh bán lẻ rơi vào khó khăn chung, nhưng vẫn có những ngành hàng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh như: bách hóa, thực phẩm... phù hợp với nhu cầu tiêu dùng mới.

Đặc biệt với kênh trực tuyến, tốc độ tăng trưởng truy cập vào các trang thương mại điện tử của ngành hàng bách hóa trong 6 tháng đầu năm 2020 đã tăng đột biến hơn 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do đó, cơ hội tăng trưởng với thị trường bán lẻ nói chung là vẫn có, miễn là nhà bán lẻ đủ nhanh nhạy để nắm bắt và phát huy sở trường của mình.