Hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa không biết có Quỹ bảo lãnh tín dụng
Thu Hương
Thứ sáu, 22/09/2017 - 14:15
Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa được lập ra với kỳ vọng rất nhiều, nhưng hiệu quả thực tế chẳng được bao nhiêu.
Chiều 21/9, tại Hà Nội, Hội thảo Nâng cao hiệu quả của các quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) được tổ chức nhằm xác định những nhân tố ảnh hưởng đến các hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng; gọi tên những khó khăn; đồng thời, đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả các quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV.
Với quan điểm cho rằng sức mạnh của mỗi nền kinh tế luôn có sự đóng góp quan trọng của các DNNVV, đối tượng chiếm khoảng 97% số doanh nghiệp, tạo ra 60% việc làm và quan trọng hơn là nguồn động lực cho tăng trưởng, đổi mới, sáng tạo; đồng thời, từ nhận thức DNNVV là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do trình độ công nghệ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của khối doanh nghiệp này nhằm phát huy lợi thế của họ.
Liên tục các chính sách hỗ trợ DNNVV được ra đời và đưa vào thực thi. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hơn 80% chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV không có sự đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động. Thêm nữa, sự phân tán quản lý và thực thi ở nhiều bộ, ngành trong thực thi các chính sách liên quan khiến việc tiếp cận hỗ trợ mang nặng tính xin - cho, doanh nghiệp nhiều khi không có đủ lực để theo đến cùng. Rốt cuộc, những chính sách này không đạt hiệu quả như mong muốn.
Chủ trương thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV ở các địa phương cũng đang nằm trong tình thế đó. Theo TS. Đặng Đức Anh, Trưởng Ban phân tích và dự báo, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, quỹ bảo lãnh tín dụng của Việt Nam trong thời gian qua nhận được rất nhiều kỳ vọng của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp để tiếp thêm động lực, hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn về mặt tài chính. Tuy nhiên, “trên thực tế, hoạt động của các quỹ này chưa đáp ứng được mong mỏi của doanh nghiệp và kỳ vọng của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng”.
Không hiệu quả
Từ năm 2001, khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế thành lập tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, đến nay đã hơn 16 năm trôi qua nhưng số lượng quỹ được thành lập mới chỉ dừng lại ở con số rất khiêm tốn - 27 quỹ.
Quỹ bảo lãnh tín dụng mới bảo lãnh được hơn 4 nghìn tỷ đồng trên tổng số 1,3 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, tương đương 3,2%
Tổng số vốn điều lệ thực có của các quỹ ước khoảng trên 1.462 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách cấp là 1.318,4 tỷ và vốn góp của các tổ chức, cá nhân theo quy định là 143,6 tỷ đồng và mới bảo lãnh được hơn 4.161 tỷ đồng trên tổng số 1,3 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay DNNVV, tương đương 3,2%. Quỹ phải trả nợ thay cho doanh nghiệp 8,6%. Theo số liệu của VCCI, còn có đến 70% DNNVV chưa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng.
Thực tế cho thấy, đơn vị bảo lãnh không muốn bảo lãnh vì sợ rủi ro, đơn vị được bảo lãnh không hứng thú vì phải thoả mãn rất nhiều điều kiện mà nếu đáp ứng được thì họ đã trực tiếp đến vay ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Phương Bắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bắc Ninh, nhiều tỉnh gặp khó khăn trong việc phân bổ ngân sách cho quỹ, nhưng cũng có trường hợp địa phương hoàn toàn có thể cân đối vốn cho quỹ nhưng không mấy ‘mặn mà’, hoặc sau một thời gian hoạt động, quỹ này được sáp nhập với các quỹ khác, hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV không được chú trọng theo đúng tinh thần chủ trương của Chính phủ.
TS. Đặng Đức Anh cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho các quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động kém hiệu quả. Để hạn chế rủi ro, các quỹ đang đặt ra những quy định quá chặt chẽ, yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng, như quy định về tài sản bảo đảm, không khác gì quy định của các ngân hàng. “Nếu doanh nghiệp đã có tài sản bảo đảm rồi thì họ đã tiếp cận với ngân hàng, cần gì các quỹ bảo lãnh nữa? Đó là còn chưa kể đến khi tới yêu cầu bảo lãnh, doanh nghiệp lại phải đáp ứng thêm các yêu cầu khác, phải trả thêm cả phí bảo lãnh”.
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động, chính sách, cách thức hỗ trợ của hình thức bảo lãnh này cũng chưa được chú trọng. Do đó, số doanh nghiệp biết đến các quỹ bảo lãnh tín dụng còn hạn chế.
Công tác phối hợp giữa ngân hàng và các đơn vị nhận bảo lãnh chưa được thông suốt, chưa tạo được mối liên hệ trong trao đổi thông tin, hỗ trợ thực hiện, cũng như chưa tạo được sự tin cậy lẫn nhau.
Làm sao để giảm rủi ro?
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng, TS. Đặng Đức Anh cho rằng, cần chú trọng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông cho doanh nghiệp, để họ biết đến những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Theo TS. Đặng Đức Anh, cần thực hiện phân loại doanh nghiệp, để từ đó có những chính sách tài sản bảo đảm cho phù hợp, không đánh đồng. “Đối với những doanh nghiệp mới thành lập, khi tiếp cận các quỹ bảo lãnh thì vẫn theo các quy định cũ về tài sản bảo đảm. Nhưng với các doanh nghiệp đã hoạt động trên thương trường trong thời gian nhất định, có mối quan hệ từ trước với các ngân hàng thì nên cân nhắc bỏ yêu cầu về tài sản bảo đảm”.
TS. Nguyễn Thị Lan, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Ngoại thương nêu quan điểm để hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng các quỹ không nên né tránh bằng cách thu hẹp hoạt động hay đặt ra những rào cản vô lý để ngăn cản các doanh nghiệp tiếp cận vốn mà phải có cách tháo gỡ tích cực hơn.
Thay vào đó, thực hiện cơ chế chia sẻ rủi ro giữa ngân hàng và quỹ bảo lãnh tín dụng. Đối với những doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, muốn vay thêm nhưng không đủ tài sản bảo đảm thì quỹ có thể đứng ra bảo lãnh cho các khoản vay mới đó, chia sẻ rủi ro theo tỉ lệ thỏa thuận giữa hai bên (thông thường quỹ chịu trách nhiệm 70%, ngân hàng 30% trong trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ. Hiện tại, khi rủi ro xảy ra, các quỹ bảo lãnh tín dụng phải trả nợ 100% phần cam kết bảo lãnh). Cơ chế vừa tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp lại gia tăng trách nhiệm của các bên.
Ngoài ra, giữa các chủ thể cũng cần có cơ chế chia sẻ, trao đổi thông tin để quỹ bảo lãnh có thể tiếp cận thông tin của các khoản vay có bảo lãnh, cũng là một cách để giám sát khoản vay. Sau đó mở rộng mạng lưới thông tin này ra các kênh khác như thuế, NHNN ở địa phương, cơ quan đăng ký kinh doanh, các hiệp hội doanh nghiệp. “Nếu tạo ra được cơ chế chia sẻ thông tin như vậy sẽ giảm rủi ro trong hoạt động bảo lãnh đi rất nhiều”.
Dự Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu việc thành lập một Quỹ hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Nguyễn Văn Thân cho biết doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ, trong đó bức xúc nhất là gánh nặng chi phí.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả thông qua việc áp dụng các cơ chế đặc thù, tập trung huy động nguồn lực trong nước và chuyển giao công nghệ hiện đại.
Lựa chọn thuê môi trường rừng làm du lịch phù hợp với các dự án có quy mô lưu trú nhỏ, tập trung khai thác các hoạt động trải nghiệm trong rừng với vốn đầu tư không quá lớn.
Quản trị số sẽ không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà còn là "linh hồn" của nền kinh tế số Việt Nam, giúp đất nước chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh mới.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.