Tiêu điểm
Động lực mới hút đầu tư ngành bán dẫn
Mặc dù vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu có xu hướng chững lại, ngành bán dẫn ghi nhận mức đầu tư kỷ lục và thu hút sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn tại Việt Nam.
Công nghệ là một trong những chủ đề nhận được sự quan tâm lớn nhất trong những năm vừa qua với chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) là động lực chính của ngành trên hành trình hướng đến cột mốc doanh thu 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Theo Gartner, doanh thu bán dẫn toàn cầu năm 2024 đạt 626 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2023. Thị trường này được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng với doanh thu ước đạt 705 tỷ USD trong năm nay.
Đứng trước những diễn biến phức tạp trên thế giới, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á để đặt trụ sở, nhà máy.
Trong đó, Việt Nam đã thu hút khoảng 174 dự án FDI trong ngành với tổng vốn đăng ký khoảng 11,6 tỷ USD. Cách đây không lâu, lễ ký kết với NVIDIA tiếp tục đặt dấu ấn nổi bật, hứa hẹn sẽ định hình một hệ sinh thái bán dẫn phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới.

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc phụ trách khách hàng và thị trường của Deloitte Việt Nam nhận định, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành điểm đến yêu thích và phù hợp với các “ông lớn” trong ngành. Năm 2024, doanh thu ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam ước đạt 18,23 tỷ USD.
Tham gia vào các công đoạn cuối của quy trình, Việt Nam được biết đến là trạm phục vụ cho các tập đoàn lớn như Intel, Samsung và Hana Micron. Theo số liệu năm 2023, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu bán dẫn lớn thứ ba của Mỹ với giá trị lên đến 562 triệu USD, chỉ đứng sau Malaysia và Đài Loan.
Theo Ngân hàng thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu về vi mạch điện tử, tập trung ở những hoạt động lắp ráp, kiểm thử và đóng gói, đem lại giá trị gia tăng thấp. Với việc chuỗi giá trị của ngành bán dẫn vượt mốc 1 nghìn tỷ USD, Việt Nam có tiềm năng và chắc chắn không muốn bỏ lỡ cơ hội để mở rộng, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị này trong tương lai.
Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam nhận định, tiềm năng để Việt Nam tiếp tục trở thành “công xưởng” của thế giới vẫn còn, tuy nhiên nếu muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần phải tham gia sâu vào các hoạt động giàu chất xám và mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn.
Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), một con chip thường trải qua ba khâu sản xuất chính: thiết kế, sản xuất và đóng gói. Trong đó, khâu thiết kế tạo ra khoảng 53% tổng giá trị, khâu chế tạo chiếm 24% và đóng gói chiếm 6%.
Trong khi Mỹ, EU đảm nhiệm chính hạng mục thiết kế thì Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản phụ trách chính phân mục sản xuất, và công đoạn lắp ráp, kiểm thử sẽ được thực hiện tại Đài Loan, Trung Quốc.
Những công đoạn đòi hỏi năng lực chất xám cao như thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D) tập trung ở các nước phát triển, nơi có nhóm kỹ sư lành nghề, sở hữu nhiều bằng sáng chế và quyền sở hữu trí tuệ.
Trong khi giai đoạn sản xuất đòi hỏi nhiều vốn và chuyên môn công nghệ tiên tiến, giai đoạn lắp ráp, kiểm thử và đóng gói lại yêu cầu số lượng lao động nhiều hơn trong khi kỹ năng kỹ thuật ít hơn.
Tuy nhiên theo SIA, mô hình này đang có sự thay đổi nhờ những tiến bộ trong công nghệ đóng gói, mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp khi yêu cầu về số lượng lao động lành nghề ở giai đoạn cuối trong dây chuyền sản xuất sẽ gia tăng.
Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã phần nào định hướng rõ ràng kế hoạch đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về bán dẫn. Xác định có ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn.
Đến năm 2050, Chính phủ kỳ vọng khai thác đồng thời thế mạnh sẵn có cũng như xây dựng nền tảng để đưa đất nước lên một vị thế mới, có thể làm chủ nghiên cứu và chủ động phát triển trong lĩnh vực bán dẫn.
Theo bà Ngọc, động thái này vừa thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài khi lựa chọn đầu tư vào Việt Nam cũng như hỗ trợ doanh nghiệp lớn trong nước tham gia sâu hơn vào bước thiết kế, xa hơn là tự chủ sản xuất và đóng gói trong tương lai.

Chuyển động chính sách ngành bán dẫn
Trong những năm qua, Việt Nam vẫn đang nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn. Trong đó, các ngành công nghiệp công nghệ cao được xem là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững và gia tăng sức cạnh tranh toàn cầu.
Lãnh đạo Deloitte cho rằng, có lợi thế về trữ lượng đất hiếm đứng thứ hai thế giới, Việt Nam hiện sở hữu môi trường kinh doanh thuận lợi với chính trị ổn định, mức ưu đãi thu hút so với các quốc gia trong khu vực, chi phí nhân công hấp dẫn với khả năng sử dụng tiếng Anh, có trình độ và kỹ năng công nghệ thông tin.
Các yếu tố này mang lại một số lợi thế cạnh tranh đặc biệt cho Việt Nam để phát triển ngành công nghiệp này, phần nào định hình bức tranh kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Nghị định số 182/2024/NĐ-CP về Quỹ hỗ trợ đầu tư được ban hành không chỉ cải cách chính sách ưu đãi đầu tư mà còn giúp Việt Nam củng cố và tăng cường vị thế cạnh tranh trong cuộc đua thu hút các ngành công nghệ cao.
Chính sách này sẽ tạo ra một cú hích quan trọng, giúp các doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao có thể tiếp cận các nguồn lực tài chính cần thiết để phát triển, tập trung vào đầu tư thực chất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và công nghệ.
Ngoài ra, chính sách này được áp dụng một cách bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, không phân biệt quốc gia đầu tư. Điều này tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng, đảm bảo các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước đều có cơ hội tham gia và áp dụng các hỗ trợ, qua đó đóng góp vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Theo Deloitte Việt Nam, nghị định này là động thái kịp thời để góp phần gia tăng vị thế cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam ở các ngành công nghiệp chiến lược mũi nhọn, vừa thu hút dòng vốn mới cũng như tạo động lực để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn mở rộng hoạt động.
Cơ hội việc làm, trình độ công nghệ đồng thời được hưởng lợi, góp phần đổi mới, tăng tốc tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam từ ngành công nghiệp truyền thống sang ngành công nghiệp cao có giá trị gia tăng lớn.
Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp thứ 41 với nội dung đáng chú ý về ưu đãi cho công nghiệp bán dẫn. Dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ chín vào tháng 5/2025, luật này cũng sẽ tạo nên một hành lang pháp lý quan trọng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành trong thời gian tới.
Theo bà Ngọc, những chuyển động về chính sách này cho thấy sự khẩn trương, quyết tâm chính trị cao, phù hợp với phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn vào tháng 4/2024, trong đó nhấn mạnh phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên trong phát triển khoa học và công nghệ cao.
Được đánh giá là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, doanh thu ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm từ năm 2001 đến năm 2021. Để nắm bắt và hiện thực hóa các cơ hội trong tương lai, Việt Nam đã lên kế hoạch và đã triển khai nhiều nội dung cốt lõi như hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng cho ngành.
Trong bối cảnh các quy định trong nước liên tục được cập nhật để hỗ trợ ngành công nghiệp đầy triển vọng này, Deloitte khuyến nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư theo dõi sát sao những chuyển động, diễn biến trong nước, đặc biệt về mặt pháp lý.
Hiện tại, Việt Nam vẫn đang cam kết với OECD nhằm thực hiện những yêu cầu của "Trụ cột 2", bên cạnh đó phát triển song song các chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư mới. Đây là một trong những động thái của Việt Nam dành cho các doanh nghiệp công nghệ cao, những doanh nghiệp vừa là đối tượng của Trụ cột 2 nhưng vẫn được ưu tiên đầu tư.
Song song, công tác rà soát, đánh giá các bộ luật, nghị định, thông tư hướng dẫn để giảm thiểu công tác hành chính, hay đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ là những điểm đáng lưu tâm với mục tiêu nâng cao năng lực quản lý, năng suất lao động cho cơ quan nhà nước.
“Trong giai đoạn này, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cần liên tục cập nhật động thái, chính sách mới của nhà nước, đồng thời tham khảo kinh nghiệm, ý kiến của các đơn vị tư vấn nhằm có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất trong việc sẵn sàng nắm bắt, tận dụng cơ hội”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Một trong những vấn đề trọng tâm của ngành công nghiệp bán dẫn nói riêng và công nghệ cao nói chung là sự thiếu hụt về nhân sự chất lượng cao. Theo báo cáo của Deloitte về sự thiếu hụt nhân tài ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, hơn một triệu nhân sự tay nghề cao sẽ cần được bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành đến năm 2030.
Tại Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn, chênh lệch nhiều so với nhu cầu 50.000 kỹ sư vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu dự kiến, trong đó bao gồm 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn.
Cũng theo Deloitte, các doanh nghiệp bán dẫn cần nhận thức rằng họ không chỉ cạnh tranh với nhau để thu hút nhân tài. Vấn đề thiếu hụt nhân lực đang trải dài trên toàn ngành công nghệ, truyền thông, viễn thông, nơi tình trạng chảy máu chất xám ra nước ngoài đã không còn lạ lẫm.
Bức tranh nhân sự trong ngành công nghiệp bán dẫn đã thay đổi rất nhiều so với 2-3 năm trước khi số lượng, chất lượng nhân sự và kỹ năng cần được hỗ trợ, đầu tư thay đổi nhanh chóng trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Đứng trước thực tế này, bà Ngọc cho rằng, doanh nghiệp cần đánh giá lại chiến lược thu hút nhân tài, tận dụng tối đa mối quan hệ với các đối tác, cơ sở giáo dục, đào tạo. Trên hết, tổ chức phải xác định được khả năng hiện tại và mục tiêu tương lai, từ đó có một kế hoạch nhân sự phù hợp nhằm phát triển và tạo dựng lợi thế bền vững trong ngành nghề.
Để Việt Nam trở thành cường quốc công nghệ cao
Hỗ trợ đến 50% chi phí đầu tư cho ‘đại bàng’ bán dẫn, AI
Đây là chính sách mới nhất dành cho các dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam sẵn sàng đón sóng công nghiệp bán dẫn
Công nghiệp bán dẫn hứa hẹn là cơ hội lớn để Việt Nam vươn lên trở thành trung tâm công nghệ cao hàng đầu khu vực và thế giới.
4 bộ chung tay giải bài toán đào tạo nhân lực ngành bán dẫn
Chỉ thị số 43/CT-TTg đang đặt nền móng trong việc phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn Việt Nam, đáp ứng nhu cầu các ngành công nghệ số.
Tổ hợp hóa dầu miền Nam: Ròng rã hành trình 2 thập kỷ
Trong bối cảnh Tổ hợp hóa dầu miền Nam dừng hoạt động chưa hẹn ngày về, chủ đầu tư thông báo sẽ rót nửa tỷ đô để tối ưu hiệu năng, tính cạnh tranh của dự án.
Cơ chế đặc thù cho điện hạt nhân: Chưa cụ thể hóa chủ đầu tư
Cơ chế đặc thù phục vụ triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận chưa cụ thể hóa danh tính chủ đầu tư như Chính phủ đề xuất.
Ba rủi ro lớn từ kinh tế toàn cầu và thách thức với mục tiêu tăng trưởng 2 con số của Việt Nam
Mặc dù kinh tế toàn cầu còn nhiều thách thức, Việt Nam vẫn có cơ hội tăng trưởng cao, nếu cải cách hiệu quả và đầu tư vào các động lực tăng trưởng mới.
Sứ mệnh của công nghệ cao trong kỷ nguyên vươn mình
Đổi mới sáng tạo, công nghệ cao chính là yếu tố cốt lõi đưa đất nước vươn mình, phát triển theo chiều sâu để đạt tăng trưởng hai con số trong giai đoạn mới.
GDP bình quân đầu người vượt mốc 5.000 USD vào năm 2025
Chính phủ đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người vượt 5.000 USD vào năm nay, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững và bước vào kỷ nguyên mới.
Động lực mới hút đầu tư ngành bán dẫn
Mặc dù vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu có xu hướng chững lại, ngành bán dẫn ghi nhận mức đầu tư kỷ lục và thu hút sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn tại Việt Nam.
Bất động sản sống chất, giá tốt cho gia đình đông thành viên
Giới chuyên gia nhận định, những dự án có thể dung hòa nhu cầu đa thế hệ, từ thiết kế căn hộ đến hệ thống tiện ích nội – ngoại khu, sẽ ngày càng được ưa chuộng và bền vững.
Cuộc đua sinh tồn của ngân hàng số
Khả năng sinh lời đang là câu hỏi lớn nhất của các ngân hàng số tại Việt Nam, sau nhiều năm nỗ lực chứng minh về tính hiệu quả, tinh gọn và hiện đại.
Tổ hợp hóa dầu miền Nam: Ròng rã hành trình 2 thập kỷ
Trong bối cảnh Tổ hợp hóa dầu miền Nam dừng hoạt động chưa hẹn ngày về, chủ đầu tư thông báo sẽ rót nửa tỷ đô để tối ưu hiệu năng, tính cạnh tranh của dự án.
Việt Nam trước 'sóng gió' thương mại Mỹ - Trung: 2018 và 2025 có gì khác?
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tái diễn năm 2025 với quy mô lớn hơn. Việt Nam đứng trước cả cơ hội và thách thức khi chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi, tác động mạnh đến xuất khẩu và đầu tư.
Kỹ năng bán hàng thực chiến: Bí quyết tăng doanh số
Thành công trong bán hàng không chỉ dựa vào năng lực cá nhân mà chủ yếu nhờ xây dựng hệ thống quy trình bán hàng chuyên nghiệp.
Cơ chế đặc thù cho điện hạt nhân: Chưa cụ thể hóa chủ đầu tư
Cơ chế đặc thù phục vụ triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận chưa cụ thể hóa danh tính chủ đầu tư như Chính phủ đề xuất.