Đón tết đừng lãng phí thực phẩm

Phạm Sơn - 14:19, 10/02/2021

TheLEADERLãng phí thực phẩm trong những ngày lễ, tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường sống cũng như sức khỏe con người.

Đón tết đừng lãng phí thực phẩm
87% người Việt bỏ đi trung bình 2 đĩa thức ăn mỗi tuần.

Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người dân Việt Nam cũng như nhiều quốc gia ở châu Á. Trong những ngày nghỉ tết, hoạt động mua sắm, tiêu dùng tăng đột biến, gây ra sự lãng phí không hề nhỏ.

Theo tổ chức Foodbank Việt Nam, người Việt đứng thứ 2 châu Á về thói quen lãng phí thực phầm. Cụ thể, theo khảo sát, 87% cho biết đã bỏ đi trung bình khoảng 2 đĩa thức ăn mỗi tuần do sự bất hợp lý trong thói quen quản lý thực phẩm.

Sự lãng phí này cũng tăng cao trong những dịp lễ, tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán, bởi phong tục làm cơm cúng ngày Tết. Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) so sánh, sự lãng phí thực phẩm tương tự như việc “mua 3 chiếc bánh nhưng bỏ đi 1 chiếc”.

Tình trạng lãng phí thực phẩm ngày tết diễn ra như một “lẽ thường tình”, bởi trong quan niệm của nhiều người, tết là dịp để chi tiêu, chuẩn bị mâm cỗ cúng tươm tất để mong muốn một năm mới an khang, thịnh vượng.

Những hệ lụy của sự lãng phí

Nếu trước tết, lượng rác thải tăng cao do hoạt động dọn dẹp, vệ sinh, trang trí nhà cửa, cơ quan thì sau tết, thực phẩm thừa bỏ đi chiếm phần lớn trong rác thải sinh hoạt.

Khác với rác thải vô cơ, rác từ thực phẩm có khả năng phân hủy mạnh, tạo ra mùi khó chịu, đồng thời cũng tạo điều kiện cho ruồi muỗi, chuột bọ sinh sôi nảy nở, phá hoại cảnh quan đô thị và ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Lãng phí đồ ăn cũng là hành động gián tiếp gây ra sự lãng phí nước, đất cũng như năng lượng sử dụng trong quá trình sản xuất và vận chuyển. Theo Tổ chức Nông nghiệp và lương thực thế giới (FAO), 25% diện tích đất nông nghiệp và 250 tỷ lít nước sạch được dùng để sản xuất “thực phầm không bao giờ được ăn”.

Mặt khác, theo các chuyên gia, nhiều thực phẩm bị bỏ đi ngay cả khi chưa được bóc khỏi bao bì. Những bao bì vô cơ chứa thực phẩm cũ, hỏng ở bên trong gây cản trở và phát sinh chi phí cho hoạt động thu gom, tái chế.

Cách nào để giảm lãng phí

PRO Việt Nam đưa ra lời khuyên các hộ gia đình nên tính toán, ước lượng đồ ăn phù hợp với nhu cầu sử dụng để giảm tối đa sự lãng phí.

Mặt khác, nếu không thể ước lượng một cách chính xác, đồ ăn thừa cần được bảo quản trong tủ lạnh thông qua những phương pháp thân thiện với môi trường như sử dụng hộp đựng dùng lại nhiều lần, giấy bạc hoặc màng bọc thực phẩm làm bằng sáp ong.

Tuy nhiên, việc bảo quản cần được tiến hành đúng cách và nên sử dụng đồ ăn được bảo quản trong thời gian sớm nhất để tránh gây hại cho sức khỏe.

Thực phẩm không thể sử dụng được nữa có thể tái chế làm phân bón cho cây trồng, thức ăn trong chăn nuôi. Phương pháp này cũng có thể áp dụng đối với rác thải có nguồn gốc thực phẩm như vỏ các loại rau củ quả.