Hãng hàng không 100 tuổi xin phá sản vì Covid-19

Thùy Dung - 13:34, 11/05/2020

TheLEADERAvianca, hãng hàng không lớn thứ hai khu vực Mỹ Latinh, mới đây đã nộp đơn xin phá sản sau khi các lệnh cấm du lịch tại khu vực này buộc hãng phải tạm dừng đội bay.

Avianca Holdings SA đã buộc phải xin phá sản sau khi không thể đáp ứng được thời hạn thanh toán trái phiếu và dần vô vọng trong việc xin viện trợ từ chính phủ Colombia, theo Reuters.

Nếu không thể thoát ra khỏi tình trạng hiện nay, Avianca sẽ là một trong những hãng vận tải lớn và lâu đời nhất thế giới sụp đổ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hãng hàng không này đã không thể khai thác bất cứ chuyến bay nào theo lịch trình trước đó kể từ cuối tháng 3 và hầu hết nhân viên trong số 20.000 nhân viên đã phải nghỉ việc mà không được trả lương trong suốt cuộc khủng hoảng Covid-19.

Ông Anko van der Werff, Giám đốc điều hành Avianca, trong thông cáo báo chí cho biết hãng hàng không này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử 100 năm.

Mặc dù Avianca đã suy yếu một phần trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, động thái nộp đơn mới nhất càng làm rõ thêm thách thức của các hãng hàng không giữa khủng hoảng nếu như không có sự giải cứu từ nhà nước. Hiện Avianca vẫn kỳ vọng vào một gói cứu trợ từ chính phủ.

Hãng hàng không lâu đời thứ hai thế giới này đã rơi vào cảnh nợ nần dù cố gắng cơ cấu lại các khoản nợ vào năm ngoái. Tính đến cuối năm 2019, Avianca đã nợ khoảng 7,3 tỷ USD. Theo Bloomberg, thông tin từ giấy tờ nộp lên tòa án New York cho biết Avianca liệt kê mức phải trả là 10 tỷ USD.

Trước Avianca Holdings, hãng hàng không lớn của Úc là Virgin Australia đã buộc phải chuyển quyền tiếp quản cho đơn vị khác vào tháng 4 do thu nhập không đủ chi trả gánh nặng nợ nần trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn

Cụ thể, đơn vị tư vấn tài chính Deloitte sẽ tiếp quản hãng bay này trong nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra giữa bối cảnh Virgin Australia chưa thể tìm được sự hỗ trợ tài chính từ các bên, bao gồm cả chính phủ Úc, nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử hãng hàng không.

Hãng hàng không nội địa lớn nhất nước Anh FlyBe đã sụp đổ vào tháng 3 do không thể chống trọi với những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.

Trong khi đó, hàng loạt hãng hàng không lớn khác như United Airlines hay Qatar Airways đã buộc phải cắt giảm số lượng nhân viên, cho nghỉ không lương nhiều ngày vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nhiều hãng hàng không quốc tế đang nỗ lực tìm biện pháp để cải thiện dòng tiền. Lufthansa (Đức), Emirates (UAE) đến Singapore Airlines đều đang xúc tiến các khoản vay hàng tỷ USD để cầm cự.