Gian nan tìm lời giải cho bài toán công nghệ xử lý rác thải

Phạm Sơn - 09:35, 10/08/2022

TheLEADERNhiều công nghệ xử lý rác thải tiên tiến đã được áp dụng và đem lại hiệu quả cao tại các nước phát triển, tuy nhiên khó có thể đạt được hiệu quả tương tự tại Việt Nam.

Gian nan tìm lời giải cho bài toán công nghệ xử lý rác thải
Rác thải sinh hoạt ở Việt Nam rất phức tạp do chưa được phân loại tại nguồn. Ảnh: Dân Việt

Nhắc đến chất thải rắn, đa số đều liên tưởng tới vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa. Tuy nhiên, rác thải hữu cơ mới là nỗi lo hiện hữu ngay trước mắt. Chiếm 75% lượng rác sinh hoạt thải ra môi trường, rác thải hữu cơ là nguyên nhân của những vấn đề như mùi hôi thối khó chịu, làm ô nhiễm đất, nước, không khí, đồng thời cũng là nguồn phát sinh và lây lan nhiều loại mầm bệnh và sinh vật có hại.

Thành phần rác thải hữu cơ lớn cũng khiến rác thải sinh hoạt có độ ẩm cao. Cụ thể, độ ẩm của rác thải sinh hoạt ở Việt Nam rơi vào khoảng 60 – 70%, tức là gấp hơn 3 lần so với độ ẩm trung bình tại các nước châu Âu.

Độ ẩm cao làm tăng tính phức tạp cho bài toán xử lý rác thải. Đó là lý do khiến sau hơn 20 năm hợp tác với nhiều doanh nghiệp đến từ châu Âu nhưng Công ty CP Halcom Việt Nam vẫn chưa thể tìm ra công nghệ hữu hiệu nhất để xử lý rác thải tại Việt Nam.

Ông Võ Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Halcom Việt Nam, cho biết, công nghệ rác thải đạt chuẩn về hiệu quả phải đảm bảo yếu tố then chốt là xử lý dứt điểm chứ không được để ô nhiễm dịch chuyển từ nơi này đến nơi khác. Tại Việt Nam, giải pháp phổ biến đang được sử dụng là chôn lấp, rõ ràng chỉ làm “khuất mắt” rác thải nhưng không ngăn được ô nhiễm ngấm vào đất và nước.

Một giải pháp khác đang được phổ biến là ủ phân. Tuy nhiên, theo ông Dũng, phương pháp này cũng chưa phải là phù hợp bởi chưa xử lý được mùi khó chịu, chưa tối ưu được quá trình vận chuyển.

Đốt rác phát điện đang được nhiều địa phương lựa chọn áp dụng nhưng cũng cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả. Rõ ràng đối với thực trạng rác thải có độ ẩm cao như tại Việt Nam, việc đốt rác phát điện đặt ra nhiều câu hỏi về tiêu chuẩn khí thải cũng như hiệu suất vận hành.

Công nghệ xử lý nhiệt plasma mới xuất hiện và đang được nhiều quốc gia chú ý. Công nghệ này có khả năng tiêu hủy triệt để lượng rác thải không được phân loại và có độ ẩm cao ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo GS. Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT, chủ nhân bằng sáng chế về công nghệ plasma xử lý chất thải y tế, công nghệ này vẫn phải cân nhắc đến vấn đề liên quan đến hiệu quả kinh tế và khả năng chuyển giao công nghệ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Cao Trí, Giám đốc phát triển dự án, Công ty Welle Việt Nam, bổ sung, giải pháp cho bài toán rác thải còn cần tính toán đến yếu tố về tài chính. Cụ thể, đối với các dự án xử lý rác thải, phải xem xét đến khả năng ngân sách của địa phương.

Lời giải cho bài toán công nghệ?

Tham gia thảo luận tại tọa đàm Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết, tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế xã hội đang tăng cao. Lượng rác thải phát sinh ngày càng tăng, yêu cầu về môi trường sống cũng ngày càng tăng nhưng các giải pháp tại nguồn như phân loại rác thải vẫn chưa tốt. Điều này tạo ra áp lực rất lớn cho hệ thống quản lý chất thải rắn.

Nói về các công nghệ xử lý rác thải, theo ông Hiền, rất khó có thể tìm ra thứ tối ưu bởi công nghệ nào cũng tồn tại ưu điểm và nhược điểm riêng. Do đó, phải lựa chọn công nghệ sao cho phù hợp với điều kiện thay vì tìm kiếm một giải pháp hoàn hảo.

Bên cạnh đó, để tăng hiệu quả của các giải pháp công nghệ xử lý rác thải, điều kiện tiên quyết là việc phân loại rác thải tại nguồn phải được đảm bảo, đồng thời hạn chế hiện tượng xả rác bừa bãi, tràn lan. Thực tế, đối với mô hình kinh tế tuần hoàn mà Việt Nam hướng đến, những giải pháp mang tính giảm thiểu tại nguồn như hạn chế xả rác, phân loại rác thải là giải pháp được ưu tien hàng đầu.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 mới chính thức có hiệu lực năm nay đã đưa ra các quy định về phân loại rác thải tại nguồn cũng như nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Ông Hiền kỳ vọng, những quy định này khi được thực hiện sẽ giúp thay đổi hiện trạng rác thải, từ đó giúp khâu xử lý đạt hiệu quả cao hơn.

Ông Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, cũng nhận định việc phân loại rác thải tại nguồn là “cốt yếu và căn bản” để xử lý rác thải.

Theo ông Ngọc, trên thực tế, việc phân loại rác thải tại nguồn không phải điều quá mức khó khăn. Nhiều mô hình thí điểm vè phân loại rác thải tại nguồn đã được triển khai và cho thấy những kết quả tích cực, có thể kể đén như chương trình của Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) thực hiện tại xã Liên Hà, Dục Tú và Việt Hùng thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Hướng tới thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn và thực thi công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), một số tổ chức, doanh nghiệp, điển hình như Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cũng đặt việc truyền thông, giáo dục thay đổi nhận thức của người tiêu dùng là mục tiêu tiên quyết.

Theo đó, người tiêu dùng được khuyến khích phân loại rác thải tại nguồn và xử lý sơ (rửa sạch, gấp gọn… ) rác thải có giá trị tái chế để việc thu gom và tái chế rác thải đạt được hiệu quả cao nhất.