Doanh nhân Bùi Hải An: Khi nào cần ”thay máu” nhân sự?

Hải An - 08:00, 28/08/2017

TheLEADERMô hình tuyển dụng nhân sự với các loại hình doanh nghiệp, tập đoàn theo cách nào là phù hợp, như thế nào để tạo được động lực phát triển và giúp doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững?

Doanh nhân Bùi Hải An: Khi nào cần ”thay máu” nhân sự?
Bùi Hải An, CEO Silicon Straits Saigon.

LTS: Chủ đề nhân sự trong doanh nghiệp nói riêng và trong tổ chức nói chung luôn nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng, là vấn đề cốt lõi quyết định thành bại của một doanh nghiệp.

Quan điểm và thực tế quản lý của Thế Giới Di Động được CEO Nguyễn Đức Tài chia sẻ gần đây "không dung nạp được người mới từ ngoài vào các vị trí quản lý của công ty" đã thu hút nhiều sự chú ý và cũng xuất hiện những ý kiến khác nhau.  

Câu hỏi lớn đặt ra là: Mô hình tuyển dụng nhân sự với các loại hình doanh nghiệp, tập đoàn theo cách nào là phù hợp, như thế nào thì tạo được động lực phát triển và giúp doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững?  

Báo điện tử TheLEADER thực hiện chương trình Cafe Quản trị có chủ đề: "NHÂN SỰ QUẢN LÝ: Dùng nội lực hay ngoại lực?" với sự tham gia phân tích, phản biện và chia sẻ kinh nghiệm của các CEO, nhà đầu tư, chuyên gia nhân sự. Ban biên tập TheLEADER.vn trân trọng giới thiệu toàn bộ nội dung này đến bạn đọc. 

Bài 2: Khi nào cần ”thay máu” nhân sự?

(Bùi Hải An, CEO Silicon Straits Saigon)

Việc dung nạp các nhân sự cao cấp vào tổ chức, tập đoàn lớn luôn là một đề tài thú vị, không chỉ với Thế Giới Di Động (TGDĐ) – một công ty nội địa hiếm hoi có sự phát triển vô cùng nhanh chóng – mới gặp phải mà thật ra các tập đoàn đa quốc gia cũng luôn gặp những khó khăn này dù họ cũng đã trải qua thời gian phát triển gấp nhiều lần TGDĐ. Câu chuyện khó đón nhận nhân sự này đến từ nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan:

Thứ nhất, đặc thù ngành nghề không hẳn là một lý do đúng, mà chính xác hơn đặc thù vận hành và tốc độ phát triển của TGDĐ tạo ra những yêu cầu rất khác cho vai trò quản lý công ty bán lẻ khổng lồ này. Nếu nhìn xung quanh thị trường, bao nhiêu công ty đạt được mức độ của TGDĐ, và trong thời gian ngắn như họ. Điều đó dẫn đến hầu hết các nhân sự ở vị trí tương ứng bên ngoài đều đang có cách thức điều hành, cả cách suy nghĩ và những kỹ năng rất khác với những con người trong TGDĐ. 

Do đó, đem 1 người mới vào thì nó đòi hỏi sự thích nghi rất lớn của ứng viên này, cũng như sự thông thoáng cởi mở chấp nhận cách làm hơi khác mình một tí của các thành viên quản lý còn lại. Từ đó việc dung nạp mới may ra thành công được, và chắc chắn là không thể ngay từ đầu được mà phải ít nhất 6 tháng đến một năm để có thể thích nghi.

Thứ hai, câu chuyện về tốc độ tăng trưởng cũng đem đến đòi hỏi khá khắc nghiệt cho việc “chấp nhận” sai lầm từ bản thân TGDĐ. Liệu một người mới vào có bao nhiêu “đất diễn” trước khi bị đánh giá không tốt từ đồng nghiệp và cấp trên. Nhất là khi TGDĐ phát triển vũ bão thì sự nhẫn nại càng ít đi.

Thứ ba, liệu bản thân TGDĐ có đang thấy mình cần nhân sự cao cấp “ngoại nhập” hay không? Thường nhu cầu này đến khi mà công ty cảm thấy những quản lý hiện tại đang bị tụt hậu so với đà phát triển chung của thị trường, và hi vọng sự “tươi mới” đến từ góc nhìn, cách tiếp cận cũng như kinh nghiệm của ngoại binh có thể giúp vực dậy đà phát triển của công ty. Theo tình hình của TGDĐ thì có lẽ họ cũng đang chưa cần đến bài thuốc này cho vấn đề nhân sự của họ.

Những ý trên dẫn đến việc thành công của TGDĐ trong ngành bán lẻ có lẽ vẫn duy trì được khá lâu ở vai trò dẫn đầu vì “công thức” hiện tại của họ vẫn đang phát huy hiệu quả, cũng như họ vẫn cho thấy có vẻ đủ nội lực để chinh chiến cho hàng loạt các mặt trận mới như Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh.

Vấn đề đặt ra là nếu TGDĐ phải tiếp cận một mảng hoàn toàn mới mà nhân sự hiện tại không có nhiều kinh nghiệm? Hoặc họ bước vào giai đoạn phải thay máu nhân sự cao cấp? thì sự thiếu chuẩn bị cho ngoại binh gia nhập sẽ là rào cản sự phát triển tiếp theo để giữ vững vai trò dẫn đầu của họ. 

* Bài tiếp theo: 'Tự trói tay mình khi tuyển dụng nhân sự theo một hướng'