Hồ sơ quản trị
Doanh nhân Đoàn Quốc Việt đã gây dựng BIM Group lớn mạnh như thế nào?
Với sự kiên định và tầm nhìn sâu sắc, doanh nhân Đoàn Quốc Việt đã dẫn dắt BIM Group trở thành một trong những tập đoàn đa ngành lớn tại Việt Nam, có tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới quốc gia.
Ngày 7/11, ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm nhà sáng lập BIM Group qua đời ở tuổi 70. Di sản mà ông để lại không chỉ là những dự án bất động sản quy mô lớn, trang trại thủy sản, cánh đồng muối rộng lớn hay công trình năng lượng tái tạo hiện đại, mà còn là những giá trị mà ông đã xây dựng và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ kế nhiệm và các cộng sự.
Có lẽ, trong giới doanh nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới, ông Việt là một trong những người kín tiếng nhất. Cho dù sự hiện diện của tập đoàn do ông sáng lập vượt khỏi biên giới quốc gia, trở thành doanh nghiệp Việt duy nhất có hai khách sạn ở thủ đô Viêng Chăn của Lào, hay phát triển những dự án bất động sản và du lịch lớn ở hai trung tâm du lịch Hạ Long và Phú Quốc, nhưng ông Việt không mấy khi xuất hiện trước công chúng hay trên truyền thông. Ông dường như ít nói và cũng không thích phô trương, nhưng chỉ làm và đã làm là làm quyết liệt với tinh thần kiên định và tầm nhìn xa.
Hành trình làm doanh nhân của ông bắt đầu từ kinh doanh máy tính ở Ba Lan và từ vốn liếng tích cóp được ở nước ngoài, ông và vợ mình quay về đầu tư ở Việt Nam và đưa BIM Group trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành với bốn trụ cột chính là phát triển hạ tầng du lịch và bất động sản, nông nghiệp và thực phẩm, năng lượng tái tạo, dịch vụ tiêu dùng.
'Phải làm gì đó cho quê hương'
Giờ đây, khách sạn Halong Plaza nằm lọt thỏm giữa những toà khách sạn cao tầng mọc lên như nấm trên con đường ven biển Bãi Cháy. Bề ngoài khách sạn cũng không còn hào nhoáng như những toà nhà mới xây dựng trong những năm gần đây. Nhưng ít ai biết rằng, Halong Plaza là một trong những khách sạn cao cấp đầu tiên ven bờ vịnh Hạ Long khi được xây dựng chỉ ít lâu sau khi vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới lần đầu tiên.
Khách sạn Halong Plaza chính là “tầm nhìn xa” của ông Việt như BIM Group nhấn mạnh khi ông qua đời. Ở thời điểm xây dựng khách sạn Halong Plaza, Việt Nam bắt đầu đón nhận mạnh mẽ làn sóng đầu tư nước ngoài lần thứ nhất sau khi gia nhập ASEAN và Mỹ dỡ bỏ cấm vận. Lúc đó cũng có nhiều dự án khách sạn cao cấp được xây dựng ở Hà Nội và TP. HCM, nhưng hầu hết các dự án này đều do các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn xây dựng, doanh nghiệp trong nước chỉ đóng vai trò thứ yếu khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Vì thế, việc ông Việt quyết định xây dựng cao 13 tầng với 200 phòng đạt tiêu chuẩn 4 sao ở ven vịnh Hạ Long bấy giờ là “hiện tượng” hiếm thấy.
Sau khi khai trương năm 1997, Halong Plaza là sự lựa chọn không thể thiếu đối với du khách quốc tế khi đến với Hạ Long. Đặc biệt, khi Việt Nam bắt đầu chiến dịch quảng bá du lịch “Việt Nam – Điểm đến của thiên niên kỷ mới” vào năm 2000, khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng đông và Halong Plaza càng kinh doanh sôi động. Và Halong Plaza chính là “con đẻ” đầu tiên khi vợ chồng ông Việt khi từ Ba Lan về nước năm 1994 và thành lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long, tiền thân của BIM Group ngày nay.
Khởi nghiệp kinh doanh trong nước ở mảng khách sạn nhưng ngành học của ông lại không liên quan. Ông Việt tốt nghiệp Khoa chế tạo máy tại Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1976 và sau đó làm việc tại Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Điện thuộc Bộ Điện lực. Mười năm sau, ông được Nhà nước cử đi làm nghiên cứu sinh tại Trường Bách Khoa Warszawa, Ba Lan với ngành nghề Học viện hàng không và cơ học ứng dụng. Tại đây, ông bắt đầu khởi nghiệp với lĩnh vực xuất nhập khẩu và thành lập công ty BIM Co. Ltd vào năm 1990, kinh doanh với lĩnh vực kinh doanh thương mại, khách sạn và nhà hàng. Đây cũng chính là tiền đề để ông Việt khởi nghiệp khi về nước với tâm huyết “phải làm gì đó cho quê hương”.
Sự thành công của Halong Plaza cũng là tiền đề để ông Việt lựa chọn Quảng Ninh là cứ điểm của BIM Group, là nơi đặt nền móng cho nhiều dự án tầm cỡ, mang dấu ấn tên tuổi của mình. Trong đó, Halong Marina là một trong những dự án khu đô thị lớn nhất, làm thay đổi diện mạo đô thị ven bờ vịnh Hạ Long.
Hai năm sau khi khai trương khách sạn Halong Plaza, thực hiện chương trình “đổi đất lấy hạ tầng” ông Việt tiếp tục đầu tư tuyến đường bao biển Hùng Thắng với chiều dài 4,2 km, rộng 42m. Con đường nối Quốc lộ 18 với khu du lịch Bãi Cháy đã mở ra không gian phát triển mới, hình thành nên khu đô thị Halong Plaza với các khu nhà phố, trung tâm thương mại, khu vui chơi, khách sạn 5 sao.
Không chỉ tự phát triển các khu căn hộ, nhà phố và biệt thự, BIM Group còn thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp đến Halong Plaza cùng xây dựng khách sạn, tạo nên một quần thể đô thị du lịch hiện đại nhìn ra vịnh Hạ Long. Trong mấy năm qua, Halong Marina là “mỏ vàng”, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào doanh thu của BIM Group và cũng là bàn đạp để tập đoàn tiếp tục mở rộng đầu tư các dự án bất động sản khác ở Hà Nội và Phú Quốc.
Cùng với Vingroup, Sun Group và CEO Group, BIM Group là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đặt chân đến Phú Quốc phát triển những dự án bất động sản du lịch tầm cỡ từ khi hòn đảo này còn khá hoang sơ. Nếu như Vingroup nổi bật ở phía Bắc, Sun Group với loạt dự án làm thay đổi diện mạo phía Nam, thì BIM Group cùng CEO Group lại chiếm lĩnh một không gian rộng lớn ở trung tâm đảo.
Phu Quoc Marina của BIM Group có diện tích 155ha và là dự án bất động sản du lịch lớn nhất ở Bãi Trường. Bên cạnh những khu nhà phố, tại đây, BIM Group đã đưa về hai thương hiệu khách sạn cao cấp là InterContinental và Regent. Tiếp đó, tập đoàn tiếp tục xây dựng khu nghỉ dưỡng Park Hyatt cách Phu Quoc Marina không xa, với những căn biệt thự mang đậm phong cách kiến trúc miền quê Bắc Bộ và có giá bán hàng triệu USD mỗi căn.
Nhưng cũng ít ai biết rằng, BIM Group khởi sự kinh doanh ở hòn đảo này không phải bằng dự án bất động sản du lịch mà là từ lĩnh vực thuỷ sản. Năm 2005, BIM Group đưa trung tâm giống tôm vào hoạt động tại Phú Quốc với quy mô 42ha, chuyên nhập khẩu, chọn lọc nguồn giống sạch từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Thái Lan, Indonesia, Singapore; nuôi và gây tôm giống với công suất tối đa tới 3 tỷ con mỗi năm.
Trại gây tôm giống này chỉ là một mắt xích trong mảng kinh doanh lớn thứ hai của BIM Group là nông nghiệp. Nếu như nhiều tập đoàn tư nhân lựa chọn đầu tư thêm vào nông nghiệp sau khi đã gây dựng được vốn liếng kha khá từ bất động sản thì BIM Group phát triển song song hai lĩnh vực. Thực tế, mảng nông nghiệp luôn đóng vai trò cốt lõi, căn cơ trong hệ sinh thái của BIM Group trong ba thập kỷ phát triển.
BIM Group là một trong những doanh nghiệp nuôi trồng, sản xuất thủy hải sản lớn nhất Việt Nam với diện tích nuôi trồng trải rộng hàng nghìn ha, tại các địa phương như Quảng Ninh, Kiên Giang và Ninh Thuận.
Năm 2001, BIM Group đưa vào hoạt động khu nuôi tôm Minh Thành quy mô 251ha, sản lượng trung bình tới 2.000 tấn mỗi năm. Năm 2004, BIM Group tiếp tục cho ra đời khu nuôi tôm Đồng Hòa có quy mô lớn nhất Việt Nam với quy mô lên đến 1.234 ha. Tiếp sau đó là trại nuôi tôm II và nhà máy chế biến thủy sản tại Kiên Giang lần lượt đi vào hoạt động.
Ông Việt cũng là người là “Việt hoá” thành công giống hàu sữa Thái Bình Dương. Năm 2006, ông Việt đưa giống hàu có xuất xứ từ Nhật Bản và được thuần dưỡng tại Đài Loan, về nuôi thử ở Vân Đồn, với niềm tin rằng, thổ nhưỡng, khí hậu, nhiệt độ và độ mặn của vùng biển Đông Bắc tương đồng với nơi hàu sữa có chất lượng tốt nhất.
Và niềm tin ấy đã được đền đáp. Từ ý tưởng ban đầu, BIM Group đã nuôi cấy giống hàu Thái Bình Dương thương phẩm tại vùng biển Vân Đồn với diện tích nuôi 500ha. Hausubi, thương hiệu hàu của BIM, đáp ứng yêu cầu của các đối tác khó tính trong xuất khẩu và có mặt ở hầu khắp chuỗi siêu thị trong nước.
Sản xuất muối là một mảng hoạt động quan trọng khác của BIM Group. Từ năm 2006, Công ty CP Sản xuất và chế biến Muối BIM đã đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất, chế biến sản phẩm muối sạch theo mô hình công nghiệp trên cánh đồng muối sạch Quán Thẻ (Ninh Thuận) - một trong ba cánh đồng muối lớn nhất Đông Nam Á.
Đến nay, khu kinh tế công nghiệp muối rộng 2.200 ha của BIM Group đạt sản lượng trên 350.000 tấn muối mỗi năm. Tính cả đồng muối Cà Ná và Tri Hải, doanh nghiệp đóng góp khoảng 60-70% sản lượng muối của Việt Nam.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ, BIM Group tiến hành tái cấu trúc từ năm 2018, chia rõ hoạt động ra thành bốn lĩnh vực chính và đây cũng là thời điểm ra đời hai thương hiệu quan trọng là BIM Land và BIM Energy.
Trong đó, năng lượng là lĩnh vực mới. BIM Energy lập tức tạo tiếng vang khi khởi công dự án cụm nhà máy điện mặt trời BIM 1-2-3 có công suất lên tới hơn 300MW, lớn nhất Đông Nam Á đặt tại Ninh Thuận. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng và hợp tác đầu tư với AC Energy thuộc Ayala (Philppines). Cụm ba nhà máy điện mặt trời đã hoàn tất đóng điện và hòa lưới điện quốc gia trong tháng 4/2019.
Đến đầu tháng 10/2021, BIM Energy tiếp tục đánh dấu bước tiến quan trọng của mình với việc đi vào vận hành thương mại nhà máy điện gió với tổng công suất 88 MW với vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng chỉ trong vòng 11 tháng xây dựng.
Đáng chú ý, cụm ba nhà máy điện mặt trời, điện gió được xây dựng ngay tại khu vực đồng muối Quán Thẻ của BIM Group, từ đó tạo thành Tổ hợp kinh tế xanh năng lượng tái tạo kết hợp sản xuất muối sạch. Tổ hợp này mỗi năm sản xuất 300.000 tấn muối và đạt công suất gần 500MWp năng lượng.
Mặc dù có những giai đoạn khó khăn, BIM Group những năm sau đó vẫn tăng trưởng mạnh và có phần vững chắc hơn, trong đó có sự tham gia của những người con của ông Việt.
Tiếp nối những giá trị
Trải qua ba thập kỷ hình thành và phát triển, BIM Group đã là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Mặc dù vậy, BIM Group vẫn được biết đến là một công ty gia đình.
Tại BIM Group, con trai ông Việt là Đoàn Quốc Huy đang làm Phó chủ tịch BIM Group, phụ trách mảng kinh doanh bất động sản, năng lượng và hoạt động đầu tư tài chính. Trong lĩnh vực bất động sản, ông Huy bắt đầu với nhiệm vụ dẫn dắt và phát triển Công ty CP Đầu tư phát triển Syrena Việt Nam, phát triển hơn 16 dự án lớn tại Việt Nam và Lào.
Thế hệ tiếp theo ở BIM Group khởi đầu kinh doanh bất động sản trong lúc thị trường rơi vào khủng hoảng nhưng đã tập trung nguồn lực tối đa nên vẫn phát triển “thần tốc” ở cả lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp, dịch vụ và gần đây nhất là năng lượng.
Việc khánh thành một lúc cụm ba nhà máy có công suất lớn trong thời gian ngắn là minh chứng cho cam kết đầu tư lâu dài của BIM Group vào năng lượng sạch. BIM Group mong muốn góp phần và chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ an ninh năng lượng quốc gia, xây dựng nguồn năng lượng bền vững cho đất nước.
BIM Group đã thu hút được các tổ chức quốc tế. Năm 2023, IFC – thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới tuyên bố rót 3.500 tỷ đồng cho BIM Group để đầu tư trái phiếu xanh. Khoản tiền thu được từ phát hành trái phiếu sẽ được BIM Group sử dụng để phát triển dự án Khu đô thị du lịch Thung Lũng Thanh Xuân tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Huy cho biết, phát triển bền vững là một nội dung quan trọng trong chiến lược của doanh nghiệp này, nhằm định vị BIM Land là nhà phát triển và vận hành bất động sản hàng đầu ở châu Á với tầm nhìn dài hạn.
“Chúng tôi hy vọng sẽ thu hút được các nhà đầu tư quốc tế, khi chúng tôi phát triển cơ sở hạ tầng du lịch xanh và chất lượng cao trên khắp đất nước. Nguồn tài trợ và tư vấn của IFC sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của chúng tôi gắn với các thông lệ tốt của ngành, và các mục tiêu toàn cầu về khí hậu”, ông Huy cho biết.
Nhưng hơn hết, những người con của ông Việt được thừa kế những di sản quý báu từ cha mình - đó là tinh thần kiên định, tầm nhìn xa và lòng nhân ái - bởi dù là doanh nhân bận rộn, ông Việt vẫn luôn quan tâm và chỉ bảo các con như ông Huy từng bộc bạch: “Bố là người bạn, người thầy đầu tiên trong cuộc đời tôi.”
BIM Group khánh thành khách sạn thứ 2 tại thủ đô Viêng Chăn
IFC to chip in $150 million to buy BIM Group bonds
It is the first local currency sustainability-linked bonds of Vietnam, issued by two subsidiaries of BIM Group, a multi-sector corporation in Vietnam.
Nhà đầu tư ngoại cam kết rót nghìn tỷ vào dự án mới của BIM Group
Công ty tài chính IFC hôm nay công bố sẽ chi khoảng 3.500 tỷ đồng để mua trái phiếu doanh nghiệp do các công ty con của BIM Group phát hành.
BIM Group lan tỏa giá trị sống ưu tú với giải đấu BIM Group 5150 Phu Quoc
Với tiêu chuẩn thi đấu tại Thế vận hội Olympic, giải BIM Group 5150 Phu Quoc 2022 gồm các chặng bơi 1,5km, đạp xe 40km và chạy đường dài 10km. Ở từng chặng thi đấu của giải, các vận động viên trải nghiệm thiên nhiên biển trời tuyệt đẹp và bầu không yên bình của Khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina.
Cuộc chơi mới của Tập đoàn Bühler tại Việt Nam
Tập đoàn Bühler đẩy mạnh phát triển thiết bị ngành vật liệu công nghệ cao vào thị trường Việt Nam với kỳ vọng thúc đẩy ngành sản xuất công nghiệp xe điện tại đây.
Bí mật sau đà tăng trưởng thần tốc của thương mại điện tử
Thương mại điện tử được dự báo có thể tăng trưởng tới 35% mỗi năm trong bốn năm tới.
Gỡ nút thắt nguồn lực cho chuyển đổi xanh
Chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp cần được kích hoạt thông qua tháo gỡ nút thắt trong triển khai các công cụ tài chính xanh.
Quảng Trị thúc đẩy tiến độ dự án LNG Hải Lăng
Tỉnh Quảng Trị đang thúc đẩy tiến độ dự án điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1, trị giá 54.000 tỷ đồng, với mục tiêu đưa vào vận hành từ năm 2029.
Đổi nợ thành cổ phần: Còn cách nào khác cho doanh nghiệp địa ốc?
Để giảm áp lực trả nợ và chi phí lãi vay, nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn buộc phải chọn giải pháp phát hành cổ phần để hoán đổi nợ.
Tái tạo ở Liên hoan Sáng tạo và thiết kế Việt Nam 2024
Liên hoan Sáng tạo và thiết kế Việt Nam (VFCD) thường niên lần thứ sáu với chủ đề “tái tạo” diễn ra tại Hà Nội từ ngày 16 - 22/11/2024.
Gen Z 'đại tu' nơi làm việc
Thế hệ Z đang định hình lại nơi làm việc với phong cách làm việc linh hoạt, ưu tiên sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, làm việc từ xa và các giờ làm việc không cố định.