Điện rác: Giải pháp hay rủi ro?

Phạm Sơn - 08:51, 21/08/2021

TheLEADERNhiều ý kiến cho rằng điện rác không đem lại giá trị về kinh tế, đồng thời gây ra những thương tổn cho môi trường và xã hội.

Điện rác: Giải pháp hay rủi ro?
Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: VOV

Theo ước tính của Bộ Tài nguyên và môi trường, bình quân mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh lên đến gần 70 nghìn tấn trên toàn quốc và đang có xu hướng không ngừng gia tăng. Trong đó, khoảng 70% lượng rác thải được xử lý bằng cách chôn lấp.

Chất thải rắn phát sinh tạo ra áp lực nặng nề cho cơ sở hạ tầng thu gom, xử lý rác thải, bên cạnh việc hủy hoại môi trường, tác động tiêu cực tới đời sống con người và tổn thương tiến trình phát triển kinh tế, xã hội.

Trước thực trạng đó, đốt rác để thu hồi năng lượng đã được đề xuất như một phương án xử lý hiệu quả chất thải, đem lại giá trị kinh tế. Nhiều tổ chức phát triển đã lên kế hoạch hỗ trợ các quốc gia phát triển điện rác, đặc biệt là tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi phát sinh một lượng lớn rác thải và dự kiến sẽ còn thải nhiều rác hơn nữa, như một hệ quả của tăng trưởng kinh tế.

Giải pháp hay rủi ro?

Vừa qua, Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA) và Liên minh toàn cầu về các giải pháp thay thế lò đốt (GAIA) đã cùng ký tên phản đối kế hoạch đầu tư vào lò đốt rác thu hồi năng lượng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Theo VZWA, các dự án điện rác không khả thi về mặt hiệu quả, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển ở châu Á như Việt Nam. Cụ thể, với thành phần rác thải ướt chiếm đến hơn 50% tổng lượng rác thải sinh hoạt, giá trị nhiệt lượng và hiệu suất thu hồi đối với điện rác sẽ bị giảm đi đáng kể.

Trao đổi với TheLEADER, bà Quách Thị Xuân, điều phối viên của VZWA đặt vấn đề, với hiệu suất năng lượng của điện rác, các nhà máy đốt rác cần phải xử lý ít nhất 1.000 tấn rác mỗi ngày, tương đương với lượng rác thải sinh hoạt trung bình của một thành phố.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20 - 30% rác thải là không thể tái chế được, bắt buộc phải tìm phương án xử lý. Như vậy, nhà máy điện rác sẽ bị lỗ do không thể vận hành với mức công suất, hoặc phải tiêu thụ cả nguồn rác thải có giá trị tái chế, tái sử dụng cao.

Bên cạnh đó, điện rác còn tạo ra lượng phát thải nhà kính. Bà Xuân cho biết, rác thải nếu đốt sẽ tạo ra tro bay, bụi mịn và các khí độc hại, đặc biệt là trong giai đoạn khởi động, tắt hoặc nhà máy gặp sự cố. Mặt khác, sau khi đốt, phần tro xỉ còn sót lại cũng trở thành rác thải nguy hại và khó xử lý triệt để.

Điện rác: Giải pháp hay rủi ro?
Tro xỉ sau khi đốt rác khó có thể được xử lý triệt để. Ảnh: TTXVN.

Không đem lại lợi ích về kinh tế và môi trường, điện rác còn gây ra những thương tổn mang tính xã hội. Theo báo cáo của GAIA, điện rác là phương thức xử lý rác thải tạo ra ít việc làm nhất so với các phương pháp như xử lý hữu cơ, tái chế, tái sản xuất hay sửa chữa đồ cũ.

Những ô nhiễm mà lò đốt rác gây ra, về lâu dài cũng tạo ra những tác hại mà đối tượng chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất chính là khu vực dân cư sinh sống trong khu vực xử lý rác thải và cộng đồng có thu nhập thấp.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang vận hành hệ thống nhà máy điện rác, tuy nhiên các quốc gia này không phủ nhận những bất cập của phương thức xử lý đốt rác để thu hồi năng lượng.

Tại Singapore, 4 nhà máy điện rác chịu trách nhiệm xử lý tới 37% tổng lượng rác thải nhưng chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu điện năng cho toàn đất nước. Bộ Môi trường và bền vững Singapore đã phải tuyên bố đốt rác không phải là giải pháp bền vững và quyết định ngừng xây các nhà máy điện rác mới. Tại Mỹ, đốt rác cũng được nhận định là phương thức tạo ra năng lượng đắt đỏ nhất.

Giải pháp nào cho chất thải rắn sinh hoạt

Điện rác: Giải pháp hay rủi ro? 1
Người dân Đông Anh thực hành xử lý rác sinh hoạt tại nhà. Ảnh: Live & Learn.

Do lượng chất thải rắn phát sinh ngày càng cao, gây ra những ảnh hưởng tới đời sống, người dân huyện Đông Anh, Hà Nội cho rằng cần có một nhà máy đốt rác để hạn chế lượng rác thải. Tuy nhiên, một dự án dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) đã giúp người dân thay đổi suy nghĩ này.

Cụ thể, dự án Giảm rác thải cộng đồng được thí điểm tại 3 xã là Liên Hà, Dục Tú và Việt Hùng thuộc huyện Đông Anh từ tháng 2/2021. Chỉ sau khoảng 1 tháng, các hộ gia đình tham gia đã giảm thiểu được 73% khối lượng rác thải phải xử lý tập trung. Trong đó, ủ rác hữu cơ chiếm 63% và phân loại để tái chế chiếm 10% khối lượng.

Như vậy, bài toán quá tải, ùn ứ ở bãi rác tập trung gây ô nhiễm môi trường đã được giải quyết mà không cần đến sự xuất hiện của nhà máy điện rác.

Bà Xuân cho biết, giải pháp tối ưu cho quản lý chất thải rắn là giảm thiểu xả thải, thông qua việc từ chối, giảm thiểu sử dụng khi không cần thiết, thiết kế lại sản phẩm để tránh phát sinh rác thải và tái sử dụng.

Đối với lượng rác thải phát sinh sau sử dụng, cần ưu tiên tái chế trở thành đầu vào cho sản xuất, sau đó mới tính đến phương án chôn lấp hoặc đốt, tuy nhiên “tốt nhất là không đốt”.

Giải pháp đối với chất thải rắn theo thứ tự ưu tiên là hạn chế, tái chế, sau đó mới đến chôn lấp hoặc đốt nhưng tốt nhất là không đốt rác thải.
Quách Thị Xuân
Điều phối viên Liên minh Không rác Việt Nam

Để xử lý những rác thải không có giá trị tái chế, VZWA và GAIA đề xuất nên sử dụng biện pháp tạm thời là chôn lấp. Chi phí đầu tư cho điện rác nên chuyển đổi mục đích sử dụng sang hỗ trợ phát triển hệ thống tái chế, xử lý ủ phân vi sinh và đầu tư nghiên cứu tìm ra những giải pháp tiên tiến hơn.

“Giải pháp hữu hiệu đối với rác không thể tái chế là giảm thiểu. Hiện nay Việt Nam đang có nhiều chính sách như công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); hạn chế đồ nhựa dùng một lần… qua đó lượng rác thải không thể tái chế sẽ ngày càng giảm”, bà Xuân nhận định.