Giấy phép con trong xuất khẩu gạo: Chờ được cởi trói
An Chi
Thứ tư, 06/09/2017 - 14:13
Bộ Công Thương vừa chính thức công bố dự thảo mới nhất thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu lúa gạo với hàng loạt đổi mới mạnh mẽ.
Nhiều quy định "trói" doanh nghiệp
Mặc dù Bộ Công Thương đã bỏ Quyết định số 6139/QĐ-BCT quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, những điều kiện trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP vẫn đang là rào cản đối với không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Theo đó, Nghị định 109/NĐ-CP/2010 ngày 1/11/2010 quy định các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định. Cụ thể, Nghị định 109 quy định để trở thành doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và có ít nhất một cơ sở xay, xát gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, để làm được kho đủ khả năng chứa 5.000 tấn gạo, chi phí rất lớn khoảng 20 - 25 tỷ đồng. Với những doanh nghiệp đang xuất khẩu gạo mà không thể đáp ứng điều kiện, kết quả là phải đóng cửa, hoặc tìm cách sáp nhập, gom hàng và bán lại cho các doanh nghiệp có quyền xuất khẩu để tồn tại.
Một bất cập nổi cộm khác tại Nghị định 109 là muốn xuất khẩu, doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Như vậy, vô hình trung, khi doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp thông tin về hợp đồng cho VFA cũng chính là cung cấp thông tin cho đối thủ cạnh tranh của mình.
Bên cạnh đó việc kiểm soát giá, không bán gạo dưới giá sàn cũng được nhiều doanh nghiệp cho là thực sự hợp lý. Bởi trên thực tế, có nhiều trường hợp, khi giá lúa gạo trong nước thấp, doanh nghiệp mua thấp và có thể bán đi kiếm lời. Tuy nhiên, theo quy định trong Nghị định 109, doanh nghiệp không được bán dưới giá sàn nên khi giá sàn chưa kịp điều chỉnh thay đổi kịp thời với thực tế, doanh nghiệp không thể xuất khẩu gạo. Từ đó dẫn đến hàng hóa tồn đọng, ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế trong nước.
Trước khi có Nghị định 109, toàn quốc có khoảng 230 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn khoảng 80 doanh nghiệp xuất khẩu ở các phạm vi khác nhau. Đáng chú ý là, doanh nghiệp xuất khẩu mới tham gia vào thị trường rất ít. Hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu gạo ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Thay đổi là vấn đề cấp thiết
Trước thực trạng này, đầu năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo, đồng thời thành lập ban soạn thảo xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 109.
Vừa qua, Dự thảo thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu lúa gạo được Bộ Công thương công bố mới đây đã có hàng loạt đổi mới mạnh mẽ. Theo đó, dự thảo có nhiều nội dung sửa đổi như doanh nghiệp xuất khẩu gạo không bắt buộc phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo; không quy định quy mô kho chứa thóc, gạo, công suất cơ sở xay, xát, chế biến, không khống chế địa bàn đầu tư xây dựng. Thay vào đó, chỉ quy định kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo phải bảo đảm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành.
Đồng thời, dự thảo cũng bỏ quy định thực hiện thủ tục kiểm tra, xác nhận điều kiện kinh doanh của Sở Công Thương. Thay vào đó là cơ chế thương nhân tự kê khai thông tin, tự chịu trách nhiệm về cam kết đáp ứng điều kiện kinh doanh, chỉ tổ chức hậu kiểm. Cùng với đó, dự thảo cũng bãi bỏ quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và quy định giá sàn gạo xuất khẩu; bãi bỏ quy định về đăng ký hợp đồng tại VFA…
Với dự thảo nghị định này, Bộ Công Thương ước tính, sau khi có hiệu lực, số thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ tăng thêm khoảng 60% - 70% so với hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều thương nhân sẽ được trực tiếp xuất khẩu các mặt hàng gạo đặc thù như gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo dược liệu… mà không cần đáp ứng những điều kiện kinh doanh, không cần xin cấp giấy chứng nhận.
Tại văn bản góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc sửa đổi các quy định bất cập tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP là việc làm cất thiết giúp loại bỏ các rào cản không cần thiết, đặc biệt là các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với mặt hàng gạo của Việt Nam. Việc giảm các rào cản kinh doanh này sẽ mang lại nhiều lợi ích, không chỉ về mặt kinh tế mà cả các vấn đề an sinh xã hội.
Việc sửa đổi nghị định sẽ làm tăng thêm các doanh nghiệp gia nhập thị trường xuất khẩu gạo, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam trên thế giới. Các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường sẽ chủ động tìm kiếm các thị trường mới, hoặc các phân khúc thị trường chưa được tiếp cận. Điều này sẽ làm đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, từ đó tăng cơ hội để có thể xây dựng thương hiệu gạo quốc gia
Bên cạnh đó, việc tồn tại ổn định các doanh nghiệp trên thị trường (không có doanh nghiệp mới gia nhập, và cũng không có doanh nghiệp rút khỏi thị trường) sẽ làm tăng nguy cơ của những thỏa thuận ngầm nhằm "phân chia địa bàn" thu mua lúa gạo. Việc hạ các điều kiện gia nhập thị trường sẽ giúp người nông dân có thêm nhiều sự lựa chọn khi bán gạo của mình cho các doanh nghiệp xuất khẩu, từ đó nâng cao vị thế của nông dân trong việc đàm phán giá bán, tránh bị ép giá như thời gian qua.
Do đó, việc sửa đổi Nghị định 109 theo hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh xuất khẩu gạo là rất cần thiết. Cùng với việc bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, việc sửa đổi Nghị định 109 được kỳ vọng sẽ giúp ngành lúa gạo của Việt Nam có những bước phát triển trong thời gian tới, VCCI nhấn mạnh.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM, nếu các bộ ngành đã không thể tự thay đổi thì Chính phủ buộc phải áp đặt cho các bộ, giao chỉ tiêu cắt giảm cụ thể, bắt buộc phải thực hiện và tìm kiếm phương thức quản lý mới.
Trong kinh doanh bất động sản, chuyện chạy đua xin giấy phép và những cuộc đi đêm của doanh nghiệp không phải là chuyện hiếm và vẫn thường được người trong giới rỉ tai nhau trong cả nghị trường lẫn những buổi tán gẫu, trà đạo vỉa hè công cộng.
Chính phủ đã có yêu cầu các bộ ngành rà soát để bãi bỏ các điều kiện hạn chế cạnh tranh trong kinh doanh theo nguyên tắc thị trường của OECD. Vậy, tiêu chuẩn OECD là gì?
Giấy phép con được sinh ra để làm lợi cho một số đơn vị, các cơ quan quản lý có lợi nên mới đề ra điều kiện, nếu mở cửa hết ra thì họ sẽ không được lợi gì cả, Nguyễn Khắc Hiếu, Giám đốc Công ty CP Nghệ thuật quốc tế AZ chia sẻ.
Phát triển bền vững tại nhiều doanh nghiệp xuất phát từ mối liên kết chặt chẽ giữa các thế hệ lãnh đạo, nhân sự với nhau, song hành với công nghệ và văn hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, khi thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.