Chưa đủ hút khách du lịch, Hà Nội chủ yếu là điểm trung chuyển
Nhật Hạ
Thứ ba, 19/01/2021 - 16:57
Hà Nội cần phát triển các sản phẩm du lịch để 'níu chân' du khách chứ không chỉ là điểm trung chuyển như hiện nay.
Giai đoạn 2016 – 2019, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng khá nhanh và ổn định, năm sau cao hơn năm trước, mức tăng bình quân đạt 10,1%/ năm. Riêng năm 2019, lượng khách đến Hà Nội đạt 28,9 triệu lượt, trong đó khách quốc tế trên 7 triệu lượt.
Tốc độ tăng trưởng tổng thu từ khách du lịch bình quân giai đoạn này đạt 17,6%, trong đó năm 2019 đạt 103,8 nghìn tỷ đồng với công suất sử dụng buồng phòng đạt 67,9%.
Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, đến năm 2020, tất cả các chỉ tiêu của ngành du lịch tại Hà Nội đều giảm mạnh. Lượng khách du lịch quốc tế giảm 84,2%; khách nội địa giảm 65,6%; tổng thu từ khách du lịch giảm 73%; công suất sử dụng buồng phòng giảm 38% so với năm 2019.
Trước khi có đại dịch, ngành du lịch Thủ đô đóng góp 12,54% vào tổng GRDP. Nhưng năm 2020 giảm xuống còn 3,4%.
Tại Hội nghị phát triển du lịch Thủ đô hôm nay, Bí thư thành ủy Hà Nội, Vương Đình Huệ nhấn mạnh, “Dịch Covid-19 bùng phát đã bộc lộ những điểm yếu của du lịch Hà Nội”.
Tăng trưởng khách du lịch nội địa của Hà Nội trước khi có dịch đạt thấp. Đến năm 2020, mức độ giảm lượng khách quốc tế, khách nội địa của Hà Nội lại lớn hơn bình quân chung cả nước.
Phân tích những nguyên nhân chủ quan, ông Huệ cho rằng, tư duy và nhận thức của các cấp, các ngành chưa có nhiều chuyển biến, vẫn xếp du lịch vào khối văn xã, chưa coi là một ngành kinh tế tổng hợp; quy hoạch, phát triển hạ tầng du lịch chưa được nhiều, còn nhiều việc dở dang; các doanh nghiệp du lịch chủ yếu nhỏ và siêu nhỏ, chưa có các doanh nghiệp lớn mang tính dẫn dắt. Đặc biệt, sản phẩm du lịch còn đơn chiếc, thiếu đặc sắc để phù hợp với nhiều đối tượng khách du lịch...
Đánh giá về thực trạng hiện nay của 'điểm đến' Thủ đô, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, “Hà Nội chưa thực sự là nơi hút khách du lịch, mà là nơi phân phối khách”.
Bên cạnh đó, “Hà Nội chưa tự triển khai các sản phẩm du lịch 3 ngày 2 đêm như Đà Nẵng, Quảng Ninh; các điểm ‘tiêu tiền’ cũng khiêm tốn; chưa có khu phát triển kinh tế ban đêm… Vì vậy, Hà Nội cần phát triển các sản phẩm để ‘níu chân’ du khách chứ không chỉ là điểm trung chuyển như hiện nay”, theo Phó giám đốc Viettravel Hà Nội, Phạm Văn Bảy.
Nhận định Hà Nội hiện có 17 huyện, thị xã, tiềm năng còn nhiều, Chủ tịch câu lạc bộ UNESCO Hà Nội, Trương Quốc Hùng cho rằng phải làm sao phát triển để cho người Hà Nội du lịch ngay tại Hà Nội mà không cần phải đi đến các tỉnh quá nhiều.
Hiện nay, nhu cầu của khách du lịch sau thời gian giãn cách xã hội cũng thay đổi khá nhiều, đi du lịch gần hơn, thời gian ngắn hơn, nhưng các điểm đến của Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu này. Ông Hùng kiến nghị thành phố nên có các tuyến xe buýt kết nối đến các điểm du lịch; tổ chức nhiều hơn các sự kiện để thu hút mạnh hơn khách du lịch đến Hà Nội...
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái cơ cấu, phát triển ngành du lịch Thủ đô nhanh và bền vững trong thời gian tới, Bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng cần có kế hoạch về việc phục hồi ngành du lịch trong năm 2021, theo tinh thần tập trung mọi nguồn lực để thu hút khách nội địa.
“Đặc biệt, cần chuẩn bị tâm thế để ngay khi kiểm soát được dịch Covid-19, mở cửa trở lại thì ngành du lịch Hà Nội phải ở đẳng cấp khác”, ông Huệ nhấn mạnh.
Năm 2021, Hà Nội là nơi đăng cai tổ chức Sea Game 31, Sở Du lịch cần phát huy hiệu quả sự kiện thể thao lớn này; có kế hoạch để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các hoạt động festival, ẩm thực... để thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, cần phát triển các loại hình du lịch MICE, tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm tầm cỡ.
Bí thư thành ủy cũng nhấn mạnh yêu cầu phải nâng cấp các bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa, nghiên cứu phát triển thêm các loại hình du lịch đường sông, du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng. Đặc biệt, cần nghiên cứu để xây dựng con đường du lịch xuyên thành phố, có thể kết nối lên đến Ba Vì.
Ngoài ra, cần phát triển mạnh loại hình du lịch ẩm thực; hình thành các khu ẩm thực, làng ẩm thực ngoài khu phố cổ, lựa chọn một số tuyến phố có không gian phù hợp để phát triển loại hình này.
Với lợi thế về số lượng các làng nghề truyền thống, Hà Nội cần quan tâm để phát triển mạnh hơn các loại hình du lịch làng nghề; đồng thời phát triển du lịch học đường. Ông Huệ cho biết, mục tiêu đặt ra đối với ngành du lịch Thủ đô năm nay là phải đạt 70% so với các chỉ tiêu của năm 2019.
Du lịch Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhanh chóng phục hồi sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát thành công. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường, khủng hoảng rác thải có thể trở thành những nguy cơ đe dọa tới ngành du lịch trong dài hạn.
Ở một điểm đến gần như không có khái niệm “mùa thấp điểm”, kinh doanh lưu trú tại Sa Pa luôn là mảnh đất màu mỡ. Khi dòng khách tấp nập trở lại “thành phố trong sương”, những cơ hội mới cũng mở ra cho giới đầu tư.
Từ ngày 1/1/2021, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục áp dụng chính sách miễn, giảm giá vé từ 50-100% tại các điểm tham quan, lưu trú vịnh Hạ Long, bảo tàng Quảng Ninh, Khu di tích và danh thắng Yên Tử.
Dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song du lịch Việt Nam gần đây vẫn “nổi như cồn” nhờ “bộ sưu tập” giải thưởng quốc tế danh giá ngày càng đầy thêm. Tuy nhiên, làm sao để giữ vững phong độ và tiếp tục thăng hạng khi ngành du lịch vẫn đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do đại dịch gây ra?
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.