'Làm du lịch không được đơn độc'

Đặng Hoa - 09:37, 08/01/2019

TheLEADERNghệ An có nhiều tiềm năng về du lịch, văn hóa lịch sử nhưng cần sớm tìm ra lời giải cho bài toán phát triển du lịch.

'Làm du lịch không được đơn độc'
Du lịch Cửa Lò đang mang tính chất mùa vụ

Mùa hè năm ngoái, chị Hồng (25 tuổi, Hà Nội) cùng đoàn của mình ở cơ quan lên đường về miền trung tham quan trong vòng 3 ngày 2 đêm với mục đích chính là hướng về nguồn nhân dịp sinh nhật Bác. Điểm đến trong ngày đầu tiên của đoàn là Cửa Lò (Nghệ An), ngày tiếp theo về thăm quê Bác và ghé thăm mộ mười nữ thanh niên xung phong ở Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).

Mặc dù thành viên trong đoàn chủ yếu là người trung tuổi trở lên nhưng may thay chị cũng có được hai người bạn đồng hành cùng trang lứa và có chung nhiều sở thích. Trong đêm đầu tiên ở Cửa Lò, họ đi dọc con đường Bình Minh với hy vọng tìm được chỗ vui chơi nào đấy nhưng rồi cũng phải ngậm ngùi quyết định trở về ngồi uống nước dừa bên bờ biển ngay trước khách sạn.

Trên đường về quê Bác, hai bên những con đường làng xanh mát, lác đác các bà, các mẹ ngồi trước cổng nhà cùng rổ cam, giỏ quýt để bán cho khách du lịch nhưng thi thoảng mới có người dừng chân mua.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An thừa nhận, khách du lịch về thăm quê Bác thường chỉ dừng lại trong vòng 15 – 20 phút. Ở những khu vực xung quanh cũng chưa hề có đầu tư các dịch vụ khác để giữ chân họ lâu hơn. Nhiều người về quê Bác muốn tìm quán ăn nhưng chỉ có một số cửa hàng ăn mọc lên nhỏ lẻ, tự phát nên họ thường nhanh chóng kết thúc chuyến thăm và ăn trưa ở thành phố Vinh.

Chiến lược để du lịch Cửa Lò không phụ thuộc vào thời tiết
Ông Nguyễn Đức Hiển, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An. Ảnh: baonghean.vn

Tương tự ở Cửa Lò, ông Hiển nhìn nhận, du khách đến đây thường lưu trú khoảng hai ngày nhưng cũng chỉ tắm biển, nghỉ dưỡng là chủ yếu. Và nếu không có dịch vụ vui chơi giải trí đi kèm, việc ở lại hai ngày đối với nhiều người thường dễ gây nhàm chán.

Hiện nay, Cửa Lò và quê Bác là hai địa điểm du lịch trọng tâm của tỉnh Nghệ An. Trong đó, khu di tích Kim Liên (quê Bác Hồ) được xem là Di tích Quốc gia đặc biệt, là nơi để con cháu đất Việt về thăm mỗi khi ghé mảnh đất Nghệ Tĩnh, là nơi để bất cứ người con Việt Nam xa quê nào cũng muốn tìm về dù chỉ một lần, là nơi bạn bè quốc tế đến và tìm hiểu về tuổi thơ vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam.

“Chắc chắn không thể thu tiền vé du khách khi đến quê Bác, nhưng họ cũng chỉ dừng 15 – 20 phút tham quan, chụp ảnh. Du lịch như vậy rõ ràng thiếu hấp dẫn và thiếu tính bền vững. Tỉnh đang nghiên cứu làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu của du khách bằng việc tăng thêm các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí ở những khu vực xung quanh”, ông Hiển cho biết.

Đặc sản của Nghệ An không hề ít nhưng lại nằm cách khá xa và ngược đường so với các trung tâm kinh tế, du lịch của tỉnh. Nhiều đoàn đã tìm đến thông qua các chương trình quảng bá ẩm thực song đầu tư chưa tầm cỡ, chuyên nghiệp; còn gặp một số vấn đề như vệ sinh, không gian, hạ tầng… nên chưa hấp dẫn mặc dù đã có sẵn thương hiệu.

Trong khi đó, Cửa Lò được ông Hiển cho biết là một trong hai bãi biển đẹp nhất phía Bắc với nguồn nước mát, sạch, hải sản ngon và rẻ.

Trước đây, tỉnh Nghệ An đã có quy hoạch từng bước để khai thác và phát triển du lịch ở đây nhưng nay đang điều chỉnh quy hoạch và hướng đến việc mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, giúp thay đổi hoàn toàn bộ mặt cho du lịch Cửa Lò nói riêng và Nghệ An nói chung.

Chẳng hạn, Vingroup đã tăng cường sự hiện diện của mình khi tiến vào phố biển Cửa Lò với dự án tổ hợp khách sạn, khu vui chơi giải trí và biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Hội có tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng trên diện tích 38,75ha bao gồm các hạng mục như: Khu biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, khu nhà hàng và nhà đón tiếp bến thuyền cùng một số hạng mục tiện ích khác. Đây được đánh giá là một trong những dự án lớn làm thay đổi khu du lịch Cửa Hội nói riêng và đô thị du lịch Cửa Lò nói chung.

Theo quy hoạch, khu vui chơi giải trí Cửa Hội có quảng trường trung tâm, ga cáp treo và tuyến cáp, khu dịch vụ mua sắm, ẩm thực, khu vui chơi trong nhà, khu công viên trò chơi ngoài trời, khu công viên nước, khu thể thao bãi biển, khu chùa cổ tôn tạo, mở rộng khu vườn thực vật, khu bãi tắm... Ông Hiển cho biết hiện nay đang tiếp tục giao thêm cho Tập đoàn này 1km đất ven biển để đầu tư khu vui chơi giải trí ven biển.

Hiện nay, cảnh quan ở ven biển Cửa Lò đang khá “xấu xí” do mặt biển phía Đông đường Bình Minh còn rất nhiều các ki-ốt bê tông đã được xây dựng từ lâu đời, nay đã trở nên lạc hậu và khá lộn xộn.

Được biết sau khi hết hợp đồng thuê đất 10 năm vào năm 2020, tất cả các ki-ốt này sẽ được giải toả, thay vào đó, mở rộng đường Bình Minh, quy hoạch các điểm nhấn để bãi biển khang trang và đẹp hơn. Các cơ sở lưu trú cũng được đầu tư mạnh hơn với sự xuất hiện của một số khách sạn có chất lượng, nổi bật nhất vẫn là khách sạn 4 sao của Tập đoàn Mường Thanh.

Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án "Phát triển hạ tầng du lịch, hỗ trợ tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng - giai đoạn II" do ADB tài trợ, 5,5 km kè biển và thoát nước dọc đường đi dạo ven biển sẽ được cải tạo, các khu vực giải trí công cộng được cải tạo và không gian chợ cho những người bán hàng ở địa phương cũng được mở rộng nhằm giúp thành phố Cửa Lò thu hút thêm du khách với tiềm năng chi tiêu cao hơn trong suốt cả năm, cũng như tăng khả năng thích ứng biến đổi khí hậu.

Giải pháp để du lịch Cửa Lò không phụ thuộc vào thời tiết

Mặc dù là một địa điểm du lịch chuyên về biển song khách tắm biển cũng chỉ lẹt đẹt khách địa phương, khách nội địa. Ông Hiển nhìn nhận, cần hướng đến tầm cao hơn là khách quốc tế. Khách ngoại đến Cửa Lò có nhưng còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 100.000 người/năm, khách lưu trú qua đêm còn rất ít.

“Lượng khách quốc tế đến Nghệ An có tăng nhưng không đáng kể, mức chi tiêu còn thấp mà nguyên nhân chính là do thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc. Khách đến Nghệ An chủ yếu là khách vãng lai, xem Nghệ An như là điểm dừng chân trên con đường di sản miền Trung”, ông Hiển nhìn nhận.

Để thu hút và giữ chân khách có chi tiêu cao, ông Hiển cho rằng phải đa dạng hơn nữa các sản phẩm du lịch, dịch vụ có chất lượng cao, để khách đến Cửa Lò không nhất thiết phải tắm biển. Để làm được điều đó, chiến lược của tỉnh Nghệ An là thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ.

Tuy nhiên một khó khăn từ trước đến nay của Cửa Lò trong việc thu hút đầu tư lớn là thiếu nguồn đất do đất bị phân lô, bán lô từ trước. 

Vì vậy, những khu vực đất cho thuê có thời hạn ven biển sẽ được gom lại để bàn giao cho các doanh nghiệp phát triển các khu vui chơi giải trí. Đối với các dự án đã đắp chiếu quá lâu, ông Hiển cho biết, Nghệ An có thể sẽ có các phương án xử lý, thậm chí là thu hồi đất.

Ngoài ra, du lịch Cửa Lò hiện vẫn còn mang tính phân mùa do phụ thuộc quá lớn vào thời tiết. Vào mùa mưa và mùa đông hầu như không có khách. Gần đây, tình trạng này cũng đã được cải thiện khi một số hội nghị, hội thảo được tổ chức ở đây, nhiều dịch vụ được nâng cấp, cơ sở vật chất khang trang hơn, các chương trình khuyến mãi mùa đông được áp dụng. Tuy nhiên những điều này vẫn chưa mang lại sự thay đổi đáng kể

Dự kiến, việc thu hút đầu tư phát triển các khu vui chơi, giải trí, các dịch vụ đi kèm sẽ giúp Cửa Lò kéo dài thời gian lưu trú của du khách và hạn chế được tính thời vụ.

Ngoài việc chú trọng đầu tư dịch vụ, cơ sở hạ tầng cho các cơ sở du lịch, việc liên kết các tỉnh, vùng địa lý để tạo hấp dẫn, tránh làm du lịch đơn độc cũng là một chiến lược mà Hiệp hội Du lịch tỉnh Nghệ An đang hướng tới.

Ông Hiển cho biết hiện nay, Nghệ An đang kết hợp với các Hiệp hội du lịch của một số vùng như Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên…tổ chức các tour du lịch 4-5 ngày qua các điểm du lịch theo vùng một cách chặt chẽ, phù hợp với thời gian và sở thích của du khách.

“Du lịch không được nhàm chán, không để du khách ở một chỗ quá lâu. Làm du lịch là không được đơn độc”, ông Hiển chia sẻ.

Theo Sở Du lịch Nghệ An, trong năm 2019 tỉnh Nghệ An phấn đấu đón và phục vụ 6,5 triệu lượt khách du lịch (trong đó khách lưu trú chiếm 4,65 triệu lượt, khách quốc tế có 145 ngàn lượt…) nâng tổng doanh thu từ du lịch đạt 8.600 tỷ đồng (trong đó doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 17,5% so với thực hiện năm 2018).