Hội nghị Mỹ - Triều tại Hà Nội liệu có tạo ra bước ngoặt?

Kiều Mai - 10:10, 28/02/2019

TheLEADERNhiều kỳ vọng lớn đang được đặt ra trong hội nghị Mỹ - Triều lần hai nhưng cùng với đó, không ít ý kiến đầy lo lắng đối với khả năng tạo ra bước ngoặt của lần gặp mặt này.

Cả thế giới dường như đang hướng về Hà Nội, dõi theo từng diễn biến của cuộc gặp mặt lịch sử lần hai giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Rất nhiều câu hỏi và sự chờ đợi về việc cả hai bên sẽ đưa ra đòi hỏi, nhượng bộ như thế nào cũng như liệu rằng những tiến trình mạnh mẽ hơn lần gặp mặt đầu tiên có được tạo ra hay không.

Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp đầu tiên vào tối hôm qua (27/2) tại khách sạn Metropole, Hà Nội, bắt tay đúng như những gì đã từng diễn ra trong hội nghị thượng đỉnh lần đầu tại Singapore năm ngoái.

Hội nghị Mỹ - Triều tại Hà Nội liệu có tạo ra bước ngoặt?
Những bước đi lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều. Ảnh: Evan Vucci/AP

Sau khi nhận định về mối quan hệ thật sự tốt đẹp với ông Kim Jong Un, người đứng đầu Nhà Trắng đánh giá cao tiềm năng to lớn, không có giới hạn của Triều Tiên.

“Tôi cho rằng ông Kim sẽ mang lại một tương lai to lớn cho quốc gia của mình, ông là một vị lãnh đạo tuyệt vời. Chúng tôi sẽ giúp điều này trở thành sự thật”, ông Trump nhấn mạnh.

Đây không phải là lần đầu tiên, vị tổng thống Mỹ nhắc đến tiềm năng kinh tế của Triều Tiên cũng như đưa ra những lời “có cánh” về viễn cảnh phát triển tươi sáng của đất nước này.

Trên trang Twitter cá nhân buổi sáng trước cuộc gặp với ông Kim Jong Un, ông Donald Trump viết: “Hiếm nơi nào trên trái đất đang phát triển thịnh vượng giống Việt Nam. Triều Tiên sẽ có thể như vậy và phát triển rất nhanh chóng nếu phi hạt nhân hóa. Một tiềm năng to lớn, một cơ hội tuyệt vời chưa từng có trong lịch sử dành cho người bạn của tôi Kim Jong Un”.

Trước đó, người đứng đầu Nhà Trắng thậm chí còn cho rằng Triều Tiên có thể trở thành một loại tên lửa mới – tên lửa kinh tế và viễn cảnh cường quốc kinh tế dưới sự dẫn dắt của ông Kim Jong Un.

Mục tiêu kinh tế mà dỡ bỏ lệnh cấm vận là cái kết đẹp nhất mà ông Kim đang theo đuổi. Ngay cả khi các lệnh trừng phạt này được nới lỏng, phía Hàn Quốc sẽ sẵn sàng khởi động lại các dự án kinh tế chung giữa hai miền bán đảo – những dự án có thể trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế Triều Tiên và tái thiết cơ sở hạ tầng tại quốc gia này. 

Chia sẻ với báo giới tại tọa đàm “Hiểu về Trump”, GS. Augustine Hà Tôn Vinh, Chuyên gia kinh tế đối ngoại, thành viên của Đảng Cộng Hòa hơn 30 năm nhận định rằng nới lỏng và tiến tới bỏ lệnh cấm vận là mục tiêu quan trọng của Triều Tiên trong hội nghị lần này.

Theo ông, Triều Tiên “cũng cần phát triển kinh tế, cần mang hàng sản xuất đi bán”. Ngoài ra, sự phát triển công nghệ, vốn của Hàn Quốc thúc đẩy nhu cầu nhân lực mà thị trường gần nhất là Triều Tiên. Không chỉ vậy, quốc gia này còn sở hữu rất nhiều quặng mỏ, tài nguyên có thể sử dụng để phát triển.

Tuy vậy, sự phát triển ấy có giá không hề rẻ và phải đổi bằng thứ sức mạnh đinh Triều Tiên đang nắm giữ - hạt nhân. Phi hạt nhân hóa là mục tiêu mà Mỹ đã cố gắng tiến tới trong lần gặp đầu tiên nhưng chưa có nhiều thay đổi lớn được tạo ra.

Chia sẻ với báo Vietnamnet, đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, người vừa kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ năm 2018 nhận định sẽ có những bước tiến, thậm chí là những bước tiến mang tính đột phá và một bản tuyên bố Hà Nội.

Ông cho rằng sẽ có một lộ trình được đưa ra nhằm tiến tới các bước tiếp theo về phi hạt nhân hóa, cộng với bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều và nới lỏng cấm vận.

Hội nghị Mỹ - Triều tại Hà Nội liệu có tạo ra bước ngoặt? 1
Hội nghị Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội được kỳ vọng sẽ đi đến kết luận. Ảnh: KM

Tuy vậy, không ít ý kiến cho thấy sự nghi ngại đối với mục tiêu phi hạt nhân hóa tại Triều Tiên trong bối cảnh còn nhiều bất đồng trong ý kiến và cách hiểu của mỗi bên về thuật ngữ này.

“Cho đến nay, Triều Tiên dường như chỉ sẵn sàng thực hiện các biện pháp hạn chế hạt nhân và tên lửa mà chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy quốc gia này cắt giảm kho vũ khí và hạt nhân hiện có”, CNBC dẫn lời Tong Zhao, một cộng sự tại trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie – Thanh Hoa.

TS. Nguyễn Việt Phương, nghiên cứu viên Trung tâm Belfer, trường Kennedy, Đại học Harvard bên lề tọa đàm “Hiểu về Trump” cũng bày tỏ sự kỳ vọng nhiều hơn vào lộ trình tiến tới tuyên bố chung chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên hơn vấn đề phi hạt nhân hóa.

Trong cuộc họp báo tại Seoul cách đây vài hôm, người phát ngôn văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom cho rằng có khả năng hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều đạt được thỏa thuận về tuyên bố chấm dứt chiến tranh ở mức độ nào đó, theo Yonhap.

Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) hiện chỉ tạm dừng bằng một hiệp định đình chiến – một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết giữa các lực lượng quân sự, chưa được thống nhất giữa các chính phủ và phê chuẩn bởi quốc hội các nước.

Điều này đồng nghĩa với việc Triều Tiên cũng như liên quân Mỹ - Hàn trên lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh dù tiếng súng đã không còn nổ lên gần 7 thập kỷ. Một hiệp ước hòa bình sẽ là điều cần thiết để đi đến kết luận đẹp nhất trong cuộc chiến tranh kéo dài này.

Dù ở vấn đề nào, sự đàm phán và mức độ nhượng bộ của hai bên vẫn là lời dự báo và cần lời giải chính thức trong lễ ký kết thỏa thuận chung của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều vào chiều nay (28/2).