Đừng gục ngã ở Pù Luông

Nguyễn Hoàng Long - 13:58, 25/04/2018

TheLEADERCự ly chạy 70km của Vietnam Jungle Marathon 2018 có thể sẽ được nhớ đến như một trong những giải đấu khốc liệt nhất tại Việt Nam đến nay.

Giải chạy bộ đường rừng núi Vietnam Jungle Marathon năm nay có gần 1.000 vận động viên tham gia các cự ly chạy dài từ 25 km đến 70 km và diễn ra tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa, với những khu rừng rậm, đỉnh núi đá vôi cao vút và các bản làng người dân tộc.

Đừng gục ngã ở Pù Luông
Đường chạy cự ly 70km

Vì quá bận rộn công việc nên với tôi, việc "tập luyện đường núi" chỉ là con số 0. Tuy vậy, tôi lại cảm thấy khá tự tin vì các lần trước cũng chỉ tập chạy một vài buổi. Từ đầu năm đến nay tôi chạy rất đều, trung bình 40km/tuần và duy trì leo cầu thang 15 tầng hàng ngày trong một tháng trở lại đây.

Cự ly 70km xuất phát 4h sáng, nhưng yêu cầu có mặt từ 3h15 nên phải dậy từ 2h, ăn sáng, sửa soạn, hoàn tất đóng gói đồ đạc lên người và phóng xe ra điểm xuất phát.

Đúng 4h, các vận động viên xuất phát. Tôi chạy rất túc tắc, hoàn toàn không có sức ép, cũng muốn để dành sức cho đoạn sau, nếu khỏe sẽ tăng tốc. 5km đầu có lẽ là dễ nhất, như dụ dỗ vận động viên tiến sâu vào cạm bẫy. Đường bằng và còn hơi dốc xuống.

Chỉ có một điểm hơi gợn, là không hiểu sao chỉ chạy một đoạn ngắn, chừng 1km, đã thấy toát mồ hôi. Dường như trời oi lạ thường. Nhiều người cũng để ý điểm này. Thời tiết giải năm nay có lẽ khác vì lùi thời điểm tổ chức giải sớm lên một tháng so với năm 2017.

Đỉnh Quái thú

Thử thách đầu tiên khá ngợp khi nhìn hình - đỉnh Quái thú, theo cách đặt tên khá ngộ của Ban tổ chức giải - Topas Travel. Đó là ngọn núi dốc đứng, phải leo một mạch từ độ cao 100m lên 900m - cũng là đỉnh cao nhất trong toàn cuộc đua.

Tuy vậy, tôi không ngại leo lắm. Thường mỗi khi vào núi tôi đều vượt liên tục. Nhớ đến điểm này mới hơi giật mình, nghĩ đến cảnh tắc đường ở Vietnam Mountain Marathon, là lý do khiến tôi rút kinh nghiệm phải bứt lên sớm từ đầu để tránh phải xin đường vượt quá nhiều.

Cũng may, cự ly 70km của Vietnam Jungle Marathon 2018 không quá đông vận động viên tham gia. Tôi vẫn leo thong thả khá lâu trước khi quyết định tăng tốc, từ gần cuối vượt lên dần, không thấy gặp khó khăn gì. Trên đường vượt qua mấy ứng viên top đầu của nữ. Sau xuất phát khoảng 2 tiếng thì lên đến đỉnh, quãng đường khoảng 9km.

Bất cứ ai đến nơi cũng phải ồ lên vì cảnh biển mây và núi hòa quyện vào nhau, trập trùng trắng xóa, cùng vầng dương đỏ rực phía xa. Tôi dừng ngắm cảnh và chụp ảnh khá lâu.

Đừng gục ngã ở Pù Luông 1
Bình minh và biển mây trên đỉnh Quái thú. Ảnh: Hoàng Long

Nhiều người từ phía sau đã túc tắc vượt lên trở lại. Trong này có bạn nữ Kerrin Kua người Singapore mà tôi còn gặp lại rất nhiều, với dáng leo chống nạnh có vẻ khá vất vả, nhưng duy trì được tốc độ khá tốt đến tận cuối giải.

Sau đỉnh Quái thú là các đoạn leo xuống và đổ dốc khá dài để trở về độ cao 100m. Tôi tranh thủ chạy túc tắc tất cả các đoạn xuống dốc và đi ngang, và đi bộ khi lên dốc. Chỉ cần duy trì đều đặn như vậy thì chắc chắn giữ được tốc độ trung bình, và tiếp tục vượt nhiều vận động viên khác.

Checkpoint 1 chỉ 2km sau đỉnh Quái thú, tôi không có ấn tượng gì, lúc này đã đi khoảng hơn 2 tiếng, tầm 6h sáng, đã bỏ đèn pin.

Check point 2 - Bản Hiêu, ở cự ly khoảng 23km, sau một đoạn dài dốc lên nhẹ và đứng trước chân một con dốc khá lớn tiếp theo.

Tôi có cảm giác hơi đuối ở các đoạn lên dốc nhẹ, và chạy xuống dốc không thật thoải mái. Có thể cuộc đối đấu với con Quái thú đã làm tiêu hao sức lực nhiều hơn so với cảm giác của tôi.

Đến Checkpoint 2 sau khoảng 4h chạy, lúc 8h sáng, tức trung bình 5,5km/h.

Tôi nghỉ ngơi khá thoải mái, nhưng rồi cũng bắt đầu để ý xem vị trí của mình đang ở đâu. Ban tổ chức thông báo đã có 78 người ký ở Checkpoint 2 trên tổng 178 người (nhưng các bạn này nhầm, sau này thống kê hết tôi mới rõ có 142 vận động viên đăng ký, trong đó 6 người bỏ từ đầu, gồm cả ứng viên vô địch Quang Trần bị chấn thương). Như vậy tôi đang ở tầm nhóm 45%.

Tôi thấy cần bắt nhịp trở lại sau chặng đầu hơi nhởn nhơ. Có lẽ nên rút khoảng cách để vào khoảng Top 50.

Đừng gục ngã ở Pù Luông 2
Chạy qua những ruộng lúa đang xanh bao quanh những bản làng. Ảnh: Simon Wilson/Topas Travel

Tôi rời Checkpoint 2, tạm ước có khoảng 7-8 người đến sau đang ở lại, như vậy lúc rút đi cứ cho là vị trí thứ 71, cứ thế sẽ đếm lùi dần mỗi lần vượt qua ai đó. Dù sao tôi cũng còn sung sức, và cũng muốn tranh thủ lúc trời mát để tăng tốc. Tôi chạy/leo giữa trời nắng rất kém, nên đoạn sau sẽ khá khó lường khi phải đối phó với cái nắng nóng 37-39 độ.

Đúng là chỉ cần duy trì chạy nhẹ mỗi lần xuống dốc và đi ngang, đi bộ khi lên dốc, sử dụng lợi thế đặt chân nhanh trong leo núi lên xuống, thì việc bắt kịp nhóm đi trước chỉ là vấn đề thời gian.

Các “nạn nhân” đầu tiên bắt gặp khá sớm, chỉ sau Checkpoint 2 khoảng 300-400m trước lối rẽ lên núi để leo một đỉnh nhỏ. Tôi lạnh lùng trừ lùi 2 số. Túc tắc trừ thêm một vài lần nữa.

Từ Checkpoint 3 đến Checkpoint 4 đường khá bằng, chỉ lên xuống nhẹ. Tôi gặp lại nhiều đoạn đường quen thuộc năm ngoái do cự ly 25km xuất phát từ khoảng này. Tuy nhiên, vấn đề lớn là nắng đã bắt đầu tác động đáng kể. 

Tôi biết điều, đội mũ trùm che nắng, đeo ống tay và bó calf che chắn tay chân kín mít, bôi kem chống nắng đều đặn. Đây là lần đầu tiên tôi che chắn và bôi kem cẩn thận như vậy trong một cuộc đua. Ngoài ra, phải kể đến việc thường xuyên tưới nước lên đầu, lên người tại tất cả các Checkpoint, nó cũng làm mát cơ thể, hạ nhiệt đáng kể.

Sau một đoạn thì đột nhiên phát hiện bình hết nước. Hơi choáng vì chưa lần nào tôi bị hết nước như vậy, trong khi còn mấy km nữa. Nắng đã ảnh hưởng đáng kể khiến tôi uống hết bình 2 lít trong chặng 15km trước. Rất may, tôi xin được ấm nước chè của người dân bản.

Đừng gục ngã ở Pù Luông 3
Chạy đường rừng. Ảnh Simon Grimstrup/Topas Travel

Cuộc chiến sinh tồn

Khá nhiều người dừng ăn ở Checkpoint 4, nơi có phục vụ mì tôm. Tôi không muốn ăn vì đã có bánh chuối và thanh năng lượng ăn rải rác suốt dọc đường.

Hỏi thăm tình hình đoạn đến Checkpoint 5, thì mọi người không cho rằng quá đáng ngại, cộng với việc không thấy nhu cầu ăn nghỉ lắm, nên sau 10 phút sau tôi lên đường. Tạm ước lúc này đã ở khoảng vị trí khoảng dưới 55.

Và đó là lúc tôi lập tức đối mặt với những thời điểm khốc liệt nhất của cuộc đua: Con dốc bê tông nóng bỏng. Đúng giữa trưa, 37-39 độ C, nóng kết hợp với oi bức khác thường. Tôi rất ngại những con đường nhựa dốc lên, và ngại nắng nóng, và như vậy chạy/leo dốc đường nhựa giữa trưa hè với đủ những thứ đó hội tụ sẽ là thử thách đáng sợ.

Hai bên đường trơ trọi, không chút bóng mát, chỉ thấy những lùm cây thấp. Không nhớ mấy lần tôi phải tạt vào bên đường, cố rúc vào các lùm cây. Nghỉ được một chút, nhìn đồng hồ, lại vùng dậy, nghiến răng bước từng bước một.

Con dốc dài vô tận, hầu như chỉ thấy đi lên và lên, liên tục, rất dốc. Nhiều lần, sau một đoạn đường mệt lả, nhìn thấy con dốc khuất sau góc quanh phía xa, lại trào lên hi vọng sau khúc quanh sẽ là dốc xuống. Để rồi lại thất vọng khi nối tiếp con dốc là 1 con dốc khác, dài và dốc không kém.

Cứ liên tục như vậy.

Đừng gục ngã ở Pù Luông 4
Hình ảnh con dốc bê tông thơ mộng nhưng lại là thử thách kinh khủng đối với các vận động viên

Mà mật độ nghỉ dường như các lúc càng dày đặc, có khi bước được vài trăm mét không chịu được lại phải nghỉ.

Tôi cảm nhận chặng đường đó như một cuộc chiến sinh tồn. Cái nắng nóng và oi bức vắt kiệt sức lực rất nhanh. Đó là không chỉ là cuộc đấu của thể lực và đôi chân, mà còn là cuộc đấu của tâm lý và ý chí.

Cuộc chiến này hầu như chỉ có một mình, cả con đường vắng tanh. Có duy nhất một bạn đi sau vượt qua tôi, và đến gần cuối thì có nhìn thấy bóng dáng 2 vận động viên khác đi trước.

Ý nghĩ thua cuộc đã vài lần xuất hiện. Rất may, có thể tôi đã lì lợm hơn một chút, nên không thấy lần nào ý nghĩ bỏ cuộc xuất hiện. Nghĩa là dù không kịp, tôi vẫn sẽ đi tiếp đến cùng, để chắc chắn rằng chỉ khi Ban tổ chức không cho phép, tôi mới dừng lại.

Thật may, rồi cũng nhìn thấy đoạn dốc xuống, nơi tôi có thể chạy chầm chậm. Và may hơn nữa, chỉ sau một đoạn xuống dốc ngắn, Checkpoint 5 hiện ra như một giấc mơ, dù mới được khoảng 6,5km, lúc 1h trưa.

Tôi gần như ném hết mọi thứ xuống đất, tháo giày, nằm bẹp mất một lúc. Cái cảm giác buông bỏ tất cả thật dễ chịu.

Cái cảm giác đến Checkpoint 5 gần trước khi kết thúc thời gian giống như một kẻ tuyệt vọng cố vượt qua một con suối dữ trước khi bầy cá sấu ập đến, rút cục lên được bờ bên kia và biết rằng mình đã thoát nạn. Nhưng đồng thời, kẻ đó cũng biết rằng đám còn lại phía sau hi vọng vô cùng mong manh, số vượt qua được chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Mà đúng ra, nếu không sung sức, lựa chọn bỏ cuộc hoặc đi tắt có thể sẽ khôn ngoan hơn. Nếu không muốn gặp rủi ro sức khỏe trên con dốc bê tông, trong điều kiện không có trạm y tế và không có ai hỗ trợ.

Hầu hết mọi người trải qua con dốc bê tông đều kiệt sức, nên đều nằm vật ra nghỉ, ngổn ngang khá đông.

Bạn Tây, người của Ban tổ chức có nhiệm vụ chạy ngược xuôi kiểm tra các nơi xem có vấn đề gì không, hỏi: “Bạn có định tiếp tục không?” “Có, tất nhiên”, tôi trả lời. Cũng hơi ngạc nhiên, vì tôi hoàn toàn không có mảy may ý nghĩ dừng lại, và cũng cảm thấy người rất bình thường.

Nhưng nhìn sang nhóm đi cùng đang nằm ngồi la liệt cỡ chục người, và nhìn ngọn núi tiếp theo, tôi hiểu lý do câu hỏi.

Đừng gục ngã ở Pù Luông 5
Cuộc đua của những vận động viên nữ cũng không kém thử thách

Thử thách kế tiếp từ chỉ 3km nhưng là đỉnh Mũi giáo - the Spike, rất dốc, và toàn leo giữa các tảng đá. Năm ngoái lúc leo đoạn này thì tôi nhớ đang ở vị trí thứ 3, sức ép khá lớn nên tự thúc mình leo hùng hục. Năm nay ngược lại, ở nhóm cuối, chẳng có sức ép gì, thành ra lại khá nhàn nhã, thảnh thơi. Cuối đoạn này là một khung cảnh thung lũng ruộng lúa đẹp ngỡ ngàng.

Tôi chụp ảnh và ngắm nghía mất một lúc, để hai bạn người Nhật vượt qua, và túc tắc đi bộ dưới thung lũng để về Checkpoint 7, đến nơi khoảng 5h chiều, lúc trời đã trở nên mát mẻ.

Thử thách cuối khá nhẹ nhàng, với gần 4km, tuy là leo núi nhưng lại toàn đi đường mòn, gần như có thể đi bộ bình thường. Cảm giác lúc này khá thoải mái và nhất là trời đã mát mẻ. Tuy vậy, xem lại thời gian thấy cũng mất hơn 1 tiếng cho đoạn này.

Về đích.... và cái kết ngoài dự kiến!

Trời bắt đầu mưa từ trước đó, khoảng 6h tối, khi trên đường đến Checkpoint 8. Đó là lúc tôi ngậm ngùi nhớ lại chiếc áo mưa đã bỏ ra khỏi ba lô vào phút cuối trước giờ xuất phát. Tuy vậy, tôi cũng tìm được cách, là trùm chiếc túi ni lông (trước đó đựng bánh) lên mũ, nhờ vậy cũng che được đèn pin đội đầu. Còn người thì chấp nhận dầm mưa.

Đừng gục ngã ở Pù Luông 6
Đường chạy. Ảnh: Simon Wilson/Topas Travel

Đoạn từ Checkpoint 8 về đích khoảng 9km, chủ yếu xuống dốc nên dễ đi, có thể rút ngắn đáng kể tốc độ trung bình. Tôi nghĩ khá đơn giản, chắc chỉ còn mấy người, vậy đợi thêm vài người nữa rồi cứ túc tắc đi cùng nhau về đích.

Và đó là phần mở đầu cho 3 tiếng dầm mưa dông, đôi lần tái mặt nghe tiếng sét, nhiều đoạn đi giữa đồng không mông quạnh, lê lết từng bước....

Một bạn nữ, sau đoạn đầu đường nhựa ngon lành, thì không thể đi nhanh các đoạn vào núi và xuống dốc. Tôi vừa đi cầm chừng vừa hỗ trợ. Đã vài lần tôi hối hận và vài lần manh nha ý tưởng bỏ đi trước, nhưng lại thôi vì nhìn trước nhìn sau chẳng có ai.

Rút cuộc, đến tận sát đích hơn 1km tôi mới quyết định chạy phăm phăm về đích trong sự ngỡ ngàng của Ban tổ chức, vốn đang ngóng chờ vận động viên cuối dự kiến trong bộ dạng lê lết và mệt mỏi. Tôi về đích chính thức mất 17h38’25” (lúc 9h38 tối) và là người cuối cùng của nhóm hoàn tất cuộc đua.

Nhưng cũng chỉ có 62/136 người hoàn tất cuộc đua, còn lại hoặc tự bỏ cuộc vì quá mệt, hoặc buộc phải dừng vì quá thời gian quy định trong đó có không ít vận động viên tên tuổi và cả các ứng cử viên vô địch.