Tiêu điểm
Heineken lo ngại bị 'sốc thuế' vì đề xuất tăng thuế bia
Heineken Việt Nam cho rằng, nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đến 90 - 100% với sản phẩm bia từ 2026 đến 2030 như Bộ Tài chính đề xuất, sẽ gây nhiều hệ lụy với nền kinh tế.
Ngay sau khi thông báo tạm dừng nhà máy bia tại Quảng Nam nhằm tối ưu hóa quy mô sản xuất, Heineken Việt Nam tiếp tục kiến nghị về lộ trình tăng thuế suất đối với mặt hàng bia do Bộ Tài chính nêu ra trong dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính đưa ra hai phương án tăng thuế với sản phẩm bia, hiện đang chịu mức thuế suất 65%. Theo đó, tính theo từng phương án, từ năm 2026, mức thuế sẽ tăng lên thành 70 - 80% và lên mốc 90 - 100% từ năm 2030.
Ông Trần Minh Triết, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam cho rằng, việc tăng thuế suất trong giai đoạn này cần được xem xét thận trọng.
Ông Triết lý giải, trong bối cảnh kinh tế suy thoái kéo dài, việc tăng thuế ngay lập tức có thể khiến tình hình khó khăn hơn, khi cả người dân lẫn doanh nghiệp chưa kịp hồi phục hoàn toàn. Nếu tăng quá nhanh, người tiêu dùng sẽ gặp khó trong điều chỉnh chi tiêu, dẫn đến giảm sức mua và tác động tiêu cực đến thị trường.
“Bộ Tài chính cần xem xét kỹ lưỡng độ co giãn của cầu theo giá trong trường hợp này, vì khi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng, giá hàng hóa sẽ tăng theo, kéo theo việc giảm sản lượng tiêu thụ.
Kết quả là gây ra những hệ lụy nghiêm trọng như thất thu thuế cho Chính phủ, đóng cửa các nhà máy sản xuất và gia tăng thất nghiệp trong ngành”, Heineken Việt Nam nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cũng khuyến nghị một cách tiếp cận thận trọng hơn, giãn lộ trình tăng thuế và giảm mức tăng thuế, giúp người tiêu dùng có thời gian thích nghi với giá mới, tránh được tình trạng “sốc thuế” khi giá cả tăng đột ngột.
Heineken diễn giải “sốc thuế” là hiện tượng cá nhân hay doanh nghiệp phải đối mặt khi có thay đổi đột ngột trong chính sách thuế, gây tác động đáng kể đến tài chính từng chủ thể. Nguyên nhân của các cú sốc thuế có thể xuất hiện khi Chính phủ thực hiện các thay đổi thuế bất ngờ.
Malaysia từng trải qua cú sốc thuế vào giai đoạn 2014 - 2015 khi quốc gia này liên tiếp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, việc tăng thuế cao và đột ngột đã tạo ra các "hiệu ứng domino" trên thị trường làm mất nguồn thu, đóng cửa các nhà máy hợp pháp cũng như mất việc làm của công nhân địa phương.
Từ đây, Heineken Việt Nam kiến nghị duy trì ổn định mức thuế suất 65% với sản phẩm bia trong vòng ba năm từ 1/1/2026, thời điểm Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi có hiệu lực. Đồng thời, lần tăng thuế đầu tiên sẽ thực hiện vào năm 2029, sau mỗi ba năm thì tăng một lần với mức 3 - 5%/lần.
Phương cách trên, theo doanh nghiệp, thống nhất với nguyên tắc cơ bản của thuế là nuôi dưỡng nguồn thu.
Đặc biệt, lộ trình như kiến nghị sẽ giúp doanh nghiệp ngành bia có thời gian phục hồi qua giai đoạn khó khăn, điều chỉnh công nghệ để sản xuất những sản phẩm có nồng độ cồn thấp hơn, giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và tránh tác động gây “sốc thuế”.
Đại diện Heineken Việt Nam cũng luận giải sâu hơn về viễn cảnh “lợi bất cập hại” đến từ tăng thuế suất như trong báo cáo đánh giá tác động của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia theo phương án đề xuất sẽ làm tăng thu ngân sách nhà nước với “giả định giá bán, doanh thu không đổi”.
Tuy nhiên, trên thực tế, với thay đổi gây sốc của giá bán, dự kiến năm 2026 giá bán sẽ tăng từ 10 - 20% so với năm 2025, theo báo cáo đánh giá tác động và tình hình kinh tế hiện tại, khả năng tiêu thụ giảm và doanh thu giảm mạnh, từ đó ảnh hưởng giảm đáng kể đến ngân sách nhà nước.
Nói cách khác, hiện tượng “sốc thuế” sẽ giảm khiến sức tiêu thụ giảm, cộng với tình hình suy giảm thu nhập của người tiêu dùng thì việc tăng giá sẽ làm giảm sức mua, nhà máy sản xuất buộc phải cắt giảm sản lượng, hệ quả là Nhà nước sẽ thu được ít thuế hơn dù tăng thuế thu nhập đặc biệt.
Một nội dung khác theo Heineken là tính bất hợp lý trong biểu thuế tiêu thụ đặc biệt hiện tại.
Theo đó, rượu có nồng độ cồn dưới 20% thì chịu mức thuế 35%, trong khi bia với nồng độ dưới 12% chịu mức 65%.
Sự chênh lệch này, theo doanh nghiệp đóng góp khoảng 1,04% GDP quốc gia hiện hữu, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp bia mà còn thể hiện thiếu công bằng trong chính sách thuế.
Đây là nguyên nhân khiến Heineken đề nghị tách biểu thuế hiện tại mang tính “đổ đồng” thành các mức thuế tương ứng với nồng độ cồn khác nhau của bia.
Điển hình, bia có nồng độ cồn bằng/dưới 5,5% chịu mức thuế 65%, trên 5,5 đến dưới 15% chịu mức 70% và bia có độ cồn trên 15% thì chịu thuế suất 75%.
Với tuổi đời hơn 30 năm, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam (liên doanh giữa Heineken và Tổng công ty thương mại Sài Gòn – Satra) hiện đã có sáu nhà máy và hơn 3.000 nhân viên khắp cả nước. Tính đến nay, Heineken đã đầu tư hơn 1 tỷ Euro tại Việt Nam và sẽ tiếp tục đầu tư thêm đến năm 2030.
Chính phủ đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia
Aqua City của Novaland được gỡ vướng
Sau hơn hai năm đình trệ xây dựng do vướng vấn đề pháp lý, dự án Aqua City do Tập đoàn Novaland phát triển tại Đồng Nai đã thoát bế tắc.
Để không phải hối tiếc trong sự nghiệp sau tuổi 35
Việc chủ động phát triển bản thân, xây dựng và duy trì các mối quan hệ cùng thái độ cởi mở với thay đổi là những yếu tố quan trọng.
Hạnh phúc trong giáo dục: Xu hướng toàn cầu và ứng dụng tại Việt Nam
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội lớn hay thách thức vượt tầm doanh nghiệp Việt?
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC cùng thúc đẩy pin lưu trữ
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC hợp tác thúc đẩy giải pháp pin lưu trữ và quản lý năng lượng, hướng đến một tương lai bền vững.
WinMart cùng 11 thương hiệu 'tung' ưu đãi khủng mừng sinh nhật 10 tuổi
WinMart kỷ niệm 10 năm với đại sứ WINNIE, ưu đãi hấp dẫn từ 11 thương hiệu lớn trong Tuần lễ thương hiệu diễn ra từ ngày 21/11 đến 4/12.
Sức hút của môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.