Phát triển bền vững
Giải bài toán khó ngành tái chế
Đoàn kết các chủ thể trong hệ sinh thái thu gom, tái chế là cách VietCycle cùng hệ sinh thái tuần hoàn XanhNét từng bước chuẩn hóa và giúp ngành công nghiệp này tự tin đứng vững.
Năm năm trước, Chi hội Nhựa tái sinh trực thuộc Hiệp hội Nhựa Việt Nam được thành lập, với nhiệm vụ quy tụ, đoàn kết cộng đồng doanh nghiệp tái chế thể hiện trách nhiệm của ngành nhựa với môi trường, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Công ty CP VietCycle, một nhà tái chế có nhiều năm kinh nghiệm, đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh.
Thường trực nỗi trăn trở với nghề, tình yêu thương, sự đồng cảm với anh em đồng nghiệp, ông Vượng thường xuyên tổ chức những buổi trò chuyện, chia sẻ với các hội viên trong chi hội chính sách, công nghệ và tầm nhìn toàn cầu trong việc chống ô nhiễm rác thải nhựa cũng như những thông tin về thị trường, nền kinh tế.
Tưởng chừng xa vời nhưng những thông tin ấy rất quan trọng với ngành tái chế nhựa. Bởi lẽ, giá nhựa nguyên sinh lên xuống theo giá dầu. Nhựa nguyên sinh đắt thì nhựa tái sinh được tiêu thụ nhiều. Nhựa nguyên sinh rẻ, nhà tái chế chỉ biết “nằm im”.
Cũng vào thời điểm đó, ông Vượng cùng nhiều chuyên gia khác đồng hành với Bộ Tài nguyên và môi trường để xây dựng các chính sách về kinh tế tuần hoàn, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Một mặt đề xuất chính sách, mặt khác, vị chủ tịch không ngừng tuyên truyền cho các hội viên về một cơ hội mới đến với nhà tái chế, thuận theo xu thế kinh tế tuần hoàn. “Tôi nói đủ thứ, từ chuyện kinh tế Việt Nam, kinh tế thế giới đến chuyện kinh tế tuần hoàn. Nhiều người không tin, chắc họ thấy tôi nói trời nói bể nhiều quá”, ông Vượng cười.
Nhưng chẳng phải vì vị chủ tịch dày tâm huyết này không đủ uy tín, có lẽ là vì suốt hơn 40 năm vất vả tìm đường, chịu đựng đủ thứ áp lực từ thị trường cho đến sự chê bai, lên án của dư luận, các nhà tái chế chẳng còn dám tin vào một tương lai tươi sáng.
Cuối cùng, cơ hội mà ông Vượng nhiều lần nhắc đến đã trở thành hiện thực, với Luật Bảo vệ môi trường 2020 bao hàm các nội dung về kinh tế tuần hoàn và EPR.
Ông Vượng gọi EPR là “chìa khóa xây dựng ngành công nghiệp tái chế đạt chuẩn”, bởi công cụ này đặt yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải chịu trách nhiệm thu gom, tái chế rác thải phát sinh từ sản phẩm của mình. Từ đó, nhu cầu tái chế tăng cao, nhà tái chế cũng có thêm nguồn lực hỗ trợ.
Tuy nhiên, cơ hội chỉ dành cho những ai đã sẵn sàng nắm bắt. Một lần nữa, ông Vượng và đội ngũ VietCycle lại tiếp tục triển khai giải pháp mới giúp nâng tầm ngành công nghiệp tái chế, hỗ trợ cho việc thực thi công cụ EPR, thông qua thành lập hệ sinh thái tuần hoàn XanhNét.
Mô hình bài bản
Suốt một thời gian dài, VietCycle cùng các đối tác đã thành lập mạng lưới hàng ngàn “chiến binh xanh” là những người thu gom đồng nát, ve chai. Ngoài thăm hỏi, động viên, tặng quà, hỗ trợ về an sinh xã hội, VietCycle còn hướng dẫn chị em ve chai cách phân loại phế liệu hay cách đoàn kết để hỗ trợ lẫn nhau, bảo vệ những quyền lợi chính đáng.
Hệ thống thu gom ve chai trở nên bài bản, chuyên nghiệp hơn đã tháo một nút thắt trong chuỗi phế liệu. Sáng kiến hệ sinh thái tuần hoàn XanhNét được tiếp tục triển khai trên nền tảng đó.
Trong mạng lưới XanhNét, đội ngũ ve chai, đồng nát hay những chiến binh xanh, theo cách gọi của VietCycle, là những Xanh Viên. Tham gia vào mạng lưới, họ được đào tạo chuyên môn, được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tê, bảo hiểm xã hội, cung cấp công cụ lao động và một số nhu yếu phẩm.
Xanh Điểm là tên gọi chung cho mạng lưới những điểm thu gom. Dựa trên thói quen, văn hóa của người dân, bên cạnh những bãi rác, bãi phế liệu, hợp tác xã thu gom, VietCycle hợp tác với các bên liên quan để thiết lập trạm thu gom tại những giáo xứ, trường học hoặc ngay trên đường phố, lan tỏa ý thức thu gom, phân loại rác tới cộng đồng.
Phế liệu thu gom được từ Xanh Điểm sẽ chuyển tới Xanh Trạm là các trạm trung chuyển, phân loại phế liệu thành những nhóm khác nhau, khả năng tái chế khác nhau. Tiếp đó, tại Xanh Chuyên, phế liệu sau phân loại được ép kiện, để chuyển tới Xanh Xưởng là các nhà máy tái chế.
Tất cả những thành tố đó hình thành một chuỗi tái chế bài bản, khắc phục được nhiều điểm yếu khi các đơn vị hoạt động riêng lẻ.
Đầu tiên phải kể đến tính minh bạch, từ nghĩa vụ thuế cho đến chứng minh nguồn gốc phế liệu. Nếu như trước đây, tính minh bạch bị xem nhẹ bởi ngành tái chế chủ yếu là tự phát, phi chính thức thì hiện nay, để trở thành đối tác của doanh nghiệp, nhãn hàng, nhà tái chế phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, mạng lưới XanhNét sẽ giám sát quá trình tái chế để đảm bảo các đơn vị thành viên có công nghệ, dây chuyền phù hợp, đảm bảo tái chế ra sản phẩm chất lượng, không gây hại đến môi trường.
Hình ảnh những làng nghề tái chế xả khói đen lên bầu trời, những phế liệu dư thừa vứt ngổn ngang hay dòng nước thải đen kịt không được chấp nhận ở XanhNét, càng không được chấp nhận ở một ngành công nghiệp tái chế tiên tiến.
Đảm bảo minh bạch và chất lượng, ông Vượng cho biết, XanhNét còn cung cấp dịch vụ tư vấn về EPR, thực hiện báo cáo EPR thay nhà sản xuất, nhà tái chế. Từ đó, hợp tác với XanhNét, doanh nghiệp có thể yên tâm thực thi EPR một cách hiệu quả, an toàn về hình ảnh và thương hiệu.
Khoản tiền thu được từ cơ chế EPR là sự bổ sung quan trọng về nguồn lực cho tái chế. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn tạo ra đa giá trị, ngành tái chế cần nhiều nguồn lực hơn như vậy.
Nếu EPR giải quyết bài toán đầu vào thì XanhNét tiếp tục giải quyết bài toán đầu ra cho ngành công nghiệp tái chế, thông qua thành lập những trung tâm tiếp thị, phân phối sản phẩm tái chế. Các trung tâm này sẽ bán sản phẩm tái chế với số lượng và chất lượng đồng đều, đảm bảo từng bước xây dựng thị trường tái sinh đủ mạnh để nhà tái chế duy trì lợi nhuận.
Bên cạnh đó, XanhNét cung cấp dịch vụ toàn diện cho nhà tái chế, bao gồm các vấn đề về tài chính, đầu tư như tìm nguồn vốn xanh, hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường, tư vấn chính sách pháp luật như chuyển giao công nghệ, giấy phép môi trường hay xin các chứng chỉ, tiêu chuẩn toàn cầu.
Hướng tới mục tiêu về một ngành công nghiệp tái chế đạt chuẩn, ông Vượng cho biết, XanhNét sẽ đồng hành với các thành viên và các tổ chức phát triển để xây dựng hạ tầng ngành tái chế, xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp tái chế, hỗ trợ các làng nghề tái chế dịch chuyển theo hướng hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, thực hiện ước mơ chuyển đổi công bằng - hội nhập khối tư nhân đang tham gia công tác bảo vệ môi trường.
Ngành tái chế lớn mạnh và đạt chuẩn là nền tảng cho mô hình kinh tế tuần hoàn, cũng là cơ sở để các nhà tái chế tạo ra tín chỉ nhựa, tín chỉ carbon, vừa tăng thu nhập, vừa góp phần vào công cuộc chuyển đổi xanh, phát thải ròng bằng 0 của đất nước.
“Vì một Việt Nam văn minh với rác”
“Quản lý chất thải là lĩnh vực quản trị khó khăn nhất”, ông Vượng cho biết.
Cũng theo vị chủ tịch của VietCycle, thước đo của văn minh xã hội nằm ở cách hành xử với chất thải.
Dư luận trong nước không ít lần đã trầm trồ những hình ảnh đàn cá vàng bơi lội tung tăng dưới… cống, những khu xử lý rác sạch sẽ như công viên hay quy định phân loại rác phức tạp nhưng vẫn được chấp hành nghiêm túc ở một số nước phát triển.
Việt Nam có tham vọng làm được những điều tương tự, với một loạt chính sách đã, đang và sẽ tiếp tục được ban hành. Đó cũng là tầm nhìn của XanhNét: “Một Việt Nam văn minh với rác”.
Tuy nhiên, sẽ chẳng mấy ai muốn hành xử văn minh với những thứ bỏ đi. Để thực sự văn minh với rác, cần phải thay đổi tư duy rằng rác thải hoàn toàn có giá trị, có thể tiếp tục đóng góp cho xã hội, làm đẹp cho đời, chính là sứ mệnh “chuyển hóa rác” của hệ sinh thái XanhNét.
Ngành tái chế phải đủ lớn mạnh để đảm nhận sứ mệnh đó. Ông Vượng kỳ vọng, những chủ thể trong hệ sinh thái XanhNét, từ các đơn vị tái chế cho đến người đồng nát, ve chai đều có thể từng bước phát triển, tự tin đứng vững.
“Với XanhNét, hệ sinh thái tuần hoàn sẽ tạo ra đủ nguồn thu, đủ tài chính. Chúng tôi sẽ xây những nhà máy tái chế hiện đại, sẽ đóng bảo hiểm y tế, xã hội cho chị em đồng nát, ve chai, không phải đi xin của ai cả”, ông Vượng nói.
Đừng để ngành công nghiệp tái chế thất bại
Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.
Triển lãm lạnh và điều hòa không khí thu hút hơn 100 thương hiệu
Triển lãm quốc tế về lạnh và điều hòa không khí, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 21 – 23/11.
Vietnam Airlines tính thuê thêm máy bay mùa cao điểm Tết Nguyên đán
Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, lên phương án thuê thêm bốn máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Kinh doanh "đình trệ", Pomina gấp đôi lỗ lũy kế
Pomina hiện có tổng nợ vay tài chính là gần 6.219 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản và gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu.
Doanh nghiệp Quảng Ninh hưởng ứng kích cầu du lịch
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.
Phát triển bền vững là chiến lược kinh doanh hay lựa chọn đạo đức?
Làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì giá trị phát triển bền vững cho xã hội và môi trường?
Là đối tác chiến lược toàn diện: Thương mại Việt Nam - Malaysia có cất cánh?
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.