Hoạt động xuất nhập khẩu chậm lại đáng kể trong tháng 7

Nhật Hạ - 14:03, 29/07/2021

TheLEADERDiễn biến đợt dịch Covid-19 thứ 4 ngày càng phức tạp trong tháng 7/2021. Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu khi chỉ tăng nhẹ 1,5% so với tháng 6.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 7 tháng/2021 ước tính vẫn đạt ở mức cao 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê.

Mức tăng trong 7 tháng đã giảm đáng kể so với tốc độ tăng 6 tháng đầu năm (32,5%).

Cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 2,7 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,8 tỷ USD, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,1 tỷ USD.

Lý giải về tình trạng nhập siêu này, tại kỳ họp vừa qua của Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết do hầu hết các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc khối phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài về để sản xuất trong nước.

Thêm vào đó, giá cả các nguyên liệu đầu vào, vật tư chiến lược của thế giới, chi phí vận chuyển đều tăng cao; tình trạng thiếu container, đứt gãy chuỗi logistics… cũng là nhân tố khiến Việt Nam nhập siêu trong những tháng đầu năm.

“Điều này cũng không đáng ngại bởi doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị, vật tư, nguyên liệu đầu vào để sản xuất trong nước, sau đó lại xuất khẩu đi các quốc gia trên thế giới. Bối cảnh dịch bệnh khó khăn chung, chúng ta đạt được kết quả như vậy là cả sự nỗ lực”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm nay đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước tăng 14,6%, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 30%, chiếm 74%.

Riêng tháng 7, xuất khẩu đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng 6.

Hoạt động xuất nhập khẩu chậm lại đáng kể trong tháng 7

Từ đầu năm đến nay đã có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD chủ yếu thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gồm điện thoại và linh kiện (doanh nghiệp FDI chiếm 99,2%); điện tử, máy tính và linh kiện (98,1%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng (92,6%); dệt may (63,5%); giày dép (82,4%).

Về cơ cấu, nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 27,1%, chiếm 89% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm nhiên liệu và khoáng sản tăng 1,4% và chiếm 1%. Nhóm nông, lâm sản tăng 16,7% và chiếm 7,4%. Còn nhóm thủy sản tăng 12%, chiếm 2,7%.

Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 188 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước tăng 29,8%, chiếm 35,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 38,5%, chiếm 64,5%.

Riêng tháng 7, nhập khẩu đạt 28,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng 6.

Hoạt động xuất nhập khẩu chậm lại đáng kể trong tháng 7 1

Kể từ đầu năm đến nay có 31 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 87% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 6 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất tăng mạnh nhất 35,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 94% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính tăng 28% và chiếm 6,2%.

Hoạt động xuất nhập khẩu chậm lại đáng kể trong tháng 7 2

Trong 7 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng với 37,4% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Trung Quốc tăng 24,2%; EU tăng 15,5%; ASEAN tăng 26%; Hàn Quốc tăng 10,3%; Nhật Bản tăng 8,3%.

Ở phía ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Hàn Quốc tăng 20%; ASEAN tăng 48,2%; Nhật Bản tăng 13,8%; EU tăng 19,6%; Hoa Kỳ tăng 10,4%.

Trong đó, 7 tháng qua xuất siêu sang EU tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc tăng 78%; nhập siêu từ Hàn Quốc tăng 27,4%; nhập siêu từ ASEAN tăng 123%.