Doanh nghiệp châu Âu bi quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Minh Nhật - 09:34, 09/04/2020

TheLEADERChỉ 10% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam mong đợi tương lai sáng sủa hơn, kỳ vọng vào sự ổn định và cải thiện trong quý tiếp theo do tác động của dịch Covid-19.

Dưới sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, môi trường kinh doanh toàn cầu đang trải qua thời kỳ suy thoái mạnh mẽ. Là một nhân tố không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã giảm xuống mức thấp nhất với 26% trong quý đầu tiên của năm 2020, tương đương mức giảm 51 điểm từ 77% được ghi nhận vào cuối năm 2019.

EuroCham: 90% lãnh đạo doanh nghiệp thiếu lạc quan về triển vọng kinh tế
Diễn biến BCI theo khảo sát của EuroCham 10 năm qua.

Vốn bị ảnh hưởng lớn từ các yếu tố toàn cầu, triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động lớn do đại dịch giống như các quốc gia khác. Chỉ 10% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam mong đợi tương lai sáng sủa hơn, kỳ vọng vào sự ổn định và cải thiện trong quý tiếp theo, theo kết quả khảo sát mới nhất từ EuroCham.

Trong bối cảnh sự phát triển của dịch bệnh khó có thể lường trước được và hầu như chưa có dấu hiệu suy giảm, doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tỏ ra khá thận trọng với triển vọng kinh tế trong quý tiếp theo, với 74% cho rằng sẽ "không tốt" hoặc "rất tệ".

55% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá môi trường kinh doanh hiện “không tốt” hoặc “rất xấu”, tăng đột biến so với con số 9% của cùng kỳ năm ngoái vì Covid-19.

93% doanh nghiệp cho biết Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh với hơn một nửa cho biết mức tác động là “đáng kể”. 1/4 doanh nghiệp nhận định dịch Covid-19 sẽ khiến doanh thu thiệt hại hơn một nửa.

Gần 80% đơn vị được khảo sát cho rằng việc kinh doanh của họ đã phải chịu chi phí cao hơn do các biện pháp nhằm bảo vệ công nhân và ngăn chặn sự lây lan của vi rút được thực hiện. Ba tác động tiêu cực nhất bao gồm giảm lượng khách hàng/ đơn hàng, suy giảm doanh thu và đứt gãy chuỗi cung ứng.

Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier nhận định những dữ liệu trên cho thấy dịch Covid-19 có ảnh hưởng nghiêm trọng và sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng, đây là một đại dịch toàn cầu và các doanh nghiệp trên toàn thế giới đang phải hứng chịu những tác động của cuộc khủng hoảng này. Nếu không có những hành động nhanh chóng và quyết đoán của Chính phủ, chắc chắn tình hình tại đây sẽ trở nên tồi tệ.

“Vì vậy, cho đến thời điểm hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu hết sức hoan nghênh các biện pháp được đưa ra. Những biện pháp đó sẽ giúp cung cấp một huyết mạch cho các công ty và công nhân của họ vượt qua thời gian khó khăn này”, ông cho biết.

Dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng có diễn biến thay đổi nhanh chóng và nó đang tạo ra những thách thức chưa từng có đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực và quy mô.

Do đó, ông Nicolas Audier cho rằng có thể sớm đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm hỗ trợ cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài cùng vượt qua cơn bão này và trở lại hoạt động kinh doanh càng sớm càng tốt.

“EuroCham cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong việc duy trì nền tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam, và các thành viên của chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng chia sẻ những khuyến nghị để giúp giảm thiểu sự gián đoạn của dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh và trên hết, để bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của người dân”, ông chia sẻ.

Bất chấp tác động tiêu cực về mặt kinh tế của Covid-19, các công ty châu Âu vẫn đang thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe và sinh kế của người lao động.

Bất chấp tác động tiêu cực về mặt kinh tế của dịch Covid-19, 3/4 doanh nghiệp được khảo sát cho biết vẫn duy trì hoạt động ở mức trên 50% công suất. Các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu chi phí và nguy cơ lây lan như yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà, dừng tuyển dụng nhân viên mới, dừng các dự án đầu tư mới hay giảm giờ làm việc.

Mặc dù tình hình khó khăn, 4/5 doanh nghiệp tự tin rằng có khả năng duy trì ít nhất 70% đội ngũ lao động trong quý sau. 

Về những biện pháp nào có thể được thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, khoảng 3/4 doanh nghiệp được EuroCham khảo sát cho biết việc gia hạn nộp các loại thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho các công ty.