Doanh nghiệp nhỏ và vừa Quảng Ninh hưởng lợi từ nỗ lực cải cách

Quỳnh Chi - 08:14, 25/12/2020

TheLEADERNhững nỗ lực cải cách của chính quyền tỉnh Quảng Ninh không chỉ hướng đến thu hút các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế mà còn nhằm mục đích tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh phát triển.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Quảng Ninh hưởng lợi từ nỗ lực cải cách
Quảng Ninh không ngừng nỗ lực thực hiện cải cách

Quảng Ninh hiện có trên 19.600 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng hơn 430.000 lao động. Trong đó, số lượng doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 97%. 

Như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nhận định, trên hành trình phát triển của một địa phương không chỉ có sự đóng góp của các "đại gia" mà còn có sự góp sức rất lớn của các doanh nghiệp vửa, nhỏ và siêu nhỏ, các hộ gia đình. 

Với tỷ lệ hơn 97%, các doanh nghiệp này đang tạo một lượng lớn công ăn việc làm cho người dân địa phương và các khu vực lân cận. 

Nhận thức được điều này, trong những năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã luôn đặt mục tiêu tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển trong chiến lược cải cách thể chế và môi trường kinh doanh của mình, bên cạnh mục tiêu thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Ngoài việc nỗ lực nâng chất các chỉ số thành phần trong bảng xếp hạng PCI, tỉnh Quảng Ninh cũng chú trọng nâng cấp chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI). 

Chia sẻ về việc cải thiện môi trường kinh doanh tại một hội thảo về DDCI được tổ chức tại Nghệ An ngày 10/12/2020, bà Vũ Kim Chi, Phó ban hỗ trợ và xúc tiến đầu tư (IPA) tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là động lực tăng trưởng kinh tế. 

Doanh nghiệp SME Quảng Ninh hưởng lợi từ nỗ lực cải cách
Bà Vũ Kim Chi, Phó Ban Hỗ trợ và xúc tiến đầu tư (IPA) tỉnh Quảng Ninh

Vì vậy, tinh thần DDCI là mạnh dạn trao quyền cho doanh nghiệp. Muốn vậy, Quảng Ninh đã tạo sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành và địa phương để thay đổi nhận thức của các cấp, ngành, cùng với đó là lắng nghe tiếng nói và hỗ trợ doanh nghiệp.

“Kỳ vọng của doanh nghiệp ngày càng cao, không chỉ Quảng Ninh mà các địa phương khác cần phải tiếp tục cố gắng để đáp ứng hơn nữa nhu cầu, sự hài lòng của doanh nghiệp. 

Đó chính là cải thiện tính minh bạch, thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai, giảm thiểu chi phí không chính thức, đảm bảo an ninh tiền tệ, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, bà Chi nói.

Dành nhiều năm để tìm hiểu đầu tư vào thị trường Quảng Ninh, bà Nguyễn Như Ý, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Ana Homes nhìn nhận, Quảng Ninh đã nhận được sự yêu mến rất lớn từ các nhà đầu tư. Một trong các lý do được bà Như Ý đưa ra là những nỗ lực của chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong việc cải cách hành chính mà việc dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) suốt ba năm liền là một minh chứng rõ nhất. 

"Đáng chú ý, trong năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực điều chỉnh các quy hoạch với tầm nhìn dài hạn để có một cục diện mang tính đồng bộ thay vì vừa làm vừa sửa. Những quan sát sơ bộ đó cho thấy Quảng Ninh có môi trường đầu tư thuộc nhóm tốt nhất cả nước", Chủ tịch Ana Homes cho biết.

Bà Ý cho rằng trong những năm qua, Quảng Ninh không chỉ thay da đổi thịt nhờ thu hút các doanh nghiệp FDI cũ mà còn kéo được các nguồn lực mới về Quảng Ninh, không chỉ về công nghiệp mà còn trong nhiều lĩnh vực khác nhau như logistics, dịch vụ… Chính những cơ sở đó nên tạo nên một cuộc chơi lớn trên đất mỏ. 

Doanh nghiệp SME Quảng Ninh hưởng lợi từ nỗ lực cải cách 1
Bà Nguyễn Như Ý, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Ana Homes

Sáng lập hãng nước mắm truyền thống Vanbest (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) từ mười năm trước, bà Cao Hồng Vân cho biết đến nay, môi trường kinh doanh đã có rất nhiều thay đổi, thách thức ngày càng lớn nhưng đi cùng là các điều kiện thuận lợi và cơ hội đan xen.

Trong đó, bà Vân nhấn mạnh, doanh nghiệp không đơn độc mà có sự hỗ trợ quan tâm từ chính quyền địa phương đến trung ương để có thể nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng mẫu mã, bao bì, hỗ trợ quảng bá thương hiệu sản phẩm qua các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, kết nối doanh nghiệp địa phương với các nhà phân phối. 

Chia sẻ điều này, bà Vân nhớ lại cảm giác "cô đơn" thời điểm mười năm về trước vẫn còn nhiều khó khăn khi thành lập doanh nghiệp chưa nhận được nhiều hỗ trợ như bây giờ mà gần như phải tự mày mò, thực hiện nhiều thủ tục phức tạp, qua nhiều cửa mới có thể đưa được sản phẩm ra thị trường.

Với những hỗ trợ, kết nối từ chính quyền địa phương, sản phẩm của Vanbest giờ đây đã lọt vào nhóm mười thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng đất Việt, sản phẩm, dịch vụ uy tín nhất năm 2019. Dù là doanh nghiệp nhỏ nhưng bà Vân cùng đội ngũ của mình đang rất tự tin hoàn thành các thủ tục cần thiết để chuẩn bị đưa sản phẩm nước mắm sá sùng cập bến các thị trường khó tính nhất nhì thế giới.