Giải pháp duy trì chuỗi cung ứng trong bối cảnh Covid-19

Phạm Sơn - 13:06, 09/09/2021

TheLEADERThực hiện thống nhất các quy định, hướng dẫn của Chính phủ và ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động là những giải pháp trọng tâm được đề xuất để duy trì chuỗi cung ứng trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Giải pháp duy trì chuỗi cung ứng trong bối cảnh Covid-19
Các địa phương có quy định thiếu nhất quán là nguyên nhân chính dẫn đến tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Ảnh: TNCK.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải cho biết, dịch bệnh đã bùng phát, dẫn đến giãn cách xã hội toàn quốc vào năm 2020, tuy nhiên tại thời điểm đó không xảy ra tình trạng ách tắc giao thông vận tải nghiêm trọng như hiện nay.

Theo ông Ngọc, sự xuất hiện của biến thể Delta khiến dịch bệnh trở nên khó lường hơn bao giờ hết, lại nằm rải rác ở các địa phương. Các tỉnh thành đều lo ngại về tình trạng lây lan dịch bệnh, dẫn đến việc đặt ra những quy định kiểm soát thái quá, gây khó khăn cho công tác lưu thông.

Cụ thể, các tỉnh thành đưa ra những quy định thiếu đồng bộ về việc công nhận xét nghiệm, công nhận giấy đi đường khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện, xảy ra cảnh “đáp ứng tỉnh này nhưng không đáp ứng được tỉnh kia”.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp vận tải cũng chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Một số hiện tượng như sử dụng giấy xét nghiệm giả, hết hạn hoặc làm giấy xét nghiệm qua cò mồi đã xuất hiện, gây ra sự mất niềm tin của đội ngũ kiểm soát lưu thông, khiến tăng cường công tác kiểm tra, tăng thời gian và chi phí phát sinh cho chính doanh nghiệp.

Đồng quan điểm với ông Ngọc, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương nhận xét, các quy định của địa phương còn chưa thấu đáo, chưa dựa trên cơ sở thực tế, tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp.

“Đã có văn bản chỉ đạo nhưng các địa phương có thể do tâm lý lo ngại mà thực hiện chỉ đạo chưa triệt để. Ví dụ như Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo không phân biệt hàng thiết yếu, tuy nhiên nhiều địa phương vẫn đưa ra khái niệm hàng thiết yếu. Hay như chuyện thời gian công nhận giá trị xét nghiệm cũng có sự sai lệch với hướng dẫn của Trung ương. Tất cả những điều này tạo nên sự thiếu thống nhất và gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Hải nhấn mạnh.

Tình hình hiện tại cho thấy, dịch bệnh không thể được kiểm soát trong một sớm một chiều. Để đảm bảo chuỗi cung ứng diễn ra thông suốt, ông Hải đưa ra 4 nhóm giải pháp.

Đầu tiên, theo kinh nghiệm trong thời gian vừa qua, cần có sự thống nhất, đề cao vai trò của hoạt động logistics. Có như vậy, các địa phương khi áp dụng biện pháp chống dịch mới tính đến yếu tố vận hành nền kinh tế, có tính toán để duy trì chuỗi cung ứng.

Thứ hai, cần có kế hoạch khẩn trương để đưa sản xuất phục hồi trở lại. Doanh nghiệp cần căn cứ vào thực tế để đưa ra điều kiện về giãn cách, tiêm vaccine, bố trí quy trình riêng biệt, đảm bảo hoạt động nhưng không làm lây lan đại dịch.

Thứ ba, vận hành linh hoạt, đặc biệt đối những hàng hóa mang tính thiết yếu như thực phẩm, thuốc men. Có thể tham khảo kinh nghiệm các địa phương đang giãn cách để thực hiện những phương án như bán hàng lưu động, bán hàng theo combo…

Cuối cùng, ưu tiên tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho lực lượng lao động trong ngành giao thông vận tải, dịch vụ giao hàng.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Đặng Vũ Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics (VLA) cho biết, VLA đã phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (ban IV) xây dựng mô hình 4 xanh: nhân lực xanh, nơi ở xanh, doanh nghiệp xanh, con đường xanh.

Mô hình này giúp doanh nghiệp ngành logistics duy trì hoạt động theo nguyên tắc an toàn vận hành, an sinh lao động và an tâm y tế. Theo ông Thành, cần phải đẩy mạnh quản lý rủi ro ở các điểm tiếp xúc cao như khu vực xét nghiệm, chốt kiểm soát hay điểm giao nhận hàng, với trọng tâm là nền tảng tiêm chủng vaccine, xét nghiệm Covid-19 và theo dõi sức khỏe.

VLA đề xuất tạo cơ chế cho doanh nghiệp tự xét nghiệm, dưới sự hỗ trợ về đào tạo và trang thiết bị từ cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống dữ liệu, chia sẻ thông tin, tích hợp các thông tin về luồng hàng xanh, GPS phương tiện… qua mã QR.

Đồng thời, quá trình số hoa, cải cách thủ tục hành chính và ưu tiên tiêm vaccine cho lao động toàn ngành logistic cũng là giải pháp cần thiết để duy trì chuỗi cung ứng.