Hai bộ vào cuộc tháo gỡ 4 vướng mắc trong cung ứng hàng hoá mùa dịch

Quỳnh Chi - 19:35, 21/07/2021

TheLEADERHiện tại nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam có thể đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân nhưng vẫn còn bị ách tắc trong vận chuyển, lưu thông, phân phối.

Hai bộ vào cuộc tháo gỡ 4 vướng mắc trong cung ứng hàng hoá mùa dịch
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải kiểm tra các chợ tại TP.HCM

Kết quả kiểm tra ba chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM gồm: chợ An Đông (quận 5), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) và chợ Bình Thới (quận 11) của Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải vào sáng 21/7 cho thấy, trong bối cảnh Covid-19 phức tạp, TP. HCM vẫn có thể đảm bảo hoạt động một số chợ truyền thống, đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu của người dân.

Tuy vậy, đặc điểm của thành phố là các chợ truyền thống và chợ đầu mối trong điều kiện bình thường đáp ứng tới 70% nhu cầu cung cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu không những cho người dân thành phố, mà còn đáp ứng cho nhu cầu của một số địa phương khác.

Khi các chợ truyền thống và chợ đầu mối không hoạt động sẽ tạo áp lực cung ứng lên kênh siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại.

Vì vậy Bộ Công thương đề nghị lãnh đạo UBND TP.HCM cũng như các sở, ban, ngành tiếp tục nghiên cứu và có biện pháp để tạo điều kiện cho các chợ truyền thống mở cửa trở lại, nhằm giảm áp lực phân phối hàng hóa cho các kênh siêu thị và tạo điều kiện cho người dân khi mua hàng.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời gian qua tại thị trường TP.HCM có hiện tượng một số mặt hàng giá cao hơn bình thường và một số mặt hàng chưa đủ cung ứng cho nhu cầu cho người dân. Bộ Công thương đang và sẽ tiếp tục làm việc các bộ, ngành liên quan cũng như các sở ngành của thành phố để tăng nguồn cung, đảm bảo giá cả hợp lý.

“Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 dẫn tới có những nơi thiếu hàng hóa cục bộ và giá cả có thể tăng hơn so với điều kiện bình thường. Bộ Công thương mong người kinh doanh, các hộ tiểu thương và người dân chia sẻ với khó khăn chung này”, ông Hải nhấn mạnh.

Tháo gỡ 4 vướng mắc trong cung ứng hàng hoá mùa dịch
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thăm hỏi động viên tiểu thương chợ An Đông

Trước đó, kết quả buổi làm việc giữa Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam diễn ra ngày 20/7 cho thấy, nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam có thể đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân nhưng vẫn còn bị ách tắc trong vận chuyển, lưu thông, phân phối.

Theo ông Hải, cần làm rõ trách nhiệm, công việc của từng bộ và những việc cụ thể phối hợp giữa hai bộ.

Chẳng hạn, liên quan đến vấn đề nguồn cung hàng hóa cho phía Nam, đại diện của Tổ công tác đặc biệt Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẳng định, tổng lượng hàng hóa cung cấp cho toàn vùng và cho TP.HCM có thể đáp ứng đủ. Tuy nhiên, việc thiếu hay tăng giá cục bộ ở một vài khu vực của địa phương này là có. Do đó, ngành công thương và các cơ quan chức năng liên quan của thành phố cần nhận diện chính xác nhu cầu của địa phương, chủng loại, số lượng...

Bên cạnh đó, ngành công thương cũng cần xác định được các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng, từ đó đưa ra được các giải pháp và sự phối hợp với các ngành liên quan như nông nghiệp, y tế, giao thông vận tải để giải quyết, xử lý. Thêm vào đó, các địa phương đều cho biết đang gặp khó trong khâu vận chuyển và đề xuất các bộ, ngành sớm có giải pháp khắc phục.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, có bốn vấn đề mà hai bộ cần phối hợp giải quyết.

Thứ nhất, do mạng lưới phân phối hàng hóa của TP.HCM đang bị xáo trộn, các chợ đầu mối, chợ truyền thống phải đóng cửa phòng dịch nên dẫn tới hàng nông sản địa phương về thành phố khó khăn.

Vì thế bà Nga cho biết, Bộ Công thương mong muốn Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cung cấp thông tin về những điểm nghẽn cũng như địa điểm mục tiêu cụ thể mà các địa phương muốn đưa hàng về TP.HCM cũng như khu vực tập kết. Từ đó, kiến nghị với UBND TP.HCM và các tỉnh giáp ranh bố trí kho tập kết dã chiến.

Thứ hai, hiện nay các nhà phân phối lớn ở TP.HCM đang thiếu kho trữ và phân phối hàng. Bộ Công thương mong rằng ngành nông nghiệp nếu có kho thì giới thiệu cho ngành công thương để sử dụng cấp bách trong thời điểm hiện nay.

Thứ ba, hiện nay phương tiện để vận tải, vận chuyển hàng hóa cũng bị thiếu hụt. Việc cấp giấy cho các xe tiêu thụ cũng chưa đáp ứng được thực tiễn nên cũng cần sự phối hợp để hỗ trợ các địa phương giải quyết vấn đề này.

Vấn đề thứ tư theo bà Nga, Sở Công thương TP.HCM gần đây có đề xuất tổ công tác báo cáo các bộ ngành để có phương án bảo vệ vùng sản xuất hàng hóa thiết yếu phục vụ cho thành phố. 

Bên cạnh đó, phương án hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân các khâu từ thu hoạch, vận chuyển, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, bố trí các kho bãi tập kết hàng hóa tại các tỉnh thành, tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu…cũng rất cần thiết.

“Địa phương có vai trò hết sức quan trọng, có tính quyết định. Tất cả những việc có thành công không, hiệu quả đến mức nào, đều cần sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của địa phương. Ngoài ra, cần sự vào cuộc, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành khác”, ông Hải nhấn mạnh vai trò của địa phương trong việc đảm bảo vận chuyển, cung ứng hàng hoá trong mùa dịch.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Bộ Công thương trao đổi với TP.HCM để sớm cho phép chợ đầu mối, chợ truyền thống hoạt động trở lại nhằm giải quyết ách tắc về đầu ra cho nông sản tại các địa phương cũng như đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân.