Doanh nghiệp sẵn sàng chi nhiều hơn cho chi phí văn phòng

An Chi - 08:24, 11/02/2022

TheLEADERSau giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp đang ngày càng chú trọng đến sức khỏe người lao động. Họ sẵn sàng chi nhiều hơn cho môi trường làm việc và thiết kế văn phòng.

Doanh nghiệp sẵn sàng chi nhiều hơn cho chi phí văn phòng
Theo Cushman & Wakefield Việt Nam, chi phí thi công văn phòng tại Việt Nam khoảng 15 triệu đồng/m2

Đại dịch Covid-19 bùng nổ vào năm 2021 đã tác động mạnh mẽ đến thị trường văn phòng tại TP. HCM và Hà Nội. Các chương trình giãn cách của Chính phủ thúc đẩy một làn sóng làm việc tại nhà trên diện rộng, từ đó làm rõ nét hơn nhu cầu làm việc linh hoạt của chính người lao động. 

Sau đại dịch và giãn cách xã hội, theo ghi nhận của Cushman & Wakefield (C&W), nhiều công ty đã tiến hành thiết kế cho văn phòng linh hoạt hơn và sẵn sàng chi tiền vào những tiện ích có thể đảm bảo cho sức khỏe của người lao động.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc C&W Việt Nam nhận định, xu hướng thay đổi thiết kế văn phòng không chỉ tập trung ở khối tập đoàn lớn như trước kia, mà đang diễn ra ở cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ và thậm chí là các cơ quan nhà nước. 

Các doanh nghiệp chú trọng đầu tư không chỉ về công nghệ máy tính mà còn các công nghệ không chạm, hệ thống thông gió, điều hòa không khí và quy trình vệ sinh thông minh nhằm bảo vệ sức khỏe của nhân viên và cả khách hàng.

Không chỉ tại Việt Nam, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đang bước vào ​​một thời điểm quan trọng khi các chủ thuê và nhà đầu tư bắt đầu chú trọng nhiều hơn đến các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trên tất cả các khía cạnh của bất động sản. 

Để có thể giữ chân nhân tài cũng như thu hút nguồn vốn “xanh” trong lúc nhiều tập đoàn quốc tế đang nhắm đến mục tiêu giảm phát thải carbon, các doanh nghiệp cần có kế hoạch và tầm nhìn dài hạn để biến nơi làm việc trở nên “xanh” và bền vững hơn, với những yếu tố bảo vệ sức khỏe và an toàn cho nhân viên.

Mặc dù sự phát triển của biến thể Omicron đã khiến các thành phố phải cẩn trọng nhiều hơn, tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng cao hơn cho phép kinh tế mở cửa trở lại, giúp nhân viên yên tâm quay trở lại văn phòng, và sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu văn phòng trong năm 2022.

Đồng quan điểm, nhận định từ Savills cũng cho rằng, các doanh nghiệp đang chi nhiều hơn cho chi phí văn phòng. Tác động của Covid-19 đang khiến khách thuê dần thích nghi với mô hình làm việc kết hợp. Theo khảo sát “Xu hướng mới nổi trong ngành bất động sản châu Á - Thái Bình Dương” năm 2022 của ULI và PWC, đa số người được hỏi đồng ý rằng tổ chức của họ sẽ hướng tới mô hình kết hợp giữa làm việc từ xa và tại văn phòng vào năm 2022. 

Các khách thuê văn phòng sẽ cần những nơi làm việc thân thiện hơn với nhân viên, với các tiện nghi chăm sóc sức khỏe tốt hơn, cơ sở hợp tác và không gian trải nghiệm, tạo ra một môi trường làm việc linh hoạt. Về lâu dài, các nhà cung cấp văn phòng sẽ cần giải quyết và cải thiệncác phương thức vận hành, sức khỏe, an toàn và hoạt động của tòa nhà để áp dụng xu hướng này nhằm thu hút nhiều khách thuê hơn.

Tuy nhiên, để có được một văn phòng lý tưởng, các doanh nghiệp sẽ phải lên kế hoạch về tài chính, định lượng diện tích và thiết kế không gian. Theo báo cáo của C&W, chi phí trung bình trang bị một văn phòng mới tại Việt Nam năm 2022 rơi vào khoảng 15 triệu đồng/m2, trong khi đó, chi phí nâng cấp cải tạo từ văn phòng cũ là 7,4 triệu đồng/m2. Chi phí trang bị có thể bao gồm nội thất trần-sàn-tường, phí tư vấn thiết kế, xây dựng, cơ điện, công nghệ thông tin, thiết bị nghe nhìn và các chi phí khác. 

Mức giá này vẫn tương đối thấp so với các thành phố lớn trong khu vực như Singapore, Kuala Lumpur, Bangkok và Manila.

Doanh nghiệp sẵn sàng chi nhiều hơn cho chi phí văn phòng

Theo báo cáo quý IV/2021 của C&W, giá chào thuê trung bình một tháng hiện tại ở TP.HCM và Hà Nội đối với văn phòng hạng A và B lần lượt là 913 nghìn đồng/m2 và 543 nghìn đồng/m2. 

Với chi phí thi công văn phòng đang ở mức khá thấp, xu hướng tăng giá cho thuê dự kiến ​​sẽ tiếp tục khi thị trường lấy lại đà tăng sau khi đại dịch được kiềm chế một cách hiệu quả và các hoạt động kinh doanh phục hồi hoàn toàn.

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại đang hồi phục tích cực cũng là tín hiệu tốt đối với thị trường văn phòng. Báo cáo của Savills cũng cho thấy, vào năm 2022, các ngành công nghệ thông tin, sản xuất, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm sẽ vẫn là những ngành then chốt để thúc đẩy nhu cầu văn phòng trong tương lai.

Số lượng doanh nghiệp ICT năm 2021 đạt 64.000 doanh nghiệp, tăng 10% theo năm, doanh thu của ngành là 3,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9% theo năm. Theo khảo sát của Navigos về thị trường lao động năm 2021, tuyển dụng của ngành ICT có tỷ lệ tăng trưởng lớn nhất, đặc biệt tại Hà Nội. 

Hơn nữa, việc thuê văn phòng bị dồn nén vào nửa cuối 2021 do ảnh hưởng Covid-19 và mọi người đang dần trở lại làm việc dự báo nhu cầu thuê văn phòng của ngành này sẽ tăng mạnh vào năm 2022. Trong quý IV/2021, ngành bảo hiểm cũng mở rộng với gần 5.000m2 tại tất cả các hạng văn phòng. Hầu hết các giao dịch tài chính và ngân hàng là chuyển dịch văn phòng.

Thực tế trên thị trường cho thấy, các văn phòng hạng A mới gia nhập thị trường hay mới nâng cấp bao gồm Capital Place và Leadvisors Tower có các giao dịch thuê văn phòng lớn từ ngành công nghệ thông tin. 

Đơn cử như ThaiHoldings Tower với ngân hàng và tài chính, International Centre với sản xuất và bảo hiểm. Các ngành công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đang cho thấy nhu cầu về một không gian làm việc lớn hơn 1.000m2.

Về triển vọng thị trường đến năm 2025, Hà Nội sẽ có gần 700.000m2 văn phòng từ 22 dự án sẽ gia nhập thị trường, chủ yếu là hạng A với 54%. Khu phía Tây sẽ cung cấp nhiều nhất với 430.000m2, tương đương 62% tổng nguồn cung tương lai trong giai đoạn này, chủ yếu là từ khu vực Starlake. 

Các dự án đáng chú ý sắp tới bao gồm văn phòng Epic Tower, Techcombank Tower 6 Quang Trung, Lotte Mall, 36 Cát Linh, Gelex 10 Trần Nguyên Hãn, Tiến Bộ Plaza, Starlake.