Động lực tăng trưởng mới từ tài sản trí tuệ

Hường Hoàng - 09:11, 23/02/2024

TheLEADERDoanh nghiệp Việt cần đầu tư vào đổi mới sáng tạo để tăng sức đề kháng và thoát khỏi bẫy tăng trưởng âm.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2023 đã tăng đến 20,5% so với cùng kỳ 2022, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động chỉ tăng 4,5%. 

Khủng hoảng kinh tế kéo dài trên toàn cầu cũng khiến hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam tiếp tục chững lại, giảm cả về số lượng và tổng giá trị các thương vụ. Trong đó, số lượng thương vụ 2023 giảm đến 40% so với năm ngoái, mức thấp nhất trong năm năm trở lại đây.

Đây đã là năm thứ hai liên tiếp kể từ 2021, thị trường đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam suy giảm. 

Chưa có hừng đông cho doanh nghiệp Việt
Bốn chuyên gia thảo luận trước những xu hướng cho doanh nghiệp trong thế giới BANI

"Trong bối cảnh nhiều thách thức đối với cả nền kinh tế nội địa và toàn cầu hiện nay, việc gọi vốn ngày càng trở nên khó khăn khi các nhà đầu tư rất thận trọng với quyết định giải ngân", bà Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Do Ventures cho biết.

Nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục suy thoái và nhiều biến động, muốn nắm bắt cơ hội phục hồi nhanh đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần phải trang bị cho mình những vũ khí mới.

Báo cáo "Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2023" nhìn nhận, tài sản trí tuệ là động lực tăng trưởng quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu tâm, để có thể phát triển bền vững trước sự thay đổi chóng vánh của thị trường công nghệ.

Đặc biệt với nhóm khởi nghiệp (startup), thay vì chỉ dừng lại ở thương hiệu hay giải pháp công nghệ, tài sản trí tuệ được bảo đảm mới là động lực về vốn quan trọng hơn hết.

Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO BambuUP, nếu nhìn vào chỉ số của các doanh nghiệp S&P 500, giá trị đóng góp của nhóm tài sản vô hình ngày càng lớn và đã chiếm đến 90% cấu phần giá trị thị trường của các doanh nghiệp này vào năm 2020.

Đồng quan điểm, ông Trần Bằng Việt, CEO Đông Á Solutions cũng cho rằng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần tập trung đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Đầu tiên, doanh nghiệp không nên đợi bão tan, tình hình tốt mới đầu tư mà nên đầu tư đổi mới sáng tạo để tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp. Trong đầu tư đổi mới sáng tạo, trước hết, doanh nghiệp nên chuyển đổi tư duy, đảm bảo yếu tố “tích hợp” và “phù hợp” thì mới mong tạo ra giá trị, hiệu suất và lợi thế cạnh tranh.

Dữ liệu là loại dầu mới của thế giới, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần tập trung khai thác, kết nối các giá trị dữ liệu đã có sẵn để đổi mới sáng tạo và tạo ra doanh thu. Sự thông hiểu, thấu suốt nguồn dữ liệu thực sự về năng lực và nguồn lực nội bộ sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra những giải pháp thông minh cho thị trường và người tiêu dùng.

Từ góc nhìn của một đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ, theo ông Phạm Quang Chiến, Phó tổng giám đốc Citek, hiện nay các doanh nghiệp cần phải linh hoạt hơn trong việc ứng dụng công nghệ cũng như các mô hình kinh doanh.

Trong đó, công nghệ lõi sẽ là giải pháp giúp doanh nghiệp giải phóng khỏi những áp lực về đổi mới sáng tạo nhỏ lẻ và rời rạc.