Giáo dục nào khuyến khích sự tự tin của con trẻ?

Xuân Lộc - 12:42, 21/11/2020

TheLEADERRiverside School tọa lạc ở thành phố Ahmedabad, quê hương của nhà xã hội học Mahatma Gandhi – người nổi tiếng với câu nói: “Nếu bạn muốn thế giới thay đổi như thế nào thì trước hết bạn hãy thay đổi như thế ấy”.

Giáo dục nào khuyến khích sự tự tin của con trẻ?
Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà sáng lập kiêm CEO chuỗi trường ngoại khóa Tomato Childrens Home.

Tư duy kiến tạo (thinking design) đã được biết đến từ phong trào Design for Change (Kiến tạo để thay đổi) mà Nguyễn Thúy Uyên Phương đưa về Việt Nam từ mấy năm trước. Trẻ em sẽ tham gia đóng góp sáng kiến và thực hiện các dự án cộng đồng của Design for Change, bằng tư duy kiến tạo. Nhưng phương pháp tư duy này, mà nền tảng của nó là sự tử tế, không thể chỉ xây dựng qua một vài dự án. Vậy nên, ICS (I can school) đã ra đời vào năm học 2020, trở thành ngôi trường kiến tạo đầu tiên tại Việt Nam.

Muốn tư duy kiến tạo cần năng lực tử tế

Sự có mặt của bà Kiran Bir Sethi, người khởi xướng phong trào Design for Change, trong ngày ICS khai giảng là một vinh dự hiếm có. Bà Kiran là người sáng lập Riverside School – mô hình giáo dục tiến bộ trên thế giới mà Uyên Phương đến tìm hiểu từ ba năm trước. 

“Trong điều kiện đất nước Ấn Độ với tình trạng đói nghèo và thất học còn phổ biến, bà Kiran vẫn xây dựng được mô hình trường tiến bộ, được các nhà làm giáo dục nổi tiếng thế giới biết đến. Tôi cũng muốn xây dựng ngôi trường như vậy, để các em nhỏ vẫn thụ hưởng một nền giáo dục tốt nhưng với chi phí không quá cao”, Uyên Phương chia sẻ.

Riverside School tọa lạc ở thành phố Ahmedabad, quê hương của nhà xã hội học Mahatma Gandhi – người nổi tiếng với câu nói: “Nếu bạn muốn thế giới thay đổi như thế nào thì trước hết bạn hãy thay đổi như thế ấy”. Bà Kran vốn chỉ là một người mẹ bình thường, không phải là một doanh nhân hay một nhà giáo dục. Trước khi mở trường Riverside School, con của bà cũng đi học trường công như bao đứa trẻ khác. Sau nhiều tháng không thấy nhà trường thông báo tình hình học tập của con, bà lo lắng tìm đến trường. 

Khi nghe người phụ trách hỏi: “Mã số học sinh con cô là gì?”, Kiran cảm thấy thất vọng vô cùng. Lẽ nào, đối với các thầy cô, con của bà chỉ là một mã số không hơn không kém? Trẻ con là những cá thể có tâm hồn, cá tính, sao lại chỉ được xem như những con số vô hồn? Và bà Kiran quyết định xây dựng một ngôi trường hoàn toàn khác cho con mình và những đứa trẻ trong làng.

Riverside School do bà Kiran sáng lập là ngôi trường tôn trọng từng đứa trẻ bởi đó là những cá thể độc lập. Học sinh được nuôi dưỡng trong tình yêu thương, đồng thời học theo phương pháp tư duy kiến tạo, với bốn bước cơ bản:

Thứ nhất, Feel (Cảm nhận): Khả năng quan sát, lắng nghe, đánh giá những vấn đề cần giải quyết xung quanh mình; 

Thứ hai, Imagine (Tưởng tượng): Phát huy trí tưởng tượng và sự sáng tạo để tìm giải pháp phù hợp;

Thứ ba, Do (Hành động): Bắt tay thực hiện với tư duy phản biện, tinh thần dấn thân và sẵn sàng học hỏi từ thất bại để đi đến thành công:

Thứ tư, Share (Chia sẻ): Phát triển kỹ năng hợp tác, chia sẻ, kết nối và tạo ảnh hưởng để cùng nhau tạo ra những giá trị lớn hơn.

Nhưng muốn thực hành tư duy thiết kế, đứa trẻ cần có năng lực tử tế rất lớn. Bởi vì, trước khi muốn làm gì để thay đổi thế giới, đứa trẻ cần có sự điềm tĩnh, lắng nghe và thấu cảm từ bên trong. 

Cụ thể, năng lực tử tế cần ba yếu tố chính gồm thứ nhất là sự đồng cảm với người khác, đặt mình vào vị trí người khác để hiểu vấn đề họ đang gặp phải, thứ hai là khát khao muốn làm cho người khác trở nên hạnh phúc hơn, thứ ba là thiện tính ở bên trong thôi thúc họ có hành động. 

“Tử tế là những biểu hiện, hành vi được bộc lộ trong quá trình tương tác giữa tính cách, văn hóa với môi trường bên ngoài. Trong quá trình trưởng thành, đứa trẻ có thể được khơi dậy sự tử tế hoặc trở nên thờ ơ, vô cảm. Vì vậy, việc gầy dựng một môi trường để phát triển con người tử tế bên trong con trẻ rất quan trọng. Cần một ngôi làng để nuôi dạy đứa trẻ tử tế là vậy”, Uyên Phương nói. 

Giáo dục nào khuyến khích sự tự tin của con trẻ?
ISC là một thí điểm tiên phong cho mô hình trường kiến tạo.

Chính vì lẽ đó, Riverside School gắn hành động tử tế vào các các môn học cũng như mọi hoạt động trong nhà trường. Chẳng hạn như trẻ con được học theo dự án, làm các sản phẩm handmade tặng người khác hoặc bán để gây quỹ từ thiện…

Tư duy thiết kế tại Riverside School không chỉ dừng lại trong ngôi trường của mình, đã phát triển thành phong trào Design for change, nhằm giải quyết các vấn đề xã hội cộng đồng xung quanh trẻ em. Phong trào này thành công vượt ra khỏi biên giới Ấn Độ, lan rộng trên toàn cầu, đến nay có mặt hơn 60 quốc gia và ảnh hưởng hơn 2 triệu học sinh trẻ em trên thế giới.

Hạt nhân của mạng lưới trường kiến tạo tại Việt Nam

“Các mô hình giáo dục hay trên thị trường không thiếu, nhưng việc ứng dụng hay nhân rộng trong thực tế lại không dễ dàng, vì không phù hợp với văn hóa và điều kiện Việt Nam. Nếu nhìn một cách thấu đáo, thì các mô hình tiến bộ trên thế giới không dễ hòa vào “nhịp thở” giáo dục Việt Nam. Vậy triết lý giáo dục nào có thể ứng dụng một cách hài hòa với văn hóa và điều kiện của Việt Nam? Và, là làm thế nào để tạo giáo dục tốt với chi phí vừa phải, phù hợp với mọi gia đình trung lưu? Riverside School là nơi tôi phải đến để trả lời cho các câu hỏi trên”, Uyên Phương nói.

Chị nhận thấy rằng Ấn Độ không hơn Việt Nam về điều kiện kinh tế, thậm chí tỷ lệ đói nghèo và thất học còn xếp trên Việt Nam, nhưng họ vẫn xây dựng ngôi trường nổi tiếng, được các nhà giáo dục trên thế giới ghi nhận. Ông Howard Gardner, cha đẻ của học thuyết 'Đa trí thông minh' phải trực tiếp đến thăm. Đại học Harvard đánh giá đây là mô hình giáo dục thành công đặc biệt cần nghiên cứu.

ICS ra đời nhằm mang đến cho trẻ một môi trường giáo dục hạnh phúc, bất chấp bối cảnh xã hội còn nhiều bất cập như hiện nay. Một ngôi trường mà thầy cô được hỗ trợ để giảng dạy hiệu quả, được tiếp sức về tinh thần. Còn trẻ con được tôn trọng giá trị riêng biệt với những tiềm năng cá nhân và trang bị để thích ứng với đời sống xã hội, sự tự tin cho tương lai với tư duy kiến tạo - “every child can – mỗi đứa trẻ đều có thể”.

Nếu như ở lứa tuổi mầm non, trẻ con cần được ứng dụng triết lý đa trí thông minh của Howard Gardner để khám phá năng lực bản thân, trở nên tự tin và mạnh dạn hơn trong cuộc sống. Thì ở lứa tuổi tiểu học, khi trẻ đã ít nhiều nhận dạng được thiên hướng của mình, thì con cần được khuyến khích “con có thể” để bộc lộ và phát triển những tiềm năng, các giá trị yêu thương, sáng tạo vô tận, và quan trọng nhất là lòng tử tế của mình.

Cũng như tại Riverside School, ICS hướng đến giáo dục lòng tử tế không phải chỉ trong hai, ba tiết học tách rời. Mà tử tế được làm nên từ sự lựa chọn hằng ngày của các bạn nhỏ. “Every schoolday is a charactive moment”, mỗi ngày đến trường đều là một khoảnh khắc rèn luyện nhân cách. Sự tử tế len lỏi trong từng khoảnh khắc, chẳng hạn như con giúp một người nào đó mà không cần ai biết đến để trả ơn, con biết ơn ai đã làm những việc nhỏ cho mình… 

“ISC là một thí điểm tiên phong cho mô hình trường kiến tạo. Chúng tôi sẽ không độc quyền mô hình này mà muốn nhân rộng mạng lưới trường tiểu học có cùng triết lý, để mang đến một môi trường giáo dục hạnh phúc và thành công cho thế hệ trẻ em Việt Nam. Tuy nhiên, việc lựa chọn để chuyển giao mô hình ICS không dễ dàng, bởi chỉ có những người làm giáo dục thật sự tâm huyết, thậm chí không màng lợi nhuận, mới chấp nhận một mô hình mới đầy thử thách mà chúng tôi đang theo đuổi”, bà Uyên Phương chia sẻ.