Nhận diện động lực tăng trưởng mới cho Quảng Ninh

Quỳnh Chi - 08:00, 23/12/2020

TheLEADERDù đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong những năm vừa qua, song tỉnh Quảng Ninh xác định còn nhiều dư địa cần khai thác hiệu quả để giữ vững đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới.

Nhận diện động lực tăng trưởng mới cho Quảng Ninh
Tỉnh Quảng Ninh còn nhiều dư địa phát triển năm 2021

Tại kỳ họp lần thứ 21, HĐND tỉnh khóa XIII diễn ra đầu tháng 12/2020, khi đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn đã khẳng định, dư địa phát triển của Quảng Ninh vẫn còn rất lớn.

Ông Văn cho rằng việc nhận diện và khai thác hiệu quả các dư địa này sẽ là động lực, thành tố quan trọng để tỉnh Quảng Ninh hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thực hiện chủ đề công tác năm 2021: “Giữ vững địa bàn an toàn và đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng”.

Năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. 

Như ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh đã nhận định: "Năm 2020, Quảng Ninh đã đạt được toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu; nhiều thành tựu rất đậm nét, quan trọng, tạo dấu ấn nổi bật, có ý nghĩa quyết định hoàn thành cơ bản các mục tiêu của cả giai đoạn 2016 - 2020". 

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Quảng Ninh ước đạt 10,05%, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 2,35 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và đứng thứ hai trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. 

Thu ngân sách nhà nước đạt 49.300 tỷ đồng, vượt 9,4% dự toán Trung ương giao, tăng 3% so với dự toán của tỉnh. Trong đó, thu nội địa ước đạt 37.000 tỷ đồng, tăng 12% so với dự toán. 

Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh đứng thứ bảy cả nước về tổng thu ngân sách và đứng thứ sáu về thu nội địa. 

Ước tính, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh năm nay đóng góp khoảng 3,7% tổng thu ngân sách nhà nước của cả nước.

Trong suốt ba năm liền, tỉnh Quảng Ninh duy trì vị thế đứng đầu cả nước về bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và các chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển địa phương. 

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI từ vị trí thứ 62 năm 2016 vươn lên đứng thứ ba năm 2019.

Cũng nhờ vậy mà Quảng Ninh, trong suốt những năm vừa qua và đặc biệt là trong năm 2020 mang tính "bàn đạp" cho năm tới, đã tạo nên được một sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dù vậy, lãnh đạo tỉnh không "ngủ quên trên chiến thắng" mà luôn nỗ lực tìm ra các dư địa phát triển, cách làm mới để tạo bứt phá. 

Về nguồn lực đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc siết chặt quản lý là rất cần thiết. Theo đó, năm 2021, Quảng Ninh sẽ tiếp tục nâng cấp quy trình quản lý đất đai. Từ khâu lựa chọn địa điểm trong nghiên cứu quy hoạch, phê duyệt quy hoạch, chủ trương đầu tư giao đất, cho thuê đất, đến triển khai đầu tư...sẽ được quản lý một cách chặt chẽ hơn nữa. 

Quảng Ninh kiên quyết thu hồi các dự án có sử dụng đất mặt nước chậm tiến độ, vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai để thu hồi theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ đầu tư thi công xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp của các chủ đầu tư; đẩy mạnh công tác xúc tiến thu hút đầu tư các dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế để tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy, tránh bỏ lỡ cơ hội lãng phí đất đai, tài nguyên, nguồn lực. 

Quảng Ninh cũng xác định sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ quỹ bảo vệ môi trường và phát triển đất của tỉnh để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Chủ động tạo mặt bằng sạch đối với các quỹ đất quy hoạch là đất công nghiệp tại khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp. Qua đó, thúc đẩy nhanh việc thu hút lựa chọn chủ đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo.

Năm 2021, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch; tập trung thu hút ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tạo ra bước đột phá về thu hút tổng vốn đầu tư và giá trị gia tăng của ngành; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp trong GRDP và thu ngân sách địa phương.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư trong lĩnh vực này, nhất là nông nghiệp công nghệ cao...

Năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu sở, ngành, địa phương liên quan tập trung hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2021; lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành lập và tổ chức triển khai quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2021...

Các quy hoạch này sẽ là căn cứ để tỉnh thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất kịp thời, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Đặc biệt, tỉnh sẽ ưu tiên bố trí quỹ đất đủ diện tích với mặt bằng sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế để thu hút phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo;

Xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện và quy hoạch tỉnh.