Hoàng Anh Gia Lai có lãi sau nhiều quý lỗ nghìn tỷ

Trần Anh - 12:04, 29/07/2021

TheLEADERSau 8 quý thua lỗ liên tiếp, HAGL đã có lãi trở lại do không còn phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi và những thay đổi trong cơ cấu hoạt động kinh doanh, đặc biệt không còn hợp nhất HAGL Agirco.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2021 ghi nhận kết quả kinh doanh cải thiện đáng kể khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 234 tỷ đồng – tốt hơn nhiều so với mức lỗ 1.268 tỷ đồng cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu của công ty đạt 535 tỷ đồng, giảm khoảng 20% so với quý 2/2020. Trong đó, doanh thu trái cây giảm mạnh từ 517 tỷ đồng xuống còn 189 tỷ đồng, nguyên nhân do không còn hợp nhất với nhóm HAGL Agrico.

Mảng chăn nuôi heo sau 1 năm tuyên bố đầu tư chính thức ghi nhận doanh thu với 190 tỷ đồng. Dù là mảng kinh doanh mới, chăn nuôi heo cho thấy tỷ suất sinh lời đạt gần 50%, tốt hơn nhiều so với mức 22% của trái cây.

Doanh thu bán hàng hoá đóng góp 77 tỷ và các dịch vụ khác thu về 78 tỷ đồng. Tập đoàn cũng không còn doanh thu bán mủ cao su do không còn hợp nhất với HAGL Agrico.

Trong kỳ, HAGL được hoàn nhập chi phí dự phòng 261 tỷ đồng và kiếm soát tốt các chi phí khác giúp tập đoàn báo lãi sau thuế quý 287 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 1.329 tỷ đồng. Như vậy HAGL đã có lãi sau 8 quý thua lỗ liên tiếp.

Bên cạnh đó, công ty ghi nhận khoản lỗ khác 165 tỷ đồng trong kì chủ yếu đến từ chi phí chuyển đổi vườn cây và một phần lỗ từ thanh lý tài sản cố định.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, HAGL đạt 801 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước nhưng lãi ròng 28 tỷ đồng trong khi nửa đầu năm 2020 lỗ ròng 1.156 tỷ đồng. Tuy vậy, Tập đoàn vẫn đang lỗ luỹ kế sau thuế chưa phân phối tới hết quý 2 là 7.549 tỷ đồng.

Về tài sản, tính tới ngày 30/6, tổng tài sản của HAGL là 18.150 tỷ đồng, giảm một nửa so với đầu năm do không còn hợp nhất với HAGL Agrico.

Kế hoạch tái cơ cấu của HAGL đã có kết quả bước đầu khi dư nợ vay của công ty giảm đáng kể. Tổng dư nợ vay tính đến thời điểm 30/6 còn 8.279 tỷ đồng, giảm 10.000 tỷ đồng so với đầu năm. Dư nợ vay ngắn hạn giảm mạnh từ 8.772 tỷ xuống còn 1.485 tỷ đồng. Dư nợ vay dài hạn cũng giảm đáng kể từ 9.330 tỷ đồng xuống còn hơn 6.794 tỷ đồng. Trong đó, HAGL đã tất toán hết 1.833 tỷ đồng nợ vay tại ngân hàng BIDV.

Các chủ nợ lớn của HAGL gồm ngân hàng Sacombank (524 tỷ đồng), Eximbank (678 tỷ đồng), Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (262 tỷ đồng), TPBank (192 tỷ đồng)... Ngoài nợ ngân hàng thì dư nợ trái phiếu của HAGL là hơn 6.481 tỷ đồng trong đó 6.114 tỷ đồng là nợ trái phiếu dài hạn.