Doanh nghiệp kêu cứu vì 'giấy phép con' vô lý của Hà Nội
Thu Hương
Thứ năm, 14/09/2017 - 11:17
Các "giấy phép con" này được "đẻ" ra theo Quyết định 06 của UBND TP. Hà Nội về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn.
Mới đây, nhiều ý kiến phản ánh trên báo chí cũng như gửi tới Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã nêu những bất cập trong Quyết định 06/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn.
Các doanh nghiệp cho rằng Quyết định này đã cấm gần như toàn bộ các xe tải hoạt động ban ngày. Còn trong khung giờ từ 21h tối đến 6h sáng hôm sau, dù được phép chạy nhưng các xe tải vẫn cần phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền - một loại "giấy phép con" gây rất nhiều phiền toái.
Cụ thể, tại khoản 1, điều 5, chương II quyết định nêu trên quy định: "Các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng đến 1,25 tấn: Cấm hoạt động trong giờ cao điểm" đối với khu vực hạn chế - khu vực này bao phủ một vùng rất rộng tại trung tâm Thành phố.
Cũng áp dụng với khu vực hạn chế này, khoản 2, điều 5, chương II quy định: "Các loại xe vận tải có trọng lượng từ trên 1,25 tấn trở lên, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe chuyên dùng và các loại xe máy thi công: Chỉ được phép lưu hành từ 21h đến 6h sáng ngày hôm sau và phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền".
Để làm rõ hơn khái niệm “trọng lượng”, tại khoản 1, điều 2, chương I quyết định này, “trọng lượng” được hiểu là: "Trọng lượng toàn bộ của xe gồm trọng lượng bản thân xe cộng với trọng lượng hàng theo thiết kế".
Tuy nhiên, trong thực tế, theo phản ảnh của các doanh nghiệp vận tải, gần như không có một loại xe tải nào có gắn thùng, đang lưu hành tại Việt Nam có tổng trọng lượng bản thân xe cộng với trọng lượng hàng theo thiết kế nhỏ hơn 1,25 tấn. Thậm chí, chỉ riêng trọng lượng bản thân xe thôi cũng đã vượt qua con số này.
Đẩy doanh nghiệp vào thế phải lách luật!
Đại diện Công ty TNHH vận tải và thương mại Khang An Phát, một doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn TP. Hà Nội cho rằng, Quyết định 06 làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải bởi thói quen sinh hoạt của nhân dân Thủ đô là không vận chuyển hàng hoá, đồ dùng vào ban đêm, các doanh nghiệp, cửa hàng trong nội đô cũng không kinh doanh vào thời gian này; không có hệ thống logistics hoạt động ban đêm…
Mặt khác, quy định này có thể khiến các chủ phương tiện vận tải tìm cách "lách luật". Doanh nghiệp này cho rằng, nhiều xe trọng tải nhỏ, bằng mọi phương cách, kể cả các cách tiêu cực, đã và đang hoạt động vào ban ngày chứ không xe nào hoạt động vào ban đêm cả.
Ngoài ra, “việc tất cả các loại xe tải nhỏ có trọng tải từ 0,5 tấn đến 1,25 tấn đều bị gộp chung với loại xe siêu trường, siêu trọng, lại phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cũng là một quy định rất vô lý. Nhiều khi chỉ để chở một cái tủ lạnh, một cái ti vi hoặc một cái bàn học sinh, trong khi thành phố đã trong tình trạng đường xá thưa vắng, mà vẫn phải có giấy phép mới được vào hoạt động”, Khang An Phát cho biết.
"Có thể khẳng định, gần như 100% các loại xe nhỏ từ 0,5 tấn đến 1,25 tấn hiện nay đều lách luật, lách sự vô lý quy định tại Điều 5 Quyết định 06 bằng rất nhiều cách, kể cả cách tiêu cực, để hoạt động được vào ban ngày. Nếu cấm hoạt động toàn bộ các xe có trọng tải nhỏ vào ban ngày thì cả nền kinh tế Hà Nội sẽ lưu thông hàng hoá bằng phương tiện nào?", công ty này bày tỏ quan điểm trong phản ánh gửi tới Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Cũng Công ty này nêu sự so sánh, TP.HCM có mật độ giao thông dầy đặc, tần suất tắc nghẽn giao thông gấp nhiều lần Hà Nội mà vẫn chỉ cấm xe tải trọng từ 0,5 tấn - 1,25 tấn hoạt động trong nội thành vào giờ cao điểm, sáng từ 6h00 - 8h00, chiều từ 16h30 - 19h30.
Theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội, những bất cập này các doanh nghiệp vận tải hàng hoá phản ánh từ rất lâu nhưng vẫn chưa được khắc phục gây ra nhiều khó khăn, phiền hà. "Riêng về việc yêu cầu giấy phép lưu hành do cơ quan có thẩm quyền cấp để được phép chạy trong khung giờ quy định, đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu mục đích để làm gì?”.
“Tại sao lại phải yêu cầu giấy phép như vậy mà không làm các biển cấm đường như biển cấm taxi, khi đó khỏi phải xin giấy phép, chỉ cần trong khung giờ cấm không cho xe chạy thôi, thế đơn giản hơn”, ông Liên bày tỏ quan điểm.
Hiện tại, thủ tục xin giấy phép được các cơ quan có thẩm quyền cho là đơn giản, dễ thực hiện. “Nói thì dễ nhưng đến khi làm sẽ lại gặp khó khăn, riêng việc phải đến trực tiếp xin cấp thì cũng đủ mất thời gian và phiền phức rồi, đó là chưa kể đến những đơn vị ở xa hàng chục cây số từ Sơn Tây, Ba Vì phải về Hà Nội xếp hàng chờ đợi”.
“Việc xin cấp và cấp phép này làm gia tăng thêm các thủ tục hành chính, tạo gánh nặng đối với doanh nghiệp, là trái với mong muốn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xoá bỏ những giấy tờ, thủ tục không cần thiết, xóa bỏ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Liên nói.
Hơn nữa, theo ông Liên, “quy trình cấp phép cũng đang không ổn, ẩn chứa nhiều tiêu cực, đẻ ra lợi ích nhóm. Người đi làm giấy tờ mất rất nhiều thời gian chờ đợi mà hàng hóa thì cần lưu thông gấp. Vì vậy dễ nảy sinh ra tiêu cực khi muốn nhanh phải có ‘phần mềm’”.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến của cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh xe tải nhỏ đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét: Sửa đổi và bãi bỏ những điều khoản bất hợp lý trong Quyết định 06/2013/QĐ-UBND, những điều khoản gây khó khăn, trói buộc, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, kiến nghị Thành phố cho phép các xe có tải trọng nhỏ nhất từ 0,5 tấn đến dưới 1,25 tấn được phép hoạt động vào ban ngày, trừ các khung giờ cao điểm (6h-8h30, và 16h30-19h30) như Hà Nội đã thực hiện trước đây và TP.HCM hiện đang áp dụng.
Đồng thời, bãi bỏ quy định tại Điều 5 Quyết định 06, quy định các xe có trọng tải nhỏ từ 0,5 tấn đến dưới 1,25 tấn hoạt động trong nội thành vào ban đêm từ 21h đến 6h sáng mà phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp không bỏ quy định cấp phép thì cũng cần quy định một cách thông thoáng, đỡ tốn kém nhất, có thể thông qua hình thức trực tuyến để đỡ được các rào cản về giấy tờ, thúc đẩy phát triển sản xuất.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các con số 300, 400 hay 500 điều kiện, giấy phép con được thống kê không quan trọng bằng việc, thời gian tới Bộ có cải cách hay không, bao nhiêu thủ tục sẽ tiếp tục được gỡ bỏ.
Bộ Công Thương vừa chính thức công bố dự thảo mới nhất thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu lúa gạo với hàng loạt đổi mới mạnh mẽ.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM, nếu các bộ ngành đã không thể tự thay đổi thì Chính phủ buộc phải áp đặt cho các bộ, giao chỉ tiêu cắt giảm cụ thể, bắt buộc phải thực hiện và tìm kiếm phương thức quản lý mới.
GS. Gurdev Singh Khush, đồng chủ nhân giải đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, đã có những chia sẻ đầy cảm xúc về hành trình nghiên cứu và hợp tác với GS. Võ Tòng Xuân để tạo ra những giống lúa mới.
Quy chế dân chủ liệu có thật sự bảo vệ quyền lợi người lao động, hay vẫn chỉ mang tính hình thức? Đâu là giải pháp để xây dựng môi trường làm việc dân chủ?
Thấu hiểu và tận dụng những thế mạnh của gen Z, các tổ chức không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn thúc đẩy thế hệ người lao động mới phát triển.