Doanh nghiệp có lợi ích gì khi tham gia vào thị trường carbon?

Phạm Sơn - 16:45, 29/09/2022

TheLEADERThị trường tín chỉ carbon vẫn mang bản chất là một thị trường, do đó doanh nghiệp nếu có điều kiện, có thể tham gia sớm để giành lấy nhiều lợi thế.

Doanh nghiệp có lợi ích gì khi tham gia vào thị trường carbon?
Doanh nghiệp tuân thủ kiểm kê và giảm phát thải carbon sẽ nhận được lợi ích lâu dài. Ảnh: T.L

Kể từ năm 2022, doanh nghiệp có quy mô nhất định ở 6 ngành là năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, quản lý chất thải cùng một số cơ sở cụ thể phải thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính một cách bắt buộc, theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

TS. Nguyễn Phương Nam, Giám đốc Climate Innovation, nhẩm tính, với những quy định của Quyết định 01, có khoảng 2 nghìn doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính bắt buộc.

Nhóm doanh nghiệp này, cùng với một số doanh nghiệp có mong muốn thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính một cách tự nguyện, với vai trò là những đơn vị tuân thủ quy định đầu tiên, sẽ nhận được hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức phát triển.

Điển hình có thể kể đến như một số doanh nghiệp điện hiện đang được Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ kiểm kê khí thải và tạo ra những tín chỉ carbon đầu tiên.

“Đây là nhóm doanh nghiệp đầu tiên tham gia vào quá trình định giá khí thải carbon trực tiếp ở Việt Nam”, ông Nam nói tại tọa đàm Định giá carbon – Nguồn lực định hình chiến lược bảo vệ khí hậu của Việt Nam do Sáng kiến về Chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE) tổ chức.

Lợi và hại khi tham gia định giá carbon

Xây dựng hệ thống hạn ngạch và sàn giao dịch tín chỉ carbon là một trong những định hướng quan trọng của Việt Nam hướng đến chống biến đổi khí hậu và hiện thực hóa mục tiêu được Thủ tướng cam kết tại COP26.

Doanh nghiệp là đối tượng chính phải thực hiện chính sách đó. Dù nhóm doanh nghiệp tiên phong đang nhận được nhiều hỗ trợ, cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải đặt ra câu hỏi rằng liệu công cụ định giá carbon thông qua hệ thống hạn ngạch và buôn bán tín chỉ sẽ tác động tích cực hay tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Climate Innovation cho biết, trong ngắn hạn, hạn ngạch carbon làm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị thu hẹp đi đáng kể. Doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm sản xuất hoặc chi nhiều tiền để đầu tư đổi mới, ứng dụng công nghệ ít phát thải để tuân thủ hạn ngạch được đặt ra.

Cái “hại” còn lớn hơn nếu doanh nghiệp cố tình không tuân thủ. Không chỉ bị đóng mức tiền phạt khá cao, doanh nghiệp còn bị đánh mất hình ảnh trong mắt khách hàng cũng như nhà đầu tư, từ đó tổn thương quá trình tồn tại và phát triển.

Tuy nhiên, nếu nhìn về dài hạn, doanh nghiệp có thể nhận được nhiều lợi ích lớn hơn khoản chi phí hoặc phí tổn phải bỏ ra khi tuân thủ quy định về định giá carbon.

Cụ thể, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước và tổ chức phát triển như đã nói ở trên, doanh nghiệp còn có cơ hội tốt hơn để xây dựng hình ảnh thương hiệu, tổ chức có trách nhiệm với môi trường và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, thông qua mua bán tín chỉ carbon, một nguồn vốn đáng kể sẽ được phân bổ tới những doanh nghiệp sở hữu công nghệ xanh, sở hữu giải pháp giảm phát thải hay dự án lưu trữ carbon.

Thị trường tín chỉ carbon vẫn mang bản chất là một thị trường đúng nghĩa. Do đó, ông Nam khuyên doanh nghiệp nếu có điều kiện thì nên tham gia sớm vào thị trường này, bởi “tham gia càng sớm càng có lợi thế”.

Tuy nhiên, ông Nam cũng nhìn nhận, việc kiểm kê khí thải nhà kính, đặt hạn ngạch carbon vẫn còn nhiều rủi ro do phương pháp luận và phạm vi kiểm kê ở cấp cơ sở vẫn còn chưa rõ ràng, mới chỉ có quy định chung chung là tuân thủ theo quy định của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).

Vì vậy, vị chuyên gia về biến đổi khí hậu kỳ vọng các bộ, ngành liên quan có thể sớm đưa ra quy định cụ thể hơn, qua đó đem lại cơ hội lớn hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.