Kịch bản phục hồi ngành hàng không Việt

An Chi - 08:15, 30/05/2022

TheLEADERVới kịch bản bi quan, các điều kiện kinh tế, xã hội không thuận lợi, kết quả hoạt động của ngành hàng không sẽ đạt mức cao điểm như trước dịch bệnh vào cuối năm 2024.

Kịch bản phục hồi ngành hàng không Việt
Sự phục hồi của ngành hàng không sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như tăng trưởng kinh tế, mức độ kiểm soát dịch bệnh, sự hỗ trợ của Chính phủ...

Ba kịch bản phục hồi

Khả năng phục hồi của ngành hàng không sau đại dịch đang là chủ đề được nhiều tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia quan tâm. Hiện cũng có những dự báo khác nhau về tái cấu trúc và phục hồi ngành hàng không ở các nước.

Theo IATA dự báo, năm 2022 tổng thị trường hàng không thế giới có thể đạt 83% quy mô từng đạt tới trước dịch (năm 2019). Trong đó nhu cầu thị trường quốc tế chỉ đạt 69% so với năm 2019. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ hồi phục chậm so với các khu vực khác (đạt khoảng 68% quy mô năm 2019), châu Mỹ và châu Âu sẽ phục hồi thuận lợi hơn với khoảng 86 - 94%.

Còn theo hãng Boeing (Mỹ), các đường bay nội địa sẽ hồi phục trước, sau đó là các đường bay trong khu vực và cuối cùng là các đường bay dài hồi phục vào năm 2023 - 2024 theo từng bước dựa trên việc dỡ bỏ hạn chế đi lại, kiểm soát dịch bệnh và mở cửa của các quốc gia.

Hãng Airbus (Pháp) cũng cho rằng, ngành hàng không có thể hồi phục ở những mức độ khác nhau, tùy thuộc nhiều nhân tố, có thể đạt mức trước khi dịch bệnh bùng phát ngay từ cuối 2022 (nếu thuận lợi) hoặc đến tận cuối năm 2024 nếu dịch bệnh không được kiểm soát và bối cảnh kinh tế chính trị xã hội không thuận lợi.

Tương tự, tại Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2022, thị trường nội địa đã gần đạt mức cao điểm trước dịch, tới cuối năm có thể tăng 12% so với năm 2019. Tuy nhiên, thị trường bay quốc tế chỉ đạt gần 7% cùng kỳ năm 2019 và cả năm 2022 có thể chỉ đạt khoảng 1/3 so với năm 2019.

Theo nhiều chuyên gia, sự phục hồi của ngành hàng không sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như tăng trưởng kinh tế, mức độ kiểm soát dịch bệnh, sự hỗ trợ của Chính phủ và tiềm lực vốn có của doanh nghiệp.

TS. Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đưa ra ba dự báo về cácn kịch bản phát triển của ngành hàng không. 

Theo đó, với kịch bản kỳ vọng, kinh tế Việt Nam và thế giới tăng trưởng ở mức thấp, dịch bệnh được kiểm soát, chính sách hạn chế đi lại được gỡ bỏ, các doanh nghiệp hàng không chủ động tái cấu trúc, quảng bá, xúc tiến có hiệu quả đối với thị trường mục tiêu... ngành hàng không sẽ đạt mức cao điểm trước dịch bệnh vào cuối năm 2023. Trong đó vận chuyển hành khách trong nước được phục hồi vào đầu năm 2023, vận chuyển hành khách quốc tế phục hồi vào giữa hoặc cuối năm 2023.

Chuỗi cung ứng của hàng không Việt Nam được khôi phục, hoạt động bình thường trở lại từ giữa hoặc cuối 2022.

Ở kịch bản khả quan, kinh tế Việt Nam và thế giới tăng trưởng ở mức cao, dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, thương mại quốc tế và các chuỗi cung ứng toàn cầu được khôi phục, chính sách của Nhà nước phát huy tốt tác động tích cực tổng hợp tới ngành hàng không. Khi đó, kết quả hoạt động của ngành hàng không sẽ đạt mức cao điểm trước dịch bệnh vào đầu năm 2023. Trong đó vận chuyển hành khách trong nước được phục hồi vào cuối năm 2022, vận chuyển hành khách quốc tế phục hồi vào đầu năm 2023.

Với kịch bản bi quan, các điều kiện không thuận lợi, kết quả hoạt động của ngành hàng không sẽ đạt mức cao điểm trước dịch bệnh vào cuối năm 2024. Trong đó vận chuyển hành khách trong nước được phục hồi vào cuối năm 2023, vận chuyển hành khách quốc tế phục hồi vào giữa hoặc cuối năm 2024.

Còn nhiều cơ hội phát triển

Mặc dù hàng không Việt Nam có nhiều khó khăn và phải đối mặt với những thách thức lớn, song theo ông Nề, vẫn có những cơ hội đáng kể để phục hồi và phát triển.

Theo đó, trước hết, hàng không Việt Nam có thị trường nội địa có tiềm năng và có cơ hội khai thác những thị trường quốc tế có dung lượng lớn. Xu hướng bùng nổ nhu cầu đi lại bằng đường hàng không từ “du lịch phục thù” sau thời gian dãn cách do dịch bệnh có thể giúp các doanh nghiệp hàng không Việt Nam đẩy mạnh hoạt động, từ đó nhanh chóng phục hồi và phát triển. 

Trong kịch bản xấu nhất, hàng không Việt Nam sẽ phục hồi vào cuối năm 2024 1
TS. Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam

Khi hàng không quốc tế chậm phục hồi, hàng không Việt Nam có cơ hội khai thác thị trường trong nước như một bước đệm, giai đoạn “chạy đà” trở lại để mau chóng phục hồi các hoạt động trên thị trường quốc tế khi các dãn cách được xóa bỏ.

Bên cạnh đó, trong khi nhiều hãng hàng không khu vực và trên thế giới bị giải thể, cắt giảm quy mô hoặc chịu tác động trực tiếp bởi các cuộc xung đột ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới, hàng không Việt Nam vẫn bảo toàn được nhiều năng lực cơ bản. Vị thế và năng lực của ngành hàng không Việt Nam đã được kiểm chứng và củng cố qua những nỗ lực của ngành khi thích ứng và vượt qua những thách thức trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ.

Các hãng hàng không Việt Nam đã tạo và củng cố được vị thế, đã được thị trường trong nước, khu vực và quốc tế biết tới và thừa nhận. Hàng không giá rẻ của Việt Nam thậm chí còn được xếp thứ hạng cao trong khu vực.

Nhà nước cũng có những chính sách tích cực nhằm phát triển ngành hàng không ở Việt Nam. Tuy kết quả còn có những điểm chưa đạt kỳ vọng, nhưng việc Nhà nước tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những nỗ lực kiểm soát dịchbệnh, bình thường hóa đời sống kinh tế xã hội đã thực sự tác động tích cực tới hoạt động của ngành hàng không, ông Nề nhận định.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng cho rằng, nhu cầu và cơ hội cho sự phát triển của ngành hàng không là rất lớn. 

Việt Nam có dân số đông, hiện đã tới gần 100 triệu người và có 45 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài gắn bó với đất nước, có hàng trăm nghìn người làm việc, học tập ở nước ngoài. 

Bên cạnh đó, Việt Nam đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có quan hệ ngoại giao với gần 200 nước, quan hệ kinh tế với hơn 100 nước, có khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn (năm 2021, tới 668 tỷ USD, gần gấp 2 lần GDP của đất nước). 

Việt Nam hiện là địa chỉ thu hút đầu tư hấp dẫn của các công ty, tập đoàn kinh tế trên thế giới, đến nay đã thu hút được một lượng vốn đầu tư nước ngoài lớn (cả trực tiếp và gián tiếp, chỉ riêng đầu tư trực tiếp, đến nay có hơn 26.000 dự án đầu tư nước ngoài đang hoạt động, đóng góp hơn 40% GDP). Trong những năm tới, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi, Việt Nam có cơ hội thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn vốn đầu tư nước ngoài. 

Việt Nam cũng có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều bãi biển đẹp, nhiều di sản thiên nhiên, di sản lịch sử, văn hóa được quốc tế công nhận, có nhiều món ăn truyền thống hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Tất cả những điều này tạo ra cơ hội lớn cho ngành hàng không Việt Nam phát triển trong những năm tới.

Minh chứng là trong nhiều năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, ngành hàng không đạt tốc độ tăng trưởng cao, tới hàng chục phần trăm một năm, không ngừng lớn mạnh, có đội bay hiện đại, có uy tín trong khu vực. Năm 2019, năm trước đại dịch Covid-19, hàng không Việt Nam đã vận chuyển hơn 55 triệu lượt hành khách, tăng 11,4% và hơn 435 nghìn tấn hàng hóa, tăng 7,6% so với năm 2018. 

Theo ông Thạo, trên thế giới, nhiều nước đã có nhiều chính sách và gói hỗ trợ tài chính để phục hồi và phát triển ngành hàng không, điều này sẽ tạo ra những thách thức cạnh tranh cần đối với hàng không Việt Nam. 

Trong bối cảnh đó, cùng với sự nỗ lực của bản thân ngành hàng không, nhà nước cần tiếp tục có các chính sách và các gói tài chính hỗ trợ nhanh, kịp thời và mạnh mẽ hơn để hàng không có thể nhanh chóng vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19, nắm bắt được cơ hội để phục hồi và phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.