Hạ tầng giao thông đói vốn

Nguyễn Cảnh - 14:26, 06/06/2021

TheLEADERNguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông chỉ đạt 23% nhu cầu đầu tư giai đoạn 5 năm vừa qua.

Hạ tầng giao thông đói vốn
Vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vẫn tiếp tục thiếu thốn nghiêm trọng.

Dự thảo báo cáo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 do liên danh tư vấn TEDI – CCTDI lập cho thấy nhiều con số đáng chú ý về kết quả huy động vốn và khả năng đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông.

Giai đoạn 2006 – 2018, Bộ Giao thông vận tải đã đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, huy động tối đa các nguồn lực để tạo đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng (KCHT) giao thông. 

Tổng vốn đầu tư xây dựng KCHT giao thông (do trung ương quản lý) không ngừng tăng lên, giai đoạn 2006-2010 đạt khoảng 36.000 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2011-2015 khoảng 75.000 tỷ đồng/năm, riêng trong 2 năm 2016-2017 trung bình khoảng 63.000 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, năm 2018 đầu tư cho KCHT giao thông chỉ còn khoảng 35.400 tỷ đồng, giảm gần 45% so bình quân 2 năm 2016-2017. 

Năm 2019, đầu tư cho KCHT giao thông chỉ còn khoảng 23.930 tỷ đồng, giảm 32% so với năm 2018.

Nhìn chung, giai đoạn 2015-2020, vốn đầu tư cho KCHT giao thông chỉ đạt 23% nhu cầu. Do đó, quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cần thiết có các giải pháp đột phá, cơ chế chính sách để huy động nguồn vốn liên quan.

Về vốn bảo trì đường bộ, từ năm 2013 khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đã được chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng cho ngân sách các cấp trong cân đối cho bồi thường đền bù.

Vốn bảo trì quốc lộ bình quân 5 năm (2013-2017) được cấp khoảng 9.010 tỷ đồng/năm, trung bình tăng khoảng 9,25%/năm. Tuy nhiên, theo thống kê, nguồn quỹ Trung ương chỉ đáp ứng khoảng 44% nhu cầu tối thiểu công tác bảo trì hệ thống đường bộ.

Thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã hoàn thành một số nội dung quan trọng như: Thông xe toàn tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ giai đoạn 2; thông xe hầm Cù Mông thuộc tổ hợp hầm Đèo Cả; thông xe cầu Vàm Cống; khởi công một số đoạn đầu tiên của cao tốc Bắc Nam (Cam Lộ - La Sơn, Cao Bồ - Mai Sơn và cầu Mỹ Thuận 2); trình Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cảng hàng không Long Thành giai đoạn 1….

Dự kiến, đến năm 2030, ngành này sẽ chỉ chủ yếu tập trung đầu tư vào các tuyến cao tốc như: Cao tốc Bắc – Nam phía Đông, các tuyến cao tốc kết nối với Hà Nội và TP.HCM, các tuyến cao tốc kết nối với các khu vực chưa có trục cao tốc kết nối như Tây Bắc, Tây Nguyên hay có mật độ thưa như đồng bằng sông Cửu Long.

Riêng giai đoạn 2021-2025, các dự án ưu tiên đầu tư đáng chú ý có: Cao tốc Bắc – Nam (chiều dài hơn 1.500km, tổng mức đầu tư khoảng 243.800 tỷ đồng), cao tốc Hạ Long – Móng Cái (tuyến Vân Đồn – Móng Cái, chiều dài 80km, tổng mức đầu tư khoảng 12.660 tỷ đồng), cao tốc Lạng Sơn – Cao Bằng (tuyến Đồng Đăng – Trà Lĩnh, chiều dài 75km, tổng mức đầu tư khoảng 10.500 tỷ đồng), cao tốc Dầu Giây – Liên Khương (128km, tổng mức đầu tư khoảng 6.180 tỷ đồng), Biên Hòa – Vũng Tàu (60km, tổng vốn 14.900 tỷ đồng)…