Hành động khẩn trương để du lịch đông vui trở lại

Kiều Mai - 08:19, 16/11/2023

TheLEADERMột trong những giải pháp được chỉ ra là tăng cường sự sáng tạo trong các sản phẩm du lịch.

Hành động khẩn trương để du lịch đông vui trở lại
Du lịch là ngành kết hợp với rất nhiều ngành, đặc biệt là kinh tế sáng tạo, kinh tế văn hóa. Ảnh: Hoàng Anh

Chuỗi du lịch vẫn đóng băng nhiều phần

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings, đánh giá, mặc dù ngành du lịch đã có những nỗ lực và kết quả nhất định trong năm 2023, nhưng đây cũng là giai đoạn đầy biến động, thách thức.

Trong đó, hàng không chưa có lợi nhuận và du lịch, khách sạn, nhà hàng hoạt động cầm chừng.

Trước dịch, mỗi ngày Vietjet có tới 40 chuyến bay quốc tế tới Nha Trang, đồng nghĩa khoảng 8.000 phòng khách sạn được lấp đầy. Con số tương tự cũng diễn ra ở Đà Nẵng, Phú Quốc.

Tuy nhiên, những điểm đến nổi bật của Việt Nam từng được vinh danh cũng đang là những nơi đang đóng băng vài chục ngàn phòng khách sạn. Dịch vụ giải trí, nhà hàng đều ngưng trệ. 

“Chúng ta cần hành động khẩn trương để những điểm đến đông vui trở lại”, bà Thảo nhấn mạnh tại hội nghị phát triển du lịch do Thủ tướng chủ trì mới đây.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, cho biết thêm, sau dịch Covid-19 và chính sách mở cửa của Chính phủ, thị trường đã có sự tăng trưởng trở lại, nhưng tăng trưởng vận tải hàng không Việt Nam vẫn đang ở mức thấp.

Đến hết tháng 10/2023, thị trường vận tải hàng không quốc tế đã quay lại 97% so với trước dịch nhưng khu vực châu Á – Thái Bình Dương chỉ mới đạt được mức 73% còn Việt Nam cũng đang ở mức 72%.

Ngoài khách quốc tế, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, du lịch nội địa cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng thời gian qua, nhất là những thời điểm khó khăn. Nhưng du lịch nội địa có lúc bùng lên rồi lại xẹp xuống, như tình trạng diễn ra tại Phú Quốc.

“Chúng ta phải kiểm điểm lại tại sao du lịch đã bùng lên, có lúc rất tốt, tưởng rằng sẽ bứt phá rồi lại suy giảm như vậy? Không chỉ riêng ngành du lịch, mỗi hệ thống có lẽ phải có trách nhiệm với vấn đề này”, ông Thiên nhấn mạnh.

Du lịch là ngành công nghiệp sáng tạo

Bà Ngô Hương, Phó tổng giám đốc Kinh doanh và tiếp thị Vinpearl cho rằng, thiên nhiên tươi đẹp, di sản văn hóa phong phú chưa đủ để Việt Nam trở thành điểm "phải đến" của du khách quốc tế trong khi các đối thủ liên tục đổi mới và sáng tạo.

Do đó, Việt Nam cần kiến tạo những những điểm đến vừa mang bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế cao, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa của ngành du lịch.

Đó chính là xu thế phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với những sản phẩm du lịch sáng tạo, độc đáo, có khả năng thu hút và giữ chân du khách liên tục trong nhiều năm, thậm chí trở thành điểm "phải đến" tại châu Á.

Đồng quan điểm, bà Thảo nhấn mạnh: “Hãy để Việt Nam thành điểm đến của du lịch quốc tế đầy bản sắc về văn hoá, ẩm thực, nghỉ dưỡng”.

Tìm cách làm ‘sống lại’ những điểm đến du lịch 1
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bà khuyến nghị, để tạo điều kiện cho hàng không thu hút nhanh nhất, ngay dịp tháng 12/2023 và đầu năm 2024, cần đưa du lịch, giao thương, đầu tư quốc tế đến Việt Nam, đến tất cả các sân bay quốc tế ngoài TP. HCM, Hà Nội.

Ở trong nước, cần phát động chương trình hành động quốc gia đẩy mạnh du lịch tới các sân bay, các điểm đến địa phương.

“Chúng tôi sẵn sàng đưa ra các sáng kiến phát triển du lịch trên nền tảng giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống Việt Nam và tinh thần sáng tạo của thời đại mới. Cùng với đó, xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia”, bà Thảo khẳng định.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, du lịch là ngành kinh doanh, ngành kiếm tiền rất quan trọng.

“Chúng ta hay nói cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhưng tôi nhấn mạnh đòi hỏi giới chuyên môn của rất nhiều lĩnh vực phải vào cuộc, các nhà văn hóa, kinh tế, kinh doanh, kiến trúc, lịch sử, môi trường, giáo dục, chứ chúng ta không nói chung chung hệ thống chính trị vào cuộc”, ông phân tích.

Du lịch là ngành kinh doanh dịch vụ tinh xảo nhất, tinh tế nhất bởi nó chạm đến trái tim, lấy con người làm trung tâm. Đằng sau đó là cảm nhận, trải nghiệm, hiểu biết, khám phá, tận hưởng và giao hòa của con người.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, sản phẩm du lịch là chân trời sáng tạo vô biên, là sự tổ hợp của rất nhiều thứ, bao gồm quá khứ, hiện tại, tương lai, kinh tế văn hóa, kinh tế sáng tạo, truyền thống lịch sử.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, các sản phẩm du lịch chưa thực sự có trọng tâm, trọng điểm, không có nhiều sản phẩm đặc sắc Việt Nam theo tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Nhiều sản phẩm du lịch được sao chép từ địa phương này sang địa phương khác, từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác dẫn đến chất lượng không cao, thiếu tinh tế, thiếu sáng tạo, thiếu tính bền vững, thiếu bản sắc.

Cùng với đó, Việt Nam chưa có nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc tế, được tổ chức chuyên nghiệp cao, thường xuyên, để trở thành thương hiệu sản phẩm du lịch của Việt Nam.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp du lịch cần phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi du lịch.

Không chỉ vậy, cần đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo; chủ động nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ; tích cực tham gia các chương trình xúc tiến du lịch quốc gia.

Cộng đồng doanh nghiệp du lịch cũng cần đề cao ý thức, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng; tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.