Hà Nội trong Top 10 thế giới về mức độ bụi mịn cao nhất

Hoài An - 17:16, 25/02/2020

TheLEADERTính trung bình toàn bộ lãnh thổ, Việt Nam đứng thứ 15 thế giới và đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á về mức độ bụi mịn PM2.5.

Hà Nội trong Top 10 thế giới về mức độ bụi mịn cao nhất
Trong khu vực Đông Nam Á, Hà Nội đứng thứ 6 về mức độ bụi mịn trong không khí.

Theo Báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2019 do tổ chức IQAir công bố, Hà Nội có mức độ tập trung bụi mịn (PM2.5) cao thứ 7 trong số các thành phố thủ đô trên thế giới với trung bình 46,9 microgram trong một mét khối không khí (μg/m3), cao gấp nhiều lần mức độ khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Trong khu vực Đông Nam Á, Hà Nội đứng thứ 6 và 5 thành phố đứng đầu đều là của Indonesia. Thành phố thủ đô có mức độ bụi mịn cao nhất thế giới là Delhi của Ấn Độ với trung bình gần 9 μg/m3.

Tính trung bình toàn bộ lãnh thổ, Việt Nam đứng thứ 15 thế giới với mức độ 34,1 μg/m3 và đứng thứ hai tại khu vực, sau Indonesia.

Thời gian qua, nhiều thiết bị đo bụi mịn do các cá nhân và tổ chức tự vận hành đã được đưa vào hoạt động khi mạng lưới trạm quan trắc chất lượng không khí của Chính phủ vốn chỉ có ở Hà Nội và TP.HCM còn khá nhỏ.

Những thiết bị quan trắc này hiện đã nhiều hơn các trạm quan trắc của Chính phủ, làm tăng gấp 3 lần số lượng các điểm quan trắc PM2.5 đang hoạt động trên cả nước.

Với việc công bố dữ liệu thời gian thực, chất lượng không khí đã trở thành vấn đề được thảo luận trên cả nước và Chính phủ đã có những nỗ lực tích cực, bao gồm khuyến cáo đầu tiên về ô nhiễm không khí, trong đó đưa ra hướng dẫn 14 điểm cần thực hiện nhằm hạn chế phơi nhiễm, mở rộng mạng lưới quan trắc và cập nhật hướng dẫn của Tổng cục Môi trường về tính toán và công bố chỉ số chất lượng không khí Việt Nam, báo cáo đánh giá.

Sự phát triển và tốc độ đô thị hoá nhanh của Việt Nam đã đặt ra những thách thức rất lớn trong việc quản lý ô nhiễm PM2.5. Năm 2019, Hà Nội đã vượt qua Bắc Kinh trong bảng xếp hạng các thủ đô trên thế giới và cùng với Jakarta của Indonesia, Hà Nội cũng là thành phố ô nhiễm nhất khu vực Đông Nam Á năm 2019.

Nghiên cứu do các chuyên gia Việt Nam thực hiện cho thấy Việt Nam bị thiệt hại kinh tế từ 10,8 đến 13,2 tỷ USD do ô nhiễm không khí hàng năm, tương đương khoảng 5% GDP của đất nước.

Sự phát triển nhanh cùng với những tiêu chuẩn phát thải thấp của các nhà máy nhiệt điện, phương tiện giao thông và các ngành công nghiệp cùng tỷ trọng ngày càng cao của điện than trong lĩnh vực sản xuất điện năng đang khiến ô nhiễm không khí gia tăng tại các thành phố lớn. Tiêu thụ than của Việt Nam đã tăng gấp đôi và tiêu thụ dầu mỏ cũng tăng 30% trong 5 năm qua.

Tuy vậy, ô nhiễm nghiêm trọng đã thúc đẩy việc sửa luật về môi trường. Sau nhiều đợt ô nhiễm nghiêm trọng ở Hà Nội trong năm 2019, trong đó chính phủ đã khuyến cáo nên ở trong nhà và hạn chế các hoạt động ngoài trời, Bộ Tài nguyên và môi trường đã cam kết sửa đổi luật bảo vệ môi trường được đưa ra từ năm 2014.

Luật bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ được đệ trình vào năm 2020 và sẽ yêu cầu hành động mạnh mẽ hơn trong quản lý chất lượng không khí cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn phát thải từ các nguồn công nghiệp nặng và sản xuất năng lượng.

Trên quy mô toàn cầu, những dữ liệu mới trong báo cáo nhấn mạnh mức độ ô nhiễm không khí tăng cao do các sự kiện biến đổi khí hậu như bão cát, cháy rừng và từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng của các thành phố trong các khu vực như Đông Nam Á.

Trong khi cơ sở hạ tầng giám sát chất lượng không khí trên toàn cầu đã có một số cải thiện thì vẫn còn những lỗ hổng lớn trong việc truy cập dữ liệu trên toàn thế giới.