Doanh nghiệp hoãn trả cổ tức vì Covid-19

Trần Anh - 10:52, 03/03/2020

TheLEADERLicogi 13 là doanh nghiệp niêm yết đầu tiên thông báo chậm trả cổ tức do tác động của Covid-19.

Trong thông báo gửi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và cổ đông, Công ty cổ phần Licogi 13 xin hoãn thời gian chi trả cổ tức bằng tiền mặt.

Theo kế hoạch ban đầu, cổ tức năm 2018 bằng tiền tỷ lệ 5% sẽ được chi trả ngày 5/3. Tuy nhiên, Licogi 13 cho biết do một số vấn đề phát sinh ngoài mong muốn cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam khiến việc thu hồi công nợ của công ty từ các khách hàng không đúng tiến độ như cam kết. Nguồn tiền của công ty do đó bị hạn chế nên chưa thực hiện được việc trả cổ tức như dự kiến.

Licogi 13 xin gia hạn thời gian thanh toán cổ tức năm 2018 bằng tiền cho các cổ đông sang ngày 20/3/2020.

Licogi 13 là doanh nghiệp niêm yết đầu tiên thông báo chậm trả cổ tức do tác động của Covid-19. Trước tình hình dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã phải công bố điều chỉnh mục tiêu kinh doanh năm 2020.

Theo báo cáo từ SSI Research, trong số 23 nhóm ngành trên thị trường, có 9 ngành được dự báo chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, bao gồm hàng không, dịch vụ sân bay, cảng biển, dệt may, bán lẻ, dầu khí, bia, thủy sản và chứng khoán. Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử cho biết chỉ đủ nguyên liệu sản xuất đến tháng 3 và phải dừng sản xuất nếu dịch tiếp tục kéo dài.

Mới đây, một khách sạn tại Hà Nội đã phải treo biển ngừng hoạt động vì 3 tháng tổn thất tới 20 tỷ đồng. Du lịch và hàng không được cho là những ngành chịu tác động mạnh nhất từ dịch Covid-19, sau khi dịch này bùng phát mạnh tại Trung Quốc và Hàn Quốc, những thị trường lớn của ngành du lịch.

Vietnam Airlines và ACV cũng cho biết kết quả kinh doanh sẽ giảm mạnh do tác động của dịch. Đại diện Vietnam Airlines cho biết dự kiến sản lượng vận chuyển có thể giảm 2,5 triệu khách năm nay. Hiện hãng đã tạm dừng các đường bay đến Trung Quốc và Hàn Quốc (từ 5/3).

Tính trên bình diện cả nước, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng cao điểm của dịch Covid-19 này, cả nước có 4.567 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 61,8%; 3.841 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 120,7%; 1.186 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 12,4%; và 2.215 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 67,7%.

Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm 2020 có gần 16,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 do tác động của dịch Covid-19. Theo đó, trong trường hợp khống chế được dịch bệnh trong quý I/2020 thì tăng trưởng GDP của cả nước năm 2020 dự báo là 6,25%.

Trường hợp dịch bệnh kéo dài sang quý II/2020 mới được khống chế thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,96%, giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I/2020.

Cả hai kịch bản đều đưa ra số dự báo tăng trưởng thấp hơn nhiều mục tiêu 6,8% mà Quốc hội đề ra.