Du lịch miền Trung sau đợt Covid-19 thứ hai: Khó chồng khó

Minh Nhật - 11:29, 19/09/2020

TheLEADERSau khi làn sóng Covid-19 thứ hai tràn qua kéo lùi nhiều nỗ lực phục hồi trước đó, du lịch miền Trung giờ đây càng thêm khó khăn trong quá trình tái khởi động khi bắt đầu bước vào mùa mưa bão.

Những “cú đấm” liên tiếp với du lịch miền Trung

Sau Tết Nguyên đán, cuối tháng 1/2020, đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện và bùng phát tại Việt Nam, nhiều ca nhiễm bệnh được ghi nhận và khu vực miền Trung cũng không nằm ngoài vòng xoáy chung dù số lượng ca nhiễm ít tại Quảng Nam, Đà Nẵng hay Thừa Thiên Huế.

Diễn biến nhanh chóng sau đó cùng các yêu cầu về đảm bảo an toàn y tế không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế nói chung mà còn du lịch nói riêng khi tâm lý người dân lo ngại dịch chuyển, các chuyến bay thương mại quốc tế tạm dừng.

Đầu tháng 4, Việt Nam thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày trên phạm vi toàn quốc, buộc các doanh nghiệp “ngủ đông” trong thời điểm bắt đầu mùa cao điểm du lịch tại miền Trung.

Sau khi các hoạt động kinh tế được khôi phục, hàng loạt chương trình kích cầu đã được tung ra nhằm thúc đẩy nguồn cứu cánh duy nhất là khách nội địa. Kết quả là không khí sôi động quay trở lại cùng cái nắng của miền Trung, số lượng khách du lịch gia tăng, thậm chí một số đơn vị tour, lưu trú cho biết có tình trạng “cháy phòng” như những năm trước.

Trong không khí hứng khởi kinh doanh trở lại của nhiều doanh nghiệp sau khoảng 5 tháng đầu năm “im hơi bặt tiếng”, cú đấm thứ hai xuất hiện khi miền Trung với tâm điểm là Đà Nẵng trở thành khu vực bùng phát dịch, ghi nhận lên tới hàng chục ca nhiễm mới mỗi ngày. Từ một điểm nóng về du lịch những tháng giữa năm, miền Trung bỗng chốc trở thành một nơi đầy rủi ro dịch bệnh.

Hàng loạt các biện pháp giãn cách được áp dụng, các hoạt động kinh tế tạm dừng đẩy không ít doanh nghiệp vốn đang thoi thóp chưa kịp phục hồi nay rơi vào “chết lâm sàng”, thậm chí phá sản.

Chủ một khách sạn tại Nha Trang cho biết đợt dịch thứ nhất đã “thổi bay” không ít đơn vị khác trên cùng tuyến phố do áp lực chi phí mặt bằng, nhân viên trong khi lượng khách ít. Do sử dụng chính ngôi nhà của mình kinh doanh nên khách sạn này mới may mắn thoát khỏi vòng xoáy.

“Thế nhưng sau đợt hai, anh cũng chưa biết làm gì dù Nha Trang không bị ảnh hưởng nặng nề như Đà Nẵng. Đợt kích cầu vừa rồi anh cũng thu được chút ít nhưng chẳng đáng là bao so với năm ngoái vì phải để giá thấp để thu hút khách. Giờ đã hết mùa học sinh được nghỉ hè, các khu vực khách lớn như Hà Nội, TP.HCM đã theo guồng làm việc nên kích hoạt lại hay không là vấn đề rất đau đầu”, vị chủ khách sạn cho hay.

Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu 2020 của Cục Thống kê Đà Nẵng đánh giá đợt bùng phát dịch thứ hai đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch Đà Nẵng, các hoạt động thương mại, dịch vụ phục vụ du khách đang phải đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng.

Tính chung 8 tháng đầu 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt khoảng 68% so với cùng kỳ, trong đó dịch vụ lưu trí đạt gần 2.500 tỷ đồng, bằng 52,5% cùng kỳ.

Trong tháng 8/2020, tất cả các tour du lịch đều bị hủy, các công ty lữ hành tạm dừng hoạt động, vì vậy doanh thu du lịch lữ hành trong tháng không có phát sinh. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, doanh thu lữ hành ước đạt 557 tỷ đồng, giảm 63,6% so cùng kỳ.

Du lịch miền Trung sau đợt Covid-19 thứ hai: Khó chồng khó
Triển vọng du lịch Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung càng thêm khó khi mùa mưa bão đã bắt đầu.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho biết các doanh nghiệp hiện tại đang thật sự khó khăn sau đợt Covid-19 thứ hai. Cho đến nay, các biện pháp cách lý xã hội đã dừng lại nhưng tinh thần doanh nghiệp vẫn còn rất uể oải cho quá trình khởi động trở lại.

Nhiều cơ sở lưu trú không muốn mở cửa lại vì lượng khách không bù đắp chi phí điều hành. Họ chọn phương án đóng cửa cắt lỗ thay vì mở cửa lại trong tình trạng thị trường bây giờ.

Với dự báo của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức du lịch trên thế giới, tình trạng du lịch hiện nay có thể kéo dài đến hết năm 2021. Vì vậy, hàng loạt khách sạn rao bán gần đây. Một mặt chủ khách sạn muốn cắt lỗ, mặt khác cho thấy không kỳ vọng tình hình kinh doanh quay lại như bình thường nhanh chóng.

Tập trung vào chất lượng để tái khởi động lần hai

“Mặc dù tình hình còn nhiều ảm đạm, cộng đồng doanh nghiệp vẫn động viên nhau, cùng liên kết, bàn bạc, đưa ra các phương án kích cầu, xây dựng sản phẩm mới, tham mưu cho chính quyền địa phương nhiều giải pháp”, vị Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam thông tin cho biết.

Theo ông, chính quyền địa phương từng điểm đến cần phải giảm mạnh giá vé tham quan ít nhất 50% và áp dụng đến hết năm 2021; dành ngân sách công và xã hội hóa tổ chức các sự kiện để thúc đẩy nhu cầu của khách du lịch, trước mắt là khách nội địa.

Cùng với đó, xây dựng các chuỗi dịch vụ du lịch khác nhau theo từng hạng sao, từng phân khúc tại Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam để liên kết tour; đảm bảo mỗi khách tham gia một tour tại ba điểm đến.

Trong đợt này, cần xúc tiến mạnh với các đối tượng gia đình, đi theo nhóm nhỏ tại các tỉnh lân cận với các điểm đến do sau dịch, nhu cầu đi theo đoàn không nhiều và khoảng cách không xa; khuyến khích các hoạt động tại biển hoặc vùng quê thiên nhiên.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho rằng cần nhanh chóng triển khai các hoạt động hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và khôi phục nguồn khách trong bối cảnh đứt gãy thị trường khách, đứt gãy dòng tiền.

Theo đó, cần có cơ chế hỗ trợ đồng thời về giảm thuế, phí, lãi vay, khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới trong khi phải giảm các loại chi phí trực tiếp như điện, nước, viễn thông, bảo hiểm.

Đơn cử, ông đề xuất giảm 50% thuế VAT, tiếp tục chính sách giảm chi phí điện nước đến hết 2020 cho doanh nghiệp du lịch cũng như điều chỉnh điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ.

“Cộng đồng kinh doanh du lịch tại Đà Nẵng xác định tinh thần vượt khó và đang trong tâm thế sẵn sàng mở cửa đón khách quay lại. Thông điệp cho đợt phục hồi lần này là du lịch an toàn, đặt mục tiêu an toàn chống dịch cho du khách lên trên hết bằng việc cam kết triển khai bộ tiêu chí đảm bảo an toàn”.

Hiện miền Trung đã bước vào giao đoạn thấp điểm trong phục vụ du khách, vì vậy các sản phẩm triển khai lần này sẽ đi vào chiều sâu, khai thác thêm các sản phẩm mới, sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm làm tăng trải nghiệm của du khách.

Ông Dũng cho biết thúc đẩy đợt hai sẽ bắt đầu bằng nguồn khách tại chỗ trong tháng 9/2020, mở rộng cho nguồn khách miền Trung, Tây Nguyên vào nửa đầu tháng 10/2020 và nếu tình hình khả quan sẽ khai thác trở lại nguồn khách miền Bắc và miền Nam từ nửa cuối tháng 10/2020.