Hàng không Việt Nam phục hồi chưa thực chất

An Chi - 20:00, 14/08/2022

TheLEADERMặc dù đã có những tín hiệu phục hồi tích cực, song ngành hàng không vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nan giải.

Hàng không Việt Nam phục hồi chưa thực chất
Ngoại trừ Vietjet Air, 4 hãng hàng không trong nước vẫn đang ghi nhận các khoản lỗ

Thị trường hàng không Việt Nam đang trên đà phục hồi, nhưng theo ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, quá trình phục hồi này chưa thực sự bền vững.

Minh chứng là ngành hàng không tăng trưởng chưa đồng đều ở các phân khúc. Trong khi thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bệnh bùng phát, thì thị trường quốc tế phục hồi rất chậm. Vận chuyển hành khách trong nước đã tăng 12% so với năm 2019. Vận chuyển hàng hoá quốc tế tăng nhưng nội địa lại giảm.

Đáng chú ý, ngành hàng không phục hồi nhưng doanh thu và lợi nhuận của các hãng lại không tăng tương ứng. Theo thống kê của Cục Hàng không, 6 tháng đầu năm nay, tổng lượt khách vận chuyển hàng không đạt 23,3 triệu lượt, tăng 74,2% so cùng kỳ năm 2021 và bằng 60% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thị trường nội địa đạt 20,8 triệu lượt khách, tăng 58,4% so cùng kỳ năm trước và tăng 12% so cùng kỳ năm 2019.

Với hoạt động vận tải hàng hóa, tổng thị trường ghi nhận 651.000 tấn trong nửa năm qua, tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2021 và tăng 7% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thị trường nội địa đạt 146.000 tấn, tăng 3,6% so cùng kỳ năm trước nhưng giảm 29% so cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù ngành đã có những tín hiệu phục hồi tích cực, song ngoại trừ Vietjet Air, 4 hãng hàng không trong nước vẫn ghi nhận các khoản lỗ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines có doanh thu đạt 29.944 tỷ đồng, tăng 114% so với cùng kỳ. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế của hãng vẫn báo số âm hơn 5.118 tỷ. Điểm tích cực là mức lỗ này đã thấp hơn gần 40% so với giai đoạn nửa đầu năm 2021.

Thông tin tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn FLC đầu tháng 7, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết doanh thu quý II của hãng đã tăng 50% so với quý I và vượt 30% so với kế hoạch đầu năm. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính mới nhất của tập đoàn này, trong nửa đầu năm 2022, Bamboo Airways ước tính lỗ khoảng 2.100 tỷ đồng, tức gần bằng mức lỗ của cả năm 2021.

Với Vietravel Airlines, công ty mẹ của hãng là Vietravel vẫn lỗ sau thuế gần 7 tỷ đồng dù tình hình kinh doanh đã được cải thiện. Doanh thu của tập đoàn đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ, nhờ sự hồi phục của du lịch, đặc biệt là du lịch nội địa. Sau khi khấu trừ chi phí, công ty này ghi nhận lợi nhuận gộp 132 tỷ đồng so với mức lỗ 95 tỷ đồng quý II năm ngoái.

Sau 2 năm liên tiếp bị âm vốn chủ sở hữu hàng nghìn tỷ đồng, hãng bay Pacific Airlines bị Cục Hàng không cảnh báo nguy cơ không đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động. Hiện tại, hãng không đáp ứng được điều kiện vốn tối thiểu 600 tỷ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không có đội máy bay từ 11 đến 30 chiếc.

Theo số liệu trên báo cáo tài chính, nguyên nhân khiến các hãng hàng không gặp khó là giá nhiên liệu tăng cao và các đường bay quốc tế chưa hoàn toàn trở lại như thời điểm trước dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, các hãng hàng không, các doanh nghiệp cung ứng vận chuyển hành khách vẫn gặp khó khăn, phải giải quyết những vấn đề bất lợi của dịch bệnh để lại, đặc biệt là sự mất cân đối của dòng tiền trong 2 năm dịch bệnh bùng phát.

Mặt khác, những khó khăn, vướng mắc lớn của các doanh nghiệp hàng không hiện nay còn là xung đột giữa các quốc gia trên thế giới. Việc triển khai các đường bay phải điều chỉnh bay vòng, bay xa, tác động tiêu cực đến hoạt động của hàng không.

Nhiều nước vẫn thận trọng trong việc mở cửa bầu trời, đặc biệt là những nước có lượng khách lớn đến với Việt Nam, khiến thị trường hàng không mất một lượng khách lớn, chậm quá trình phục hồi các đường bay quốc tế.

Một yếu tố nữa liên quan đến cơ sở hạ tầng của ngành hàng không dù được tăng cường rất nhiều, nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng, còn những điểm nghẽn về hạ tầng, đặc biệt đối với những sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài. Điều này đã dẫn đến tình trạng chậm, huỷ chuyến bay, gây nhức nhối dư luận trong thời gian gần đây.

Để ngành hàng không phục hồi bền vững

Đưa ra giải pháp giúp phục hồi bền vững ngành hàng không, ông Dũng cho rằng, thứ nhất, các cơ quan nhà nước cần phối hợp, điều tiết quản lý bay, giải quyết triệt để tắc nghẽn ở các sân bay lớn.

Thứ hai, ngành hàng không cần đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng, nâng cấp và mở rộng các sân bay, tạo điều kiện cho các hãng phát triển và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ của ngành trong thời gian tới.

Thứ ba, Chính phủ cần sớm khôi phục lại đẩy mạnh giao thông hàng không với các quốc gia có lượng khách lớn vào Việt Nam, mở rộng thêm những tuyến, đường bay quốc tế, tích cực triển khai các chương trình quảng bá để cải thiện hình ảnh quốc gia, thu hút khách đến Việt Nam.

Thứ tư, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu và điều chỉnh khung giá trần nội địa nội địa cho các hãng hàng không và kiểm soát các hãng mới. Đồng thời, tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, liên quan đến miễn giảm thuế cho các hãng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cũng cho rằng, sau hai năm đại dịch, các doanh nghiệp du lịch, hàng không đã kiệt quệ về tài chính, thiếu hụt nguồn lao động. Trong khi đó, thị trường du lịch sau dịch là thị trường mới hoàn toàn, an toàn hơn, nhanh và ít trạm hơn. Do đó, các doanh nghiệp đang phải thay đổi toàn bộ cấu trúc của doanh nghiệp cũng như cấu trúc của cả ngành.

Trong khi đó, sau dịch, các doanh nghiệp đang đứng trước sức ép về tài chính rất lớn, vừa phải trả nợ cũ đến hạn, vừa phải chuẩn bị vốn đầu tư mới cho tái cấu trúc doanh nghiệp và xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ, vừa phải trả tiền ngay khi đặt dịch vụ để phục vụ khách. 

Mặc dù có những hỗ trợ của Chính phủ với người lao động nhưng quy mô rất nhỏ, không có tác động lớn đến sự thay đổi để phục hồi ngành. Các gói hỗ trợ của Chính phủ chưa được triển khai được đến doanh nghiệp, mức giảm VAT 2% quá ít, các gói giãn và giảm về tài chính tác dụng quá ngắn, gói hỗ trợ 2% cho các doanh nghiệp không tiếp cận được, nhiều rào cản. 

Bên cạnh đó, giá nhiên liệu cao, nhiều thời điểm chiếm trên 60% chi phí của các hãng hàng không. Cơ cấu giá áp dụng về xăng dầu thường chậm sau một tháng, vì vậy, khi giá xăng dầu điều chỉnh, các hãng bay không được hưởng ngay lập tức.

Ông Kỳ kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp về miễn giảm thuế phí, hỗ trợ vốn, giảm lãi suất cho vay nhằm giúp hàng không phục hồi. Ngành hàng không là ngành có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, vì vậy, các biện pháp hỗ trợ cần mạnh mẽ và quyết liệt hơn. 

Mặt khác, chính sách phát triển lực lượng lao động cho ngành hàng không cũng cần được quan tâm đúng mức. Bởi lẽ, sau dịch, đội ngũ lao động có kinh nghiệm và trình độ đã chuyển dịch sang ngành nghề khác, các hãng hiện đang thiếu hụt lao động có tay nghề, gần như phải xây dựng lại để đảm bảo chất lượng dịch vụ đến khách hàng.