Giá than, dầu tăng đội chi phí của EVN thêm 16.000 tỷ đồng

Nhật Minh - 10:27, 25/08/2021

TheLEADERTheo EVN, giá nhiên liệu đầu vào tăng cao dẫn tới chi phí sản xuất và mua điện tăng hơn 16.000 tỷ đồng so với cùng kỳ 2020.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong tháng 7/2021 và những ngày đầu tháng 8, giá nhiên liệu đầu vào mà tập đoàn này thực hiện đang cao hơn rất nhiều so với thông số giá bình quân đã thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là giá than.

Cụ thể, giá than nhập khẩu bình quân tháng 7 tăng 17,5% so với số liệu bình quân tháng 6/2021, tăng gần 52% so với số liệu bình quân thực hiện 6 tháng đầu năm 2021.

So với số liệu bình quân thực hiện năm 2020, giá than nhập khẩu tháng trước ghi nhận mức tăng 250%

Theo đó, mức giá này tăng từ 98,8 USD/tấn bình quân nửa đầu năm lên đến 150 USD/tấn bình quân tháng 7/2021 và 159,7 USD/tấn trong 10 ngày đầu tháng 8/2021.

Trong khi đó, giá dầu HFSO bình quân tháng 7 tăng 23% so với số liệu bình quân thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 68,3% so với bình quân năm ngoái.

Số liệu vận hành hệ thống điện quốc gia cho biết, sản lượng phát của nhiệt điện than và dầu chiếm 51% tổng nguồn phát.

Do đó, giá than nhập khẩu và giá dầu thế giới đã và đang tác động rất lớn đến chi phí mua điện của EVN đối với các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu, và các nhà máy nhiệt điện khí có giá khí theo giá thị trường.

“Nếu so với cùng kỳ năm 2020, chi phí mua điện của EVN năm 2021 tăng tới 16.600 tỷ đồng”, EVN cho biết.

Đến thời điểm hiện nay, diễn biến giá nhiên liệu thế giới cho thấy xu hướng tăng trong các tháng đầu năm, tăng cao trong tháng 7 – 8/2021 và khó dự báo diễn biến trong các tháng cuối năm 2021.

Biến động giá nhiên liệu đầu vào trong 8 tháng đầu năm 2021 như trên dẫn đến chi phí sản xuất và mua điện của EVN tăng cao.

Bên cạnh đó, diễn biến thủy văn của các hồ thủy điện ở phía Bắc đến nay không thuận lợi, hiện đã là cuối tháng 8 – thời điểm cuối mùa lũ chính vụ nhưng vẫn chưa có dấu hiệu lũ về các hồ thủy điện.

“Do vậy, tình hình tài chính của EVN cả năm 2021 được nhận định sẽ có rất nhiều khó khăn”, EVN cho hay.

Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA), trong báo cáo cuối tháng trước lưu ý rằng, thành công của EVN trong năm 2020 chủ yếu bắt nguồn từ việc tăng sản lượng huy động từ thuỷ điện trong điều kiện thuỷ văn thuận lợi và, qua đó, giảm được huy động các nguồn điện giá cao.

Đây không phải là kết quả của một thay đổi có tính chiến lược và bền vững trong vận hành. Tuy là một diễn biến tích cực, nhưng không thể đảm bảo rằng EVN sẽ luôn gặp điều kiện thuỷ văn thuận lợi.

Fitch trong đánh giá cập nhật về EVN hồi tháng 9 năm ngoái cũng lưu ý: “Khi chưa thể tăng giá bán lẻ điện, tình hình tài chính của EVN có thể xấu đi nhanh hơn các doanh nghiệp khác cùng ngành do phụ thuộc nhiều vào nguồn thuỷ điện không ổn định và tỷ lệ nợ bằng ngoại tệ cao”.