Góc nhìn của đại sứ Mỹ tại Việt Nam về môi trường kinh doanh qua chỉ số PCI

Đặng Hoa - 15:53, 22/03/2018

TheLEADERTheo ông Daniel J.Kritenbrink, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài cũng rất quan tâm đến năng lực chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh.

Góc nhìn của đại sứ Mỹ tại Việt Nam về môi trường kinh doanh qua chỉ số PCI
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink. Ảnh: Reuters

Các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến ba điều cơ bản khi kinh doanh tại Việt Nam, đó là sự ổn định, khả năng có thể đoán trước được và tính minh bạch công khai. 

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Daniel J.Kritenbrink đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi bên lề buổi công bố chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam 2017 (PCI 2017) sáng ngày 22/3/2018.

Ông Kritenbrink đánh giá, môi trường kinh doanh cấp địa phương Việt Nam ngày càng được cải thiện đáng kể theo thời gian. Đặc biệt, khả năng điều hành kinh tế đang ngày càng hiệu quả, sự lạc quan của cộng đồng kinh doanh đối với nền kinh tế tại Việt Nam đang dần tăng lên, nhờ đó tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Đại sý Mỹ cũng đánh giá những chỉ số về tham nhũng cũng đang có dấu hiệu giảm bớt.

Nhận xét của đại sứ Mỹ dựa trên báo cáo PCI 2017 công bố sáng nay cho thấy lãnh đạo chính quyền Việt Nam đã rất quyết liệt trong hoạt động chống tham nhũng trong hai năm qua, thể hiện qua một loạt các dự án tham nhũng lớn được điều tra, xét xử.

Báo cáo cũng cho biết, sau nhiều năm liên tục tăng, thì năm 2017 ghi nhận có sự giảm đáng kể ở 3 chỉ tiêu đo lường về tham nhũng:

- Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng việc chi trả chi phí không chính thức là phổ biến; 

- Tỷ lệ phần trăm trong tổng thu nhập mà doanh nghiệp phải bỏ ra hàng năm để chi các khoản không chính thức cho cán bộ nhà nước;

- Chi trả “hoa hồng” (chi phí không chính thức) là điều bắt buộc để đảm bảo trúng thầu.

Đại sứ Mỹ nhận xét, điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ giai đoạn khởi đầu của báo cáo PCI từ năm 2005 đến nay và nhìn chung gần như tất cả các tỉnh thành đều có điểm số tăng lên, trong đó ông nhấn mạnh ba tỉnh đứng đầu trong bản xếp hạng PCI là Quảng Ninh, Đà Nẵng và Đồng Tháp.

Ông Kritenbrink cho rằng, các tỉnh, thành có vị trí càng cao trong bảng xếp hạng thì càng có chất lượng quản lý và hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, môi trường cạnh tranh lành mạnh và nhận được đánh giá cao từ cộng đồng doanh nghiệp; chính điều này đã mang lại những triển vọng cho sự phát triển kinh tế của các địa phương.

Tuy nhiên, theo bản báo cáo PCI 2017, các doanh nghiệp vẫn còn khá nhiều lo ngại về việc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; đặc biệt là những khó khăn ngày càng tăng trong việc tiếp cận đất đai, mở rộng mặt bằng kinh doanh. Mức độ rủi ro bị thu hồi đất cũng được các doanh nghiệp đánh giá là đang có dấu hiệu tăng lên.

Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự tại các địa phương được bảo đảm nhưng vẫn có một số bộ phận doanh nghiệp lo ngại, đặc biệt đối với tệ nạn trộm cắp tài sản. Điều tra cho thấy trung bình giá trị tài sản bị mất là khoảng 15 triệu đồng; một số doanh nghiệp bị mất mát tài sản có giá trị lên đến 500 triệu đồng.

Chi phí không chính thức tại Việt Nam đã có xu hướng giảm trong những năm gần đây nhưng vẫn còn khá phổ biến trong môi trường kinh doanh.

Mặc dù các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có thể chấp nhận tình trạng này như một phần của cuộc chơi, nhưng tham nhũng có thể là một trở ngại trong việc thu hút các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai. Điều này đặc biệt đúng với những nhà đầu tư đến từ các quốc gia nghiêm cấm các hành vi tham nhũng như Hoa Kỳ và các nước thuộc tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Đây cũng có thể là một trong những lý do khiến số lượng các doanh nghiệp từ các nước phương Tây đến Việt Nam vẫn còn tương đối thấp trong thời gian qua.

Chính vì lẽ đó, ông Kritenbrink cho biết trong thời gian tới, phía Hoa Kỳ, cụ thể là đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ tiếp tục có các hoạt động giao thiệp với Chính phủ Việt Nam để đảm bảo sự ổn định và một môi trường kinh doanh tốt cho các nhà đầu tư.

Theo đó, một trong những mục tiêu quan trọng của ông Kritenbrink trong nhiệm kỳ của mình là nỗ lực tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước; tiếp tục quá trình đối thoại cởi mở đối với Chính phủ và các nhà lãnh đạo Việt Nam nhằm hai mục đích chính.

Thứ nhất là đảm bảo môi trường quan hệ thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển và môi trường đầu tư tại Việt Nam sẽ được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. 

Bên cạnh đó sẽ có các cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp Hoa Kỳ để hiểu được những mối quan tâm của họ đối với thị trường Việt Nam, đảm bảo tiếp tục đầu tư và kinh doanh ổn định tại Việt Nam.

Ông Kritenbrink cho rằng điều này sẽ không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Đánh giá về niềm tin của các doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, ông Kritenbrink cho biết mức độ lạc quan của các doanh nghiệp đang trên đà phục hồi dần kể từ năm 2013. 

Đặc biệt, 52% số doanh nghiệp tham gia điều tra PCI 2017 cho biết họ dự định tăng quy mô hoạt động trong hai năm tới, tăng 4 điểm phần trăm so với năm ngoái.

Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục hoạt động với quy mô hiện tại là 40% trong khi số lượng các doanh nghiệp có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa là rất thấp, chỉ ở mức 8%. Đặc biệt, có tới 60% doanh nghiệp FDI có kế hoạch tăng quy mô hoạt động trong hai năm tới tại Việt Nam.