Đồng bằng sông Cửu long kêu gọi đầu tư du lịch, hạ tầng gần 160.000 tỉ đồng

Nhẫn Nam - 16:14, 25/10/2017

Du lịch Đồng bằng sông Cửu long có nhiều tiềm năng nhưng cơ sở hạ tầng, dịch vụ còn rất hạn chế.

Đồng bằng sông Cửu long kêu gọi đầu tư du lịch, hạ tầng gần 160.000 tỉ đồng
Tại hội nghị này, các địa phương giới thiệu, mời gọi đầu tư 33 dự án thuộc nhóm bất động và du lịch và 45 dự án khác

Ngày 25/10, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp với câu lạc bộ các trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư và du lịch 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức hội nghị thường niên đầu tư vào ĐBSCL lần thứ V năm 2017 với chủ đề “Thu hút đầu tư hạ tầng – nền tảng phát triển du lịch ĐBSCL”.

Theo Ban tổ chức, Hội nghị có sự tham gia của các tập đoàn kinh tế lớn về tư vấn đầu tư, dịch vụ bất động sản du lịch, logistic như Savills, CBRE, Phú Mỹ Hưng, Akubai, Công ty xây dựng và bất động sản Hòa Bình, Vietnam Consulting Group, Habour, Hiệp hội bất động sản TP.HCM…

Tại hội nghị này, các địa phương giới thiệu, mời gọi đầu tư 33 dự án thuộc nhóm bất động và du lịch với tổng vốn đầu tư gần 7.800 tỉ và 45 dự án khác liên quan đến các ngành công nghiệp, nông nghiệp, chế biến, hạ tầng logistic với tổng vốn dự kiến 150.000 tỉ.

Một số dự án về du lịch có vốn đầu tư lớn như Khu du lịch sinh thái U Minh Thượng (Kiên Giang) với vốn đầu tư 2.600 tỉ; Khu dịch vụ du lịch xã Mỹ Đức (Kiên Giang) 2.250 tỉ; Khu du lịch Mũi Cà Mau (Cà Mau) 1000 tỉ; Khu du lịch sinh thái Búng Bình Thiên (An Giang) 600 tỉ…

Đại diện Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng cơ sở lưu trú trong vùng còn thiếu rất nhiều so với quy hoạch, khu vui chơi giải trí lớn chỉ có hai điểm là Vinpearl Phú Quốc và Nhà Mát Bạc Liêu, điểm dừng chân lớn rất ít, chưa có trung tâm ẩm thực kết hợp giải trí tổng hợp có quy mô lớn…

Tiềm năng du lịch có nhiều nhưng cơ sở hạ tầng, dịch vụ còn thiếu nhiều như vậy cần sớm được đầu tư để phát triển ngành du lịch thực sự trở thành mũi nhọn.

Theo TS. Võ Hùng Dũng - Giám đốc VCCI Cần Thơ, cải thiện đầu tư FDI vào ĐBSCL được khởi sắc từ năm 2015 – lần đầu tiên với số vốn lên tới 3,65 tỉ USD, chiếm 9% tổng vốn FDI cả nước. Vốn đầu tư gia tăng đã làm thay đổi diện mạo của TP Cần Thơ và một số đô thị trong vùng.

Sự thay đổi này cho thấy sức sống của vùng ĐBSCL trong thời gian tới trở nên phát triển hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.