Du lịch miền Trung định vị lại trên chặng đường mới

Nguyên Đức - 07:01, 17/02/2021

TheLEADERLiên tiếp nhận hai đợt dịch Covid-19 bùng phát nặng nề, rồi hứng chịu liên tiếp bão lũ thiên tai kéo dài hàng tháng trời, du lịch miền Trung trong năm 2020 đã thật sự rơi vào hung hiểm, mọi hoạt động bế tắc, mọi nguồn lực đầu tư kiệt quệ. Nhưng ngay khi giông bão đi qua, hoạt động du lịch của các tỉnh thành này lập tức được tính toán để hồi phục, đặc biệt là những hoạch định đổi mới, định vị lại tốt hơn.

Du lịch miền Trung định vị lại trên chặng đường mới
Cầu Vàng ở Đà Nẵng

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, hệ lụy từ dịch bệnh, thiên tai với du lịch địa phương là quá nặng nề, chưa thể tính được con số tổn thất. Ít nhất tới sau mùa thu 2021, du lịch mới xem xét lại nguồn du khách bên ngoài, là nguồn thu chính và trực tiếp những năm qua. Nên du lịch nội địa, du lịch nội vùng, nội tỉnh phải là những bước đi được tính đến lúc này. Theo đó, yêu cầu định vị lại chiến lược du lịch của vùng này là rất cần thiết.

Bước ngoặt lại để tiến lên?

Theo ông Dũng, trong một giai đoạn khá dài vừa qua, du lịch Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung phát triển mạnh về bề nổi, tranh thủ số lượng, cố gắng thể hiện tính đa dạng và hấp dẫn, dựa vào nguồn khách ngoại rất lớn. Điều ấy phù hợp với lượng du khách ồ ạt đổ về miền Trung khám phá, trải nghiệm mới. Dịch bệnh đã thay đổi điều đó. Du khách bên ngoài sẽ không còn, và sẽ không còn trong một thời gian khá dài nữa, nên du lịch địa phương phải tính lại bài toán của mình.

Cùng quan điểm, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, chấn chỉnh hoạt động du lịch trên nền tảng sắp xếp và sửa lại cái cũ, tạo ra những cái mới, hấp dẫn hơn, là bước ngoặt quan trọng để du lịch địa phương tiến lên. Đó là những điểm đến mới, tour tuyến mới, cách phục vụ được làm lại tốt hơn, nhắm đúng vào yêu cầu chất lượng thực sự của các hoạt động để đáp ứng chính xác nhu cầu du khách.

“Chúng ta đang nói đến những du khách nội địa, thậm chí người dân sở tại, làm sao họ chấp nhận dùng các dịch vụ, sản phẩm du lịch tại chỗ, mới là vấn đề. Một tô mì Quảng, một chén chè Huế, phải ngon đúng chất, đúng vị, thì người Quảng xa xứ, người Huế tại chỗ mới chịu ăn. Mà họ chịu thưởng thức, thì sản phẩm đó mới thiệt ngon và đáng đem ra phục vụ”, ông Thanh nhấn mạnh như vậy.

“Điều rất may, là chỉ trong một thời gian ngắn, toàn ngành du lịch đã nhanh chóng nhận ra điều này và vận động thay đổi, những thay đổi quyết liệt. Tôi dám chắc rằng, năm 2021 sẽ là năm cực kỳ tiện ích, giá trị cho mọi du khách đến miền Trung, vì ở đây đã trải lại con đường du lịch đẹp hơn, chất lượng hơn. Nhiều điểm đến mới, nhiều mô hình mới đã được xây dựng và tổ chức rất hay. Các địa phương thì chủ trương miễn phí toàn bộ vé, phí, các doanh nghiệp thì giảm giá, tặng quà. Du khách đến miền Trung trong năm mới, sẽ hoàn toàn bất ngờ và phải khen, tôi tin chắc thế”, ông Cao Trí Dũng thổ lộ và khẳng định rằng: “Đây thực sự là bước ngoặt rất lớn”.

Du lịch miền Trung định vị lại trên chặng đường mới
Đà Nẵng tích cực xúc tiến các điểm đến mới, tour tuyến mới ngay sau dịch bệnh.

Quản trị lại để tốt hơn!

Tại hội thảo xúc tiến doanh nghiệp Hàn Quốc về miền Trung - Tây Nguyên do cơ quan xúc tiến đầu tư tổ chức vào đầu tháng 12/20202 vừa qua, đại diện tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Quảng Trị trong ngay lời phát biểu đầu tiên của mình đã khẳng định địa phương đã sẵn sàng đón du khách trở lại sau dịch bệnh thiên tai.

“Ở đây, chúng tôi không võ đoán chủ quan, mà rất cầu thị để nhấn mạnh rằng, địa phương quyết liệt, quyết tâm hồi phục kinh tế sau những tổn thất vừa qua. Mà động thái này, trước hết là xúc tiến đầu tư sản xuất, và mở đường mời du khách tới Quảng Trị. Du khách về lại là cách tốt chứng minh chúng tôi an toàn, Quảng Trị đã bình yên”, ông Tân nói.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, chưa bao giờ, bộ máy quản lý địa phương lại khẩn trương và ưu tiên cho ngành du lịch như hiện nay. Ngay mùa Xuân Tân Sửu này, Đà Nẵng đã có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động để chấn hưng du lịch, vận động các doanh nghiệp mở ra các chương trình và sản phẩm mới, mời du khách quay lại với lộ trình phân công rạch ròi: nội tại địa phương trước, đến nội vùng, liên kết vùng, rồi liên kết các điểm đến, làm lại nội địa, sau đó mở rộng khu vực và hướng đến quốc tế. Nhanh nhất phải sau một năm, địa phương mới hoàn chỉnh lộ trình này, và phải kiên trì như vậy.

Các địa phương thì chủ trương miễn phí toàn bộ vé, phí, các doanh nghiệp thì giảm giá, tặng quà. Du khách đến miền Trung trong năm mới, sẽ hoàn toàn bất ngờ và phải khen, tôi tin chắc thế”
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng giám đốc khu nghỉ dưỡng Furama (Đà Nẵng) chia sẻ, sự cố dịch bệnh thiên tai đã kéo chính quyền và doanh nghiệp lại gần hơn, thấu hiểu và hỗ trợ nhiều hơn. Nỗ lực tránh kiệt quệ tài chính của các doanh nghiệp du lịch địa phương thời gian qua là rất lớn, rất may đã tạm thu xếp được. Nên thời gian tới, bước qua chặng đường mới, du lịch địa phương cần tập trung toàn diện vào cải tổ, cơ cấu lại, nâng tầm hơn và định vị lại đúng hơn, mình đang ở đâu và phục vụ ai. Việc này, lại đang rất được chính quyền các tỉnh miền Trung ủng hộ nhiệt thành.

“Con số tổn thất hơn 15 ngàn tỷ đồng của du lịch nội tại Đà Nẵng sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 2, con số tổn thất trên 6 ngàn tỷ đồng của du lịch Quảng Nam, đều mới là đánh giá sơ bộ. Mất mát của du lịch thực tế nhiều và còn kéo dài sâu sắc hơn thế, nhất là khi du lịch bên ngoài chưa thể hồi phục được. Phải làm sao để du khách vững tâm trở lại, không còn e dè về độ an toàn bản thân khi quay lại, và được trải nghiệm những khí sắc mới, sản phẩm mới từ du lịch nội tại, đó là vấn đề lớn để kết dính mọi nguồn lực đầu tư vào du lịch lúc này”, ông Quỳnh nhìn nhận như vậy.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Vitour (Đà Nẵng) đánh giá, với những biểu hiện hiện có, du lịch miền Trung thực sự đang khởi sắc trở lại, và chắc chắn phải tốt hơn trước rất nhiều. Sự đồng lòng, chung tay của mọi cấp chính quyền, nhiều lĩnh vực ngành liên quan cho thấy, định dạng lại du lịch để tạo đà cho kinh tế địa phương hồi phục là chủ trương rất cần thiết. Quản trị lại để tốt hơn là giải pháp chính xác cho cả chính quyền địa phương lẫn bản thân các doanh nghiệp.

Ông cho biết, Vitour trong thời gian qua đã nhanh chóng tìm kiếm nhiều đầu mối, đơn vị tổ chức tour tuyến mới, cùng các cơ sở khảo sát, xây dựng những điểm đến mới ngay tại địa phương. Đơn giản với người dân Đà Nẵng, thực chất là còn nhiều điểm đến, nhiều danh thắng tại chỗ lâu nay vẫn chưa được biết đến.

Cho nên, hình thành những tour rất nhỏ, như mời người dân quận Hải Châu khám phá bán đảo Sơn Trà, mời người dân Hòa Vang tìm hiểu vùng đất Ngũ Hành Sơn, dù chỉ một vài điểm đến thôi, nghe qua tưởng đơn giản, nhưng thực tế thực thi lại rất gian nan. Bởi những tour tuyến này, chi phí bé, nguồn thu bé, nhưng độ gợi mở về nhu cầu, thị trường lại rất lớn, đòi hỏi đơn vị du lịch phải đầu tư tâm huyết, tìm hiểu cặn kẽ từng chi tiết, địa điểm, mới làm được.

“Để mở ra cái mới, cái hấp dẫn, chất lượng hơn, tôi cho rằng phải đi từ những việc, chương trình chi tiết như vậy. Du lịch miền Trung phải đi từ cái rất cụ thể ấy mới định vị lại được mà phục hồi phát triển, trong bối cảnh mới, thời cơ vận hội mới từ sau mùa Xuân 2021”, ông Tùng nói.