Giải bài toán truyền thông của ngành du lịch Việt

Quỳnh Chi - 08:59, 22/01/2019

TheLEADERTheo nhận định của nhiều chuyên gia, các hoạt động truyền thông về du lịch cần mang tính chiến lược, đồng bộ và hướng đến các thị trường cụ thể.

Giải bài toán truyền thông của ngành du lịch Việt
Truyền thông về du lịch của Việt Nam vẫn chưa hiệu quả

Số liệu thống kê cho thấy, hoạt động du lịch trong năm 2018 của Việt Nam đạt được kết quả ấn tượng với số khách du lịch quốc tế đến đạt mức kỷ lục 15,5 triệu lượt, tăng 19,9% so với năm trước đó. Với tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam đang đặt mục tiêu đón 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020.

Năm qua, ngành du lịch đã có nhiều chính sách, biện pháp nhằm thu hút du khách. Trong đó có hoạt động tăng cường xúc tiến quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam tại những thị trường trọng điểm như Australia, Nhật Bản, các nước châu Âu, ASEAN (Thái Lan, Malaysia, Indonesia). Việt Nam còn miễn thị thực cho công dân các nước Tây Âu từ năm 2018 đến năm 2021 (thay vì miễn từng năm một như trước); thí điểm cấp visa điện tử cho 40 nước và vùng lãnh thổ; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, tổ chức đón các đoàn đến khảo sát du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn Cấp cao du lịch 2018 được tổ chức cách đây không lâu, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng, du lịch Việt Nam vẫn tụt hậu rất xa so với Thái Lan mặc dù lượng khách quốc tế tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Phát triển du lịch hiện nay đang còn nhiều vướng mắc như số lượng khách quay lại rất nhỏ, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, quá tải tại các sân bay…

Đáng chú ý, các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch của nước ta vẫn còn yếu. Theo ông Phạm Hà, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Luxury Travel, việc marketing điểm đến của Việt Nam vẫn còn chưa hiệu quả, chưa có cơ quan chuyên trách để phụ trách quảng bá tại các sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế.

Trong thời gian gần đây, Việt Nam đăng cai nhiều sự kiện lớn của thế giới, nổi bật trong đó có Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019, là cơ hội lớn để quảng bá du lịch Việt, quảng bá các sản phẩm mới. Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn còn khá mờ nhạt.

Ông Hà cho rằng ngành du lịch Việt Nam từ lâu chưa có một chiến lược lớn cho truyền thông, việc quảng bá du lịch còn mang tính chất chung chung. Theo đó, cần xác định được nội dung xúc tiến trọng tâm là gì trong số các yếu tố chứa đựng hình ảnh quốc gia bao gồm vẻ đẹp thiên nhiên, ẩm thực, văn hoá và con người.

“Toàn bộ hệ thống làm truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia cần thống nhất, đi theo các chủ đề cụ thể để du khách nắm rõ thông điệp về hình ảnh quốc gia. Cần xác định được chủ đề trọng yếu, giá trị cốt lõi muốn truyền tải”, CEO Luxury Travel nhấn mạnh.

Ông Hà nhìn nhận, nhiều nước trên thế giới vẫn nghĩ đến Việt Nam là một nước chiến tranh, nghèo đói, lạc hậu. Điều này chứng tỏ các hoạt động truyền thông còn chưa tốt, việc quảng bá hình ảnh quốc gia còn chưa ổn.

Muộn còn hơn không

Mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 44/QĐ/TTg phê duyệt Đề án tăng cường truyền thông về du lịch, xác định đẩy mạnh truyền thông quảng bá hình ảnh, văn hoá, đất nước, con người Việt Nam góp phần xây dựng, định vị hình ảnh thương hiệu du lịch Việt Nam.

Mục tiêu của đề án là đổi mới cách thức, nội dung và tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thông tin, truyền thông về vị trí, vai trò động lực của ngành du lịch trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, về cơ chế chính sách phát triển du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù của các vùng miền địa phương với các hình thức phong phú, đa dạng đến người dân, doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước nhằm góp phần quảng bá về điểm đến an toàn – thân thiện – chất lượng.

Đề án này cũng hướng đến truyền thông quảng bá hình ảnh, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam góp phần xây dựng, định vị hình ảnh thương hiệu du lịch Việt Nam với du khách trong và ngoài nước.

Một số giải pháp được đưa ra bao gồm: xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, bản tin, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về phát triển du lịch. Tuyên truyền về các loại hình du lịch đặc trưng của nước ta như: du lịch di sản, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đảm bảo du lịch là một trong những nội dung thường xuyên, liên tục của các cơ quan thông tin đại chúng.

Xây dựng ấn phẩm du lịch bằng nhiều thứ tiếng, đặc biệt xây dựng bộ ấn phẩm riêng cho một số thị trường trọng điểm, ấn phẩm dành cho thị trường chuyên biệt.

Sản xuất phim, phóng sự, video, thông điệp nhằm quảng bá về thương hiệu du lịch Việt Nam; liên kết với các đài truyền hình quốc tế sản xuất các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam; khai thác kênh thông tin điện tử đối ngoại, cổng thông tin aseanvietnam.vn, vietnamasean.vn, asen.vietnam.vn…; đăng tải thông tin quảng bá hình ảnh đất nước, con người và tiềm năng du lịch Việt Nam qua hệ thống trang thông tin điện tử của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, để hình ảnh du lịch Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế, đề án cũng chỉ rõ truyền thông lồng ghép qua các hoạt động và sự kiện lớn tổ chức trong cũng như ngoài nước, truyền thông qua hệ thống internet…

Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Hà cho rằng đề án này sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực đến ngành du lịch Việt.

“Muộn còn hơn không, nếu đã nhận ra được vấn đề thì cần giải quyết càng sớm càng tốt, đẩy mạnh xúc tiến hình ảnh quốc gia. Điều quan trọng nhất là cần giao nhiệm vụ cho ai, làm thật bài bản”, ông Hà nhìn nhận.

Ủng hộ đề án, lãnh đạo Luxury Travel cho rằng cần xác định đối tượng khách hàng là ai, nắm bắt tâm lý khách hàng, sở thích mua sắm ra sao để có chiến lược quảng bá cho các thị trường khác nhau, phân chia theo nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Ý, Pháp, Tây Ban Nha… bên cạnh tiếng Anh theo những thị trường trọng tâm cần hướng tới.

Ngoài ra, ông Hà cho rằng khi lập chiến lược truyền thông, cần xác định rõ là hướng tới số lượng hay chất lượng thay vì vừa muốn có nguồn thu lớn từ du lịch, đảm bảo phát triển bền vững mà lại kéo khách từ mọi thị trường bằng mọi giá. Theo thống kê, du khách Trung Quốc và Hàn Quốc đến Việt Nam tăng mạnh trong năm nay; tuy nhiên chi tiêu của du khách từ các nước này chưa cao. Trong khi đó, du khách châu Âu thường chi trả cao hơn nhưng lại lưu trú ngắn ngày hoặc ít khi quay lại lần hai.

Nói về việc ứng dụng công nghệ để quảng bá du lịch, ông Hà đánh giá vấn đề này đã được bàn rất nhiều trong vòng 5 - 7 năm trở lại đây song trên thực tế còn chưa mang tính thực chất nhiều. Việc đơn giản nhất trước mắt ông Hà chỉ ra là Tổng cục du lịch phải có được một trang web thân thiện, ấn tượng hơn nữa bởi hiện tại vẫn đang sử dụng hệ thống website đã dùng được mấy chục năm.

“Nói phải đi đôi với làm, khi có tiền rồi phải có chiến lược và hành động cụ thể”, lãnh đạo Luxury Travel nhấn mạnh.