Lưu thông hàng hóa gặp khó khi hàng loạt chợ ở TP.HCM đóng cửa

Nhật Hạ - 17:15, 28/06/2021

TheLEADERDo có ca nhiễm Covid-19, chợ đầu mối Hóc Môn và nhiều chợ truyền thống lớn trên địa bàn TP.HCM đã phải tạm ngưng hoạt động.

Chợ đầu mối Hóc Môn, một trong 3 chợ đầu mối lớn nhất TP.HCM (hai chợ còn lại là chợ Bình Điền và Thủ Đức), đã phải dừng hoạt động trong 7 ngày kể từ 0h hôm nay sau khi ghi nhận 19 ca nhiễm Covid-19 mới và một số ca bệnh có liên quan đến các chợ khác.

Chợ có diện tích 100.000 m2 với 350 sạp, hơn 4.000 tiểu thương, nhân viên. Mỗi ngày có 3.500 - 4.000 con lợn được đưa về chợ, rau củ khoảng gần 2.000 tấn, trái cây khoảng 1.000 tấn.

Trong thời gian đóng cửa, các tiểu thương ở đây được yêu cầu thay đổi hình thức vận chuyển, giao dịch trực tuyến và đưa hàng tận nơi cho khách mà không mua bán trực tiếp tại chợ. Xe hàng có thể đậu xung quanh các khu vực ngoài chợ, giao nhỏ ra từng mối sỉ thay vì tập kết một nơi nhiều như trước.

Đồng thời, công ty quản lý chợ sẽ tập trung thực hiện xịt rửa chợ, phun khử khuẩn và tiến hành tiêm vắc-xin cho toàn bộ thương nhận, cán bộ và nhân viên làm việc tại chợ.

Chính quyền thành phố cũng đã lên phương án điều tiết, phân phối, hỗ trợ tiểu thương sau khi chợ Hóc Môn tạm ngưng để tránh đứt gãy nguồn cung hàng hóa. Các siêu thị, chợ ở thành phố sẽ hỗ trợ bằng cách tăng mạnh nguồn hàng.

Nơi cung cấp 70% hàng hóa, thực phẩm cho TP.HCM, tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), một số khu vực cũng phải tạm ngưng hoạt động để thực hiện khử khuẩn phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Hơn 10 ngày trước, một bốc xếp tại chợ này mắc Covid-19 và đến nay ghi nhận 32 ca nhiễm liên quan.

Hiện các khu vực bán thịt, rau củ quả trong chợ Bình Điền vẫn hoạt động, chỉ tổ chức bán sỉ và cấm người mua bán lẻ vào chợ hoạt động. Chuỗi liên quan chợ Bình Điền đang nằm trong các chuỗi lây nhiễm gây chú ý tại TP.HCM.

Bên cạnh đó, nhiều chợ truyền thống lớn khác trên địa bàn cũng phải dừng hoạt động do liên quan các ca Covid-19 gồm chợ Hòa Hưng (quận 10) và chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) tạm đóng cửa từ ngày 27/6; chợ Nguyễn Tri Phương ngưng hoạt động từ ngày 26/6; chợ Thái Bình, chợ Dân Sinh (quận 1), chợ Phạm Thế Hiển (quận 8), chợ Khu phố 2 (quận Bình Tân)...

Tại chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú), sau khi phát hiện 93 ca nhiễm Covid-19 là tiểu thương, người nhà và người sống gần chợ, chợ đã bị phong tỏa từ ngày 19/6 và hơn 22.000 cư dân sống ở khu vực chợ được lấy mẫu xét nghiệm.

Chuỗi lây nhiễm các tiểu thương chợ Kim Biên phát hiện ngày 16/6 cũng đã được phong tỏa cùng với một phần đường Vũ Chí Hiếu, đường Vạn Tượng, đoạn từ nút giao Trịnh Hoài Đức đến Võ Văn Kiệt.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố chiều 25/6, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết lo ngại nhất hiện nay là các ca nhiễm phát hiện ở chợ truyền thống, chợ đầu mối vì những nơi này mật độ tiếp xúc lớn.

Trước đó, UBND thành phố cũng đã cấm các chợ tự phát hoạt động từ ngày 20/6.

Lưu thông hàng hóa gặp khó khi hàng loạt chợ ở TP.HCM đóng cửa
Các chợ tự phát dừng hoạt động từ ngày 20/6. Ảnh minh họa: Trần Tâm

Hiện tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM vẫn hết sức phức tạp khi trong ngày 24/6 ghi nhận mức kỷ lục tới 667 ca. Tổng số ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM kể từ ngày 27/4 đến nay là 3.374 ca, đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Giang.

“TP.HCM dịch đã đi qua một số chu kỳ lây nhiễm nên việc tìm ra nguồn lây cho nhiều ca nhiễm rất khó khăn. Ca nhiễm tại cộng đồng tiếp tục xuất hiện nhưng không phát hiện được nguồn lây”, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Thành phố đang có gần 40.000 người thực hiện cách ly, trong đó khoảng 12.000 người cách ly tập trung, gần 28.000 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết thành phố đang mở rộng công suất các khu cách ly tập trung tại địa bàn.

11 chuỗi lây nhiễm bị mất dấu F0 bùng phát thời gian qua buộc chính quyền phải nâng cấp độ chống dịch gồm giãn cách xã hội đến cuối tháng 6 và thực hiện Chỉ thị 10 áp dụng riêng cho TP.HCM từ ngày 20/6.

Theo đó, các hoạt động vận tải hành khách gồm taxi truyền thống, taxi công nghệ, xe buýt, xe khách liên tỉnh dừng hoạt động; cấm tuyệt đối chợ tự phát; không tập trung hơn 3 người nơi công cộng; dừng tất cả các cuộc hội họp chưa thật cần thiết...

Từ nay đến 30/6, thời điểm thành phố kết thúc giãn cách xã hội tại TP.HCM, ngành y tế đang huy động tổng lực, phấn đấu lấy 500.000 mẫu mỗi ngày và sẽ được triển khai ở 5 quận huyện nhiều ca nhiễm nhất là Tân Phú, Hóc Môn, Quận 8, Bình Tân, Bình Chánh.

Hơn 3.000 bệnh nhân Covid-19 khiến áp lực về cơ sở điều trị tăng cao. Hai ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM được trưng dụng, chuyển thành bệnh viện dã chiến 5.000 giường. Ngành y tế thành phố đã lên phương án 10.000 giường điều trị, theo yêu cầu của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn.

Không chỉ tại các chợ truyền thống, dịch đã xâm nhập nhiều nhà máy đông công nhân ở TP.HCM như Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (56.000 lao động), Công ty Việt Nam Samho (10.000 công nhân)... Nhà máy của Công ty cổ phần thực phẩm Trung Sơn đến nay phát hiện 27 ca nhiễm, 800 công nhân được cách ly tập trung.

TP.HCM hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động với 280.000 công nhân, 3.000 chuyên gia nước ngoài.

Theo thông tin từ Liên đoàn lao động TP.HCM, 369 trường hợp công nhân, lao động trên địa bàn hành phố đã mắc Covid-19 và gần 4.500 công nhân là F1 phải cách ly tập trung, hơn 13.000 người cách ly ở nhà và nơi cư trú. Số lao động này phải tạm nghỉ việc, chờ kết quả xét nghiệm, lấy mẫu.

Cùng với TP.HCM, các địa phương phía Nam cũng đang căng mình chống đợt dịch phức tạp nhất từ trước đến nay gồm Tây Ninh, Phú Yên, Bình Thuận, Bình Dương, Tiền Giang.

Trong đó, Bình Dương là điểm nóng thứ 2 tại khu vực phía Nam khi số ca nhiễm gia tăng rất nhanh với ghi nhận 249 ca trong đợt dịch thứ 4 tính đến trưa ngày 28/4. Tỉnh có số lượng rất lớn doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động, 29 khu công nghiệp với khoảng 500 nghìn lao động, có nhiều khu nhà trọ đan xen các nhà máy, xí nghiệp, nguy cơ cao dịch bệnh xâm nhập, lây lan vào doanh nghiệp.

Theo Liên đoàn lao động Bình Dương, tính đến ngày 22/6, 80 công nhân ở địa bàn nhiễm Covid-19, 171 doanh nghiệp, nhà máy bị ảnh hưởng bởi dịch. Điều này khiến hơn 5.200 công nhân gồm 600 F1, 3.200 F2 và 1.400 lao động trong khu vực phong toả phải tạm nghỉ việc.

Khu vực Nam Trung Bộ, Quảng Ngãi sáng 26/6 phát hiện 12 ca dương tính mới, chấm dứt gần hai tháng địa phương không ghi nhận ca mắc.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tròn hai tháng bùng phát, làn sóng Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam đã lan rộng 48 tỉnh thành, cả nước hơn 12.500 ca nhiễm tính đến trưa ngày 28/6. Bắc Giang nhiều nhất 5.644 bệnh nhân, TP.HCM 3.374 ca nhiễm, Bình Dương 294, Đà Nẵng 240, Nghệ An 78, Hòa Bình 12.

Trong đó, số ca nhiễm tại Nghệ An tăng cao, vượt qua Tiền Giang và Hưng Yên, xếp vị trí 10.

14 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới gồm Bạc Liêu, Đăk Lăk, Điện Biên, Hải Dương, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Trị, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái.

10 tỉnh đã qua 30 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới gồm Bạc Liêu, Điện Biên, Ninh Bình, Quảng Trị, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Yên Bái.