Nông nghiệp 'thuận thiên' ở đồng bằng sông Cửu Long

Phạm Sơn - 13:43, 13/03/2021

TheLEADERChuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo quan điểm “thuận thiên” của Nghị quyết 120/NQ-CP là chìa khóa để đảm bảo sinh kế cho đồng bào vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nông nghiệp 'thuận thiên' ở đồng bằng sông Cửu Long
Nông nghiệp thuận theo ông trời đang là cứu cảnh cho bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VGP.

Hạn mặn đã trở thành một nỗi ám ảnh với nhiều bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, gây ra những thiệt hại nặng nề cho mùa màng, đẩy bà con vào tình cảnh khó khăn, điêu đứng.

Điều này gây ra một “nỗi đau”, khi bao thế hệ nông dân, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn ngày ngày canh tác, vẫn đau đáu tìm cách ngăn ngập mặn mà nghèo vẫn hoàn nghèo.

Thế nhưng đối với ông Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn) ở Bạc Liêu, những đợt xâm nhập mặn này không phải là “kẻ thù”, mà còn là sự ưu đãi của ông trời.

“Ngập mặn thì ta nuôi con gì, trồng cây gì chứ đâu phải ngập mặn không trồng lúa được là dân nghèo”, lão nông Sáu Ngoãn cho biết.

Bán hết đàn gia súc, ông Ngoãn gom góp tiền vốn mua đất đào ao, chuyển sang nuôi tôm từ năm 2001. Cứ vừa nuôi vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, đến năm 2003, ao tôm đem đến cho gia đình ông lãi ròng cả tỷ đồng.

Thu được lãi lớn, ông Sáu Ngoãn tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trang trại, đồng thời tích cực chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm cho mọi người, từ những người nông dân chân lấm tay bùn cho tới các chuyên gia, nhà khoa học, bên cạnh việc hỗ trợ sinh kế, giải quyết công ăn việc làm cho người dân trong vùng.

Quan điểm canh tác nông nghiệp thuận theo điều kiện tự nhiên của “vua tôm” Sáu Ngoãn giờ đây không phải là điều mới lạ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Kể từ sau khi nghị quyết 120 được ban hành, việc chuyển đổi cơ cấu canh tác đã trở nên quen thuộc với bà con để ứng phó với “bình thường mới” là biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.

Thuận theo ý trời để phát triển bền vững

Báo cáo về tình hình thực hiện nghị quyết 120, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tinh thần của Nghị quyết nằm ở sự “thuận thiên”, tức là thuận theo ý trời để tổ chức đời sống và sản xuất, qua đó “biến nguy thành cơ”, tạo cơ hội cho sự phát triển bền vững và lâu dài.

Thực hiện tinh thần đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các địa phương đã tích cực phối hợp để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Cụ thể, trước nghị quyết 120, diện tích trồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long đạt 1,82 triệu ha, thủy sản chiếm 860 nghìn ha, cây ăn quả chiếm 385 nghìn ha. Sau 3 năm thực hiện nghị quyết 120, diện tích trồng lúa giảm còn 1,7 triệu ha, diện tích trái cây tăng lên 450 nghìn ha, diện tích thủy sản đạt 900 nghìn ha.

“Chúng ta kết hợp những giải pháp cứng và mềm, chỗ nào đủ ngọt thì trồng lúa, vùng nước lợ, nước mặn thì nuôi trồng thủy sản”, Bộ trưởng Cường cho biết.

Năm 2016, toàn vùng xuất khẩu nông sản đạt 7 tỷ USD, đến năm 2020 đã đạt 8,8 tỷ USD. Con số này chính là minh chứng rõ nét nhất cho thấy hiệu quả của tư duy “thuận thiên” trong canh tác nông nghiệp, cũng như sự nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ, chính quyền và người nông dân để phát triển bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Để thực sự “tháo vòng” kim cô

Là một người con của vùng đất Chín Rồng, GS.TS Võ Tòng Xuân đánh giá rất cao những nỗ lực của nghị quyết 120 trong việc tháo gỡ sự nghèo đói

Thực tế, sự chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của vùng đã diễn ra từ nhiều năm trước khi nghị quyết 120 ra đời, tuy nhiên chỉ là tự phát, manh mún, chưa có sự vào cuộc từ phía Chính phủ. Đến hiện tại, khi Chính phủ, chính quyền các cấp cùng chung tay hỗ trợ, quá trình chuyển đổi ấy đã có những bước tiến rõ rệt, giúp đời sống người dân được cải thiện.

Nông nghiệp 'thuận thiên' ở đồng bằng sông Cửu Long
GS.TS Võ Tòng Xuân phát biểu ý kiến tại hội nghị lần 3 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long sáng ngày 13/3/2021.

Đặc biệt, mô hình lúa – tôm, mùa mưa trồng lúa, mùa khô canh tác tôm để tận dụng lượng nước ngọt, nước mặn theo từng thời điểm trong năm được bà con nông dân cũng như nhiều chuyên gia nông nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao.

“Bà con nói Chính phủ tài tình quá, đã gỡ được cái vòng kim cô về sự nghèo đói của người nông dân”, ông Xuân cho biết.

Tuy nhiên, do thời gian thực hiện nghị quyết chưa lâu, việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp vẫn còn diễn ra lẻ tẻ, tự phát. Bà con nông dân chưa thực sự được hỗ trợ để tiếp cận đầy đủ với khoa học, kỹ thuật, dẫn đến tình trạng canh tác kém hiệu quả, bệnh dịch trên tôm, cây trồng phát tán nhanh, khiến năng suất không đạt được như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, ông Xuân chỉ ra thực trạng bà con nông dân đã chuyển đổi cơ cấu nông sản nhưng vẫn đang gặp khó khăn về đầu ra. Đây là vấn đề mang tính chất cốt lõi để nâng cao hiệu quả sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đem lại cuộc sống thịnh vượng cho người nông dân.

“Làm sao để có đầu ra? Không thể để thương lái hoành hành, cũng không thể nào giải cứu mãi được, mà phải làm thế nào để có được đầu ra ổn định”, chuyên gia nông nghiệp lập luận.

Ông Xuân đề xuất tiến tới xây dựng quy hoạch định hướng về sản phẩm chủ lực cho từng vùng, lấy đó làm cơ sở “kết hợp nông dân với nông dân” thành các hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp có nhà máy chế biến, có thị trường cho nông sản. Những chuỗi liên kết này cần được triển khai bền vững, thay thế cho phương thức phân phối truyền thống như hiện nay.

Việc thay đổi và nâng cao nhận thức, tư duy của người nông dân cũng cần được các cấp chính quyền quan tâm đẩy mạnh, làm sao để bà con sẵn sàng ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật canh tác cũng như sẵn sàng thực hiện dồn điền đổi thửa, sẵn sàng liên kết lại với nhau để nâng cao năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế.