Golden Gate muốn đưa ẩm thực Việt ra thế giới

Việt Hưng - 22:33, 05/06/2023

TheLEADERÔng Đào Thế Vinh - CEO Golden Gate cho biết, việc đổi tên và logo nhận diện thương hiệu thể hiện quyết tâm của công ty đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới, cũng như mang mô hình ẩm thực quốc tế về Việt Nam.

CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa chính thức đổi tên thành CTCP Tập đoàn Golden Gate và logo nhận diện thương hiệu mới từ ngày 6/6/2023. 

Được biết, đây là lần đầu tiên Golden Gate chủ động thực hiện thay đổi tên và logo nhận diện thương hiệu sau 18 năm thành lập.

Xuất phát điểm từ một startup ẩm thực với khởi đầu là nhà hàng lẩu nấm Ashima năm 2005 tại Hà Nội, đến nay, Golden Gate đã sở hữu hơn 23 thương hiệu cùng hơn 450 nhà hàng trên gần 50 tỉnh thành, phục vụ hơn 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm.

Ông Đào Thế Vinh - CEO Golden Gate cho biết, việc đổi tên và logo nhận diện thương hiệu thể hiện quyết tâm của công ty đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới, cũng như mang mô hình ẩm thực quốc tế về Việt Nam.

"Chúng tôi tin rằng, ẩm thực Việt Nam có tiềm năng lớn và có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế với những giá trị về hương vị đa dạng, nguyên liệu tươi ngon và sự tinh tế trong cách chế biến", ông Vinh nói.

Golden Gate muốn đưa ẩm thực Việt ra thế giới
Golden Gate thay đổi logo nhận diện thương hiệu mới từ ngày 06/06/2023

Tham vọng này trước đó được thể hiện qua nghị quyết công bố đầu tư ra nước ngoài của HĐQT Golden Gate vào tháng 12 năm ngoái, với việc thành lập Công ty Frontline Services Pte. Ltd

Golden Gate gọi đây là dự án 5G, có vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng. Mục đích kinh doanh là tư vấn, nhượng quyền thương mại, vận hành nhà hàng, phân phối thực phẩm, đầu tư hợp tác kinh doanh,...

Năm ngoái, Golden Gate đạt doanh thu 6.965 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2021. Lợi nhuận gộp về bán hàng của Golden Gate cũng tăng lên mức 4.314 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ mức 58% tăng lên 62%.

Trong năm 2022, dù chi phí bán hàng tăng hơn 50% so với cùng kì là 3.118 tỷ đồng, nhưng Golden Gate vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 658 tỷ đồng. Đây được xem là mức lợi nhuận kỉ lục với công ty nếu so sánh với năm 2019 trước khi dịch bệnh Covid bùng phát.

Nhờ đó, tổng tài sản của Golden Gate đã tăng 23% so với năm trước đó. Vay nợ dài hạn của công ty cũng giảm từ 546 tỷ đồng xuống chỉ còn 65 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này cũng cân bằng hơn với tỉ lệ 1:1, trong khi cùng kỳ năm 2021 hệ số D/E là hơn 2 lần.

Kết quả này đến từ một loạt các động thái tiết giảm chi phí, tối ưu quy trình, cũng như thay đổi cơ cấu quản lý các chuỗi nhà hàng. Gần đây nhất, Golden Gate đã cấu trúc lại 39 chi nhánh, nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động.