Giải pháp để 'giữ đất, giữ nước, giữ người' đồng bằng sông Cửu Long

Phạm Sơn - 08:51, 14/03/2021

TheLEADERNâng cao cơ chế liên kết vùng, chú trọng đầu tư có hiệu quả là giải pháp được đại diện các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đề xuất để giải quyết bài toán giữ đất, giữ nước, giữ người.

Giải pháp để 'giữ đất, giữ nước, giữ người' đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long trù phú, màu mỡ nay đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Ảnh: VGP.

Trao đổi với Chính phủ, ông Lê Quân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết, 3 vấn đề hiện đang là thách thức lớn nhất của tỉnh trong quá trình phát triển là giữ đất, giữ nước và giữ người.

Trong đó, giữ đất là phòng, chống sự sạt lở của đất. Hiện tượng này thường xảy ra vào mùa mưa, lượng mưa tăng cao khiến đất dễ lún, sụp, cộng với mực nước dâng cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, sạt lở đã không còn theo mùa mà diễn ra quanh năm, kể cả vào mùa khô, gây ra thiệt hại nặng nề về người và của.

Câu chuyện giữ đất gắn liến với chuyện giữ rừng, nhưng khi nước biển dâng cao, lượng phù sa giảm mạnh, diện tích rừng của tỉnh Cà Mau đang bị suy giảm nhanh chóng.

Giữ nước là để đảm bảo lượng nước ngọt vào mùa khô cũng như giải quyết lượng nước ngọt dư thừa vào mùa mưa. Với địa thể nằm ở ven biển, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt, Cà Mau luôn phải lên phương án hợp lý nhằm điều tiết, tiết kiệm nguồn nước, đảm bảo có đủ nước ngọt vào mùa khô, đồng thời hạn chế tình trạng ngập, úng khi trời chuyển mưa nhiều.

Dân số Cà Mau đạt khoảng 1,2 triệu người, trong đó có 600.000 người đang nằm trong lực lượng lao động. Tuy nhiên, vì thiếu đi cơ hội duy trì sinh kế, khoảng 200.000 người đã phải lựa chọn di cư, làm việc tại các địa phương khác, gây ra sự thiết hụt về lực lượng phục vụ công tác sản xuất, phát triển của tỉnh.

Mặt khác, bài toán giữ người cũng nằm ở việc đảm bảo sự an toàn cho bà con, khi nhiều hộ gia đình đang nằm trong tình trạng bị đe dọa tới sức khỏe, tính mạng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Thực tế, thách thức về chuyện giữ đất, giữ nước, giữ người là điều trăn trở chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng là quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 120 NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

Nỗ lực vươn mình

Trong ký ức của nhiều người, đồng bằng sông Cửu Long bao đời nay vẫn luôn trù phú với đất phù sa màu mỡ, thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, cho ra đời những đồng lúa trĩu nặng bông, thu hoạch chỉ cần lấy tay gạt ngang là đã được đầy cả thúng thóc.

Thế nhưng biến đổi khí hậu đã thay đổi tất cả. Theo ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang, từ năm 2010 các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan với tình trạng sụt lún, sạt lở đất, xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước ngọt canh tác… đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới toàn vùng.

Giải pháp để 'giữ đất, giữ nước, giữ người' ở đồng bằng sông Cửu Long
Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang.

Nhận thức được những thách thức đặt ra cho khu vực, các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long đều nỗ lực hết sức mình trong công cuộc khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu, giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn lực để phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết, trước khi nghị quyết 120 ra đời, hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu vẫn còn mang tính cục bộ, thiếu liên kết và đồng bộ.

Nghị quyết 120 ban hành như một kim chỉ nam cho các địa phương. Cùng với sự nỗ lực vào cuộc của Chính phủ, chính quyền các cấp cũng như doanh nghiệp và người dân, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã từng bước thực hiện các phương án một cách có chiến lược, đem lại nhiều kết quả.

Cụ thể, cơ sở dữ liệu thông tin phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng bước đầu đã được hình thành. Công tác chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng “thuận thiên” cũng được đẩy mạnh. Các đề án, chương trình, quy hoạch đều được lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều dự án trọng điểm cũng đã khởi công, hứa hẹn đóng góp quan trọng vào công cuộc giữ đất, giữ nước và giữ người.

“Để 13 tỉnh cùng nhìn về một hướng”

Giải pháp để 'giữ đất, giữ nước, giữ người' ở đồng bằng sông Cửu Long 1
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang đánh giá, sau 3 năm triển khai nghị quyết 120, nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận. Tuy nhiên, nếu thẳng thắn nhìn nhận, những kết quả đạt được vẫn còn khoảng cách xa so với mục tiêu mà nghị quyết đề ra.

Để có những thay đổi thực chất và hiệu quả hơn nữa, ông Châu đề xuất xây dựng một cơ chế liên kết vùng hiệu quả. Theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, thời gian vừa qua, cơ chế liên kết vùng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn do sự “xung đột lợi ích” giữ các địa phương. Điều này dẫn tới tình trạng phân tán, rời rạc trong nguồn lực, trong khi những vấn đề đặt ra đều vô cùng nan giải và cần sự tập trung nguồn lực cao độ.

“Địa phương nào cũng muốn bứt phá nên xảy ra tình trạng cạnh tranh giữa các địa phương trong khu vực với nhau”, ông Châu nhận xét.

Nâng cao hiệu quả liên kết vùng cũng là đề xuất của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang. Báo cáo với Chính phủ, Bí thư Bình nhận định cần tiếp tục hoàn thiện thể chế hóa, cụ thể hóa quy định của pháp luật trong các vấn đề, đặc biệt là hội đồng vùng. Song song với đó, các địa phương cũng xác định rõ những ngành, lĩnh vực mang tính trọng tâm để có thể phát huy tối đa thế mạnh của từng tỉnh trong liên kết vùng.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cũng cần được chú trọng. Nghị quyết 120 ra đời khi Chương trình đầu tư công 2016 – 2020 đã được thông qua, dẫn tới các dự án trọng điểm đều gặp khó khăn về nguồn vốn, khiến kết quả chưa đạt được như mong muốn, đặc biệt là sự kém phát triển của hạ tầng giao thông.

Phải tập trung đầu tư, bù lại cho cả giai đoạn đầu tư nhỏ giọt trước đây, đầu tư kịp thời cho ba mũi đột phá về hạ tầng giao thông, về thủy lợi và về dân trí!
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang đề nghị trong thời gian tới Chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ đồng bằng sông Cửu Long về nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi và logistics để đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang bổ sung, bên cạnh việc bổ sung nguồn vốn, các phương án đầu tư cũng cần được tính toán kỹ lưỡng để hài hòa lợi ích giữa các địa phương. Đặc biệt, đối với dự án giao thông, đề nghị Bộ Giao thông vận tải đưa ra lộ trình đầu tư cũng như cam kết tiến độ cụ thể, làm cơ sở cho các tỉnh tính toán đầu tư khai thác.

Mặt khác, giáo dục, đào tạo nâng cao nhận thức, tay nghề của người dân cũng cần được chú trọng đầu tư. Đây cũng là một trong ba mũi nhọn đột phá để phát triển vùng mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ra, bên cạnh hạ tầng giao thông và thủy lợi.