Hàng loạt tập đoàn lớn rót tiền vào bóng đá

Dũng Phạm - 12:46, 04/11/2023

TheLEADERSau hơn 20 năm lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư và tài trợ, cùng với đó là sự xuất hiện của các ông bầu. Nhưng không phải doanh nhân nào cũng đủ tiềm lực và tâm huyết để theo đuổi đam mê làm bóng đã đến cùng.

Hàng loạt tập đoàn lớn rót tiền vào bóng đá
Câu lạc bộ Công An Hà Nội vô địch VLeague 2023. Ảnh: PVF

Mới đây, LPBank đã công bố hợp tác với Học viện bóng đá HAGL và CLB Bóng đá HAGL, đồng thời, đổi tên học viện và câu lạc bộ này thành Học viện Bóng đá LPBank - Hoàng Anh Gia Lai và CLB Bóng đá LPBank - Hoàng Anh Gia Lai.

Sự kiện này đánh dấu những bước tiến mới trong quan hệ hợp tác giữa một tổ chức tài chính với học viện đào tạo bóng đá và câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp. Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào sức khỏe tài chính của một ông chủ đội bóng, các câu lạc bộ có nền tảng tốt hơn để phát triển chuyên nghiệp với tầm nhìn dài hạn.

Bầu Đức chia sẻ, ông và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã chi 2.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bóng đá trong hơn 20 năm qua và có thể tiếp tục đầu tư trong 10 năm tới. Tuy nhiên ông muốn có thêm nguồn tài chính để đầu tư cho bóng đá lâu dài và đã lựa chọn đồng hành cùng LPBank của Bầu Thụy. Có nhà tài trợ mới, Bầu Đức lập tức đặt mục tiêu vô địch VLeague mùa sau.

Thực tế, việc các doanh nghiệp lớn “rót tiền” tài trợ cho các bóng đá, đặc biệt tại các câu lạc bộ tại VLeague là điều khá quen thuộc đối với các người hâm mộ. Bên cạnh những cái tên quen thuộc như T&T Group, HAGL, Viettel, Becamex...gần đây xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp khác.

Tháng 12/2021, Tập đoàn Hoành Sơn đã mua lại cổ phần Công ty Bóng đá Hồng Lĩnh, qua đó nhận quyền quản lý đội bóng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đang thi đấu tại VLeague.

Hồi đầu năm nay, Hoành Sơn cũng đã tài trợ 2 chiếc xe VAR trị giá 1 triệu USD cho Ban tổ chức VLeague nhằm phục vụ cho việc áp dụng công nghệ mới này trong thời gian tới. Hiện giải đấu chuyên nghiệp của Việt Nam mới có 4 xe VAR để áp dụng cho mỗi vòng đấu.

Một doanh nghiệp khác tại thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh là Công ty Bia rượu và Nước giải khát Sao Vàng (Savabeco) cũng đã trở thành nhà tài trợ chính cho Giải hạng Nhất quốc gia mùa giải 2023/2024, qua đó, giải đấu có tên gọi chính thức là Giải hạng Nhất quốc gia Bia Sao Vàng 2023 – 2024.

Năm ngoái, sau hơn 12 năm với sự đồng hành của Ngân hàng Bắc Á, CLB Sông Lam Nghệ An chính thức có nhà tài trợ mới là Tập đoàn Tân Long - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, được biết đến với thương hiệu gạo A An và “heo ăn chay” BaF Meat với chuỗi giá trị chăn nuôi Feed – Farm – Food.

Tương tự, Tập đoàn Xuân Thiện đã ký kết tài trợ cho CLB Nam Định số tiền tối thiểu 200 tỉ đồng trong vòng 4 năm, chính thức trở thành nhà tài trợ chính cho đội bóng thành Nam và đội bóng được đổi tên thành Thép Xanh Nam Định.

Xuân Thiện là doanh nghiệp đang triển khai đầu tư Dự án tổ hợp sản xuất Thép Xanh và công nghiệp nặng với tổng mức hàng trăm nghìn tỷ đồng tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Một trường hợp khác là CLB Thanh Hóa, từ năm 2021 theo lời kêu gọi của tỉnh Thanh Hóa, Tập đoàn Bất động sản Đông Á đã được UBND tỉnh chấp thuận chọn là đơn vị tiếp nhận CLB Thanh Hóa. Sau đó, đội bóng xứ Thanh đổi tên thành CLB Đông Á Thanh Hóa từ mùa giải 2021 cho tới nay.

Bên cạnh đó, ngày 4/10 vừa qua, Casper Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược và trở thành nhà tài trợ kim cương của đội bóng xứ Thanh trong mùa giải 2023-2024.

Ở phía Nam, CLB TP.HCM cũng vừa ra mắt các bản hợp đồng tài trợ từ ông lớn ngành bất động sản Phú Mỹ Hưng và Massion Sports sau 2 mùa bóng chật vật đua trụ hạng. Con số chi tiết dự đoán vào khoảng 20 tỉ đồng, rất đáng kể chiếu theo khó khăn chung của cả nền kinh tế Việt Nam suốt 2 năm qua.

Năm 2020, Topenland và Hưng Thịnh Land trở thành hai nhà tài trợ chính cho CLB Bình Định trong 3 mùa giải Vleague 2021 – 2023 với tổng kinh phí 300 tỷ đồng, đồng thời, đội bóng miền đất Võ chính thức đổi tên thành CLB Bóng đá Topenland Bình Định.

Tuy nhiên, ở mùa giải gần nhất, đội bóng đã trở về với tên cũ là CLB Bóng đá Quy Nhơn Bình Định. Hiện logo nhà tài trợ trên áo đấu của câu lạc bộ vẫn là dự án Merry Land Quy Nhơn, một dự án của Hưng Thịnh tại Bình Định.

Mới đây, KITA Group cũng xuất hiện trên áo đấu của CLB Hà Nội, đội bóng vô địch VLeague liên tục trong những năm gần đây. Trước KITA Group, Hanoi FC từng có hợp đồng tài trợ áo đấu với Tập đoàn SCG của Thái Lan.

Ở cấp đội giải đấu, Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã trở thành nhà tài trợ chính thức của VLeague với bản hợp đồng tài trợ có thời hạn 3 năm. Theo đó, kể từ VLeague 2022 giải đấu sẽ mang tên Night Wolf V-League 1.

Sau hơn 20 năm lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư và tài trợ, cùng với đó là sự xuất hiện của các ông bầu. Nhưng không phải doanh nhân nào cũng đủ tiềm lực và tâm huyết để theo đuổi đam mê làm bóng đã đến cùng.

Nhiều doanh nghiệp đã phải rút lui sau khi đầu tư lớn vào bóng đá mà không thu lại hiệu quả hay gặp các vấn đề về tài chính khiến ngân sách cho bóng đá không còn rủng rỉnh như trước. Nhưng không thể phủ nhận đầu tư và tài trợ thể thao vẫn là một hình thức quảng cáo đưa ưa thích của các doanh nhân.