Dự án bí ẩn S600 của MB

Trần Anh - 15:10, 02/06/2023

TheLEADERNội dung liên quan đến đề án S600 được hé lộ tại các tờ trình Đại hội cổ đông năm 2022 của MB về việc thông qua nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.

Trong báo cáo thường niên năm 2021, ngân hàng TMCP Quân đội (MB) lần đầu tiên nhắc tới nội dung được mã hóa mang tên đề án S600. Khi đó ngân hàng công bố nghị quyết về việc chủ trương phương án tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông. Nội dung được đề cập là thực hiện các thủ tục báo cáo cơ quan quản lý nhà nước.

Trong năm 2022, MB tiếp tục có 2 nghị quyết nhắc tới đề án này. Đó là nghị quyết 30 ngày 5/7/2022 về việc báo cáo cập nhật tiến độ triển khai phương án chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng và nghị quyết 39.2 về phương án chuyển giao bắt buộc. Ông Lê Xuân Vũ, thành viên ban điều hành của MB hiện là phó Ban thường trực Ban trù bị Đề án S600.

Các nội dung của các nghị quyết liên quan đến đề án S600 không được MB thực hiện công bố thông tin tới các cổ đông. Tuy vậy, các các tờ trình Đại hội cổ đông năm 2022 của MB về việc thông qua nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng đã hé lộ thông tin về đề án này.

Theo đó, S600 được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như giúp MB tận dụng các cơ hội tăng trưởng quy mô nhanh chóng so với tốc độ hiện nay, củng cố và nâng hạng vị thế trên thị trường.

Sau khi MB nhận chuyển giao bắt buộc, ngân hàng được chuyển giao bắt buộc hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do MB sở hữu. Đại hội cổ đông phê duyệt việc MB thực hiện góp vốn điều lệ không quá 5.000 tỷ đồng theo lộ trình góp vốn phù hợp.

Ban lãnh đạo MB đánh giá việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng giúp MB có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5 - 2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới.

Giữa năm ngoái, OceanBank đã công bố việc ký thoả thuận nguyên tắc về hợp tác toàn diện với MB. Đây được xem là bước đệm chuẩn bị cho đề án tái cơ cấu OceanBank chính thức được chấp nhận. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh 2022 của OceanBank, ông Lưu Trung Thái – khi đó còn là Phó Chủ tịch MB đã có mặt phát biểu với tư cách khách mời. Ông Thái nói: "Việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB".

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, MB chưa bao giờ nhắc tới tên OceanBank trong một văn bản chính thức nào.

Tại Đại hội cổ đông năm 2023 diễn ra mới đây, lãnh đạo MB cho biết ngân hàng đã chuẩn bị, xây dựng, báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại theo quy định và triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại đó.

Hội đồng Quản trị MB cũng đã quyết định và tổ chức thực hiện các công việc, nội dung có liên quan để chuẩn bị, xây dựng, báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc và thực hiện các thủ tục với cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt phương án theo quy định.

Đồng thời, MB đã và đang triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại đó theo định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nhằm chuẩn bị cho việc MB nhận chuyển giao bắt buộc.

“Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện thủ tục định giá ngân hàng chuyển giao bắt buộc. Theo quy trình của Nhà nước thì thời gian định giá 11 tháng, đã bắt đầu từ tháng 3/2023 và dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 thì việc định giá mới xong. Khi đó, MB mới có thể nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng đó được”, Tổng giám đốc Phạm Như Ánh nói tại ĐHCĐ thường niên 2023.

Cuối năm ngoái, OceanBank đã lần lượt ký các thỏa thuận hợp tác với MIC và MB Ageas Life, các công ty bảo hiểm của MB. Theo đó, OceanBank trở thành đối tác phân phối các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ của MIC và bảo hiểm nhân thọ của MB Ageas Life trên hệ thống hơn 100 đơn vị kinh doanh của ngân hàng này.

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, trả lời các vấn đề liên quan đến tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, thống đốc NHNN cho biết đây là một việc tồn đọng và rất khó xử lý.

Tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã rất khó, trong điều kiện khó khăn hiện nay lại càng khó hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt thực hiện. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ đã họp với ngành ngân hàng và yêu cầu tiến hành quyết liệt các giải pháp để tái cơ cấu.

Cho đến nay, các ngân hàng yếu kém đã trình xin chủ trương các cấp có thẩm quyền. Hiện nay, NHNN cùng các bộ, ngành dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đang thực hiện quyết liệt các bước trước khi phê duyệt Đề án chi tiết theo đúng chủ trương của cấp có thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.

Ngoài MB, Vietcombank, HDBank và VPBank cũng đang chuẩn bị kế hoạch nhận chuyển giao các ngân hàng 0 đồng còn lại gồm GPBank, CBBank và ngân hàng Đông Á.