Hội nhập nơi xứ người

Đỗ Hòa - Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa quản trị - 08:00, 28/01/2023

TheLEADERGần 20 năm trước, doanh nhân Đỗ Hòa đã có cơ hội được đảm trách vai trò là chuyên gia cấp cao của một tập đoàn đa quốc gia tại Indonesia, và được xem như một trong số rất hiếm hoi người Việt có được cơ hội này vào lúc đó. Câu chuyện dưới đây của ông kể lại những nỗ lực để hội nhập và hoàn thành trọng trách.

Hội nhập nơi xứ người
Đỗ Hòa - Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa quản trị

>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".

Năm 2005, khi đang đảm nhiệm một vị trí kinh doanh phụ trách thị trường Việt Nam, nhờ thành tích xuất sắc, tôi được lãnh đạo Tập đoàn Năng lượng SHELL chú ý và gợi ý bổ nhiệm qua Indonesia làm việc như là một chuyên gia nước ngoài trong thời gian 2 năm.

Mục đích của việc bổ nhiệm xuyên quốc gia này một phần nhằm hỗ trợ phát triển nhánh kinh doanh ở quốc gia nơi đến, một phần là để phát triển năng lực nhân sự thông qua cọ xát ở nhiều môi trường khác nhau. Đây là cách làm rất phổ biến ở các tập đoàn lớn. Người đi theo diện này sẽ được hưởng chính sách chuyên gia. Nói cho dễ hình dung là giống như chính sách đối với các chuyên gia cấp cao nước ngoài đến công tác tại Việt Nam vậy.

Thu hẹp khoảng cách

Đứng trước một cơ hội như vậy, các đồng nghiệp, bạn bè tại Việt Nam của tôi lại có các ý kiến trái chiều. Người thì nói rằng tôi đang có triển vọng ở Việt Nam, nếu đi nước ngoài sẽ mất cơ hội thăng tiến ở Việt Nam. Rằng quản lý công việc kinh doanh ở một thị trường xa lạ với văn hóa Việt Nam như Indonesia (Indonesia là một quốc gia Hồi giáo) là không hề dễ dàng, nếu mình không đáp ứng được yêu cầu là họ sa thải mình ngay. Lúc ấy về Việt Nam có khi không còn vị trí nào phù hợp cho mình.v.v.

Tuy vậy, cũng có những ý kiến khuyên tôi nên đi, đặc biệt là các đồng nghiệp người nước ngoài. Anh em cho rằng đây là cơ hội lớn, không phải lãnh đạo nào trong doanh nghiệp lớn, quy mô quốc tế cũng có được ưu ái ấy. Cả vùng ASEAN và Hồng Kông, lĩnh vực tôi đang làm việc lúc ấy chỉ có 2 người được đi theo diện này, người kia là một chuyên gia kỹ thuật người Hà Lan, đang đóng ở văn phòng Singapore. Họ nói ở các nước khác, anh em xếp hàng xin đi mà không được.

Vậy là sau khi cân nhắc, bàn bạc với gia đình, tôi quyết định chấp nhận lời đề xuất ấy của tập đoàn.

Hôm gia đình tôi chuyển đi, chính sách của tập đoàn cho chúng tôi một container 40’ để chở đồ đạc, còn người thì đi máy bay theo vé hạng thương gia. Mặc dù đồ dùng gia đình mang theo không nhiều, chủ yếu là các vật dụng thiết yếu. Tuy vậy khi làm thủ tục xuất cảnh tại hải quan cũng khá rắc rối. Hải quan bảo “trường hợp này chưa có tiền lệ” do chính sách xuất cảnh như diện của tôi và gia đình chưa có quy định nào cụ thể, chỉ có áp dụng cho cán bộ của nhà nước đi công tác nước ngoài, nhất là cán bộ ngoại giao, chứ không dành cho dân!

Vậy là sau khi xem xét, họ đã xếp hành lý của chúng tôi vào diện là hàng xuất khẩu, phải đóng thuế như hàng xuất khẩu. Tuy vậy, bảng tính thuế xuất khẩu lúc đó lại không có mức thuế cho đồ dùng đã qua sử dụng. Vậy là họ cứ áp đại một mức thuế để thu.

Nghĩ cũng cũng thấy tủi. Ở nước khác, như Philippines, họ đặc biệt ưu đãi cho diện chuyên gia cao cấp đi biệt phái nước ngoài, xem như một dạng xuất khẩu lao động đặc biệt, nên chẳng phải đóng thuế đồng nào. Trong khi tôi thì phải đóng thuế cho từng món đồ dùng cá nhân đang dùng của gia đình như hàng xuất khẩu!

Mặc dù thấy cũng kỳ kỳ, nhưng thôi thì cũng ừ đóng cho xong mà đi, hy vọng lúc về thì đã có chính sách rồi. Vậy mà 2 năm sau khi chúng tôi chuyển gia đình về nước thì lại phải đóng thêm một lượt thuế nữa cho các đồ dùng ấy, thuế nhập khẩu như hàng hóa nhập khẩu!

Biết thế chúng tôi đi tay không cho xong, chứ đồ dùng cá nhân, ti vi, tủ lạnh, bếp ga đã qua sử dụng… mà tiền đóng thuế hai lượt đi-về thì còn cao gấp đôi tiền mua mới!

Trong khi toàn bộ chi phí vận chuyển door-to-door cho mọi thứ do của gia đình mang theo được tập đoàn lo hết bao gồm cả công khuân vác. Phía bên Indonesia họ cũng chẳng gây khó dễ gì vì bên họ chuyện chuyên gia nước ngoài đến làm việc là rất bình thường, miễn có giấp phép của Bộ Lao động bên đó cấp.

Khu căn hộ mà chúng tôi ở Jakarta là khu ngoại giao mới ở ngoại ô Jakarta, nơi các quan chức ngoại giao và lãnh đạo công ty nước ngoài ở. Ở đây, vào mỗi dịp cuối tuần có các buổi sinh hoạt của các cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Jakarta tổ chức. Nào là hội chợ từ thiện, nào là sinh hoạt lễ hội văn hóa dân tộc, và có cả hội xe mô tô Harley Davidson tụ tập mỗi sáng thứ bảy trong khuôn viên khu căn hộ

Riêng người Việt thì ngoài gia đình tôi chỉ có một số cô lấy chồng người nước ngoài làm dầu khí ở Việt Nam rồi theo chồng khi họ chuyển việc làm đến Indonesia. Chính vì vậy nên sau khi đến trình diện đại sứ quán, tham khảo thông tin ở sứ quán, chúng tôi quyết định tham gia với cộng đồng người Philippines cũng đang sống và làm việc ở đây. Họ cũng là dân châu Á nên văn hóa phần nào gần gũi với mình, hơn là cộng đồng người Âu-Mỹ.

Văn phòng của công ty cách không xa nơi tôi ở, tôi được cấp xe riêng, có tài xế riêng phục vụ cho tôi và nhu cầu đi lại của cả gia đình. Hôm đầu tiên đến văn phòng, mọi người chào đón khá là niềm nở, nhưng đâu đó tôi vẫn cảm nhận được một khoảng cách giữa chúng tôi, những người nước ngoài được hưởng lương khá cao với nhân viên người bản xứ.

Cuộc sống luôn vận động. Thị trường cũng vậy. Mình đã tham gia vào thì phải tìm cách mà thích nghi thôi!"

Thường thì mọi người dễ dàng chấp nhận một chuyên gia người da trắng, đến từ các quốc gia phát triển hàng đầu hơn là chúng tôi, những người có cùng màu da với họ, lại đến từ quốc gia còn kém phát triển hơn nước họ. Nhận thức được thách thức này, tôi tự đặt ra mục tiêu cho mình rằng trong vòng hai tháng đầu tôi phải phá tan tảng băng văn hóa này, nếu không thì tôi khó mà làm được việc ở đây.

Tất nhiên là điều đó không hề dễ dàng tí nào, mọi người dòm ngó, xì xào, quan sát và tìm cách đánh giá, thậm chí còn có người thử thách tôi.

Một bạn quản lý thậm chí đã từ chối khi tôi đề nghị một cuộc họp để thảo luận công việc với bạn ấy. Bạn ấy trả lời trong email với đại ý rằng “cảm ơn anh đã quan tâm, nhưng chúng tôi thấy về vấn đề này chúng tôi tự lo cho mình được”!

Còn bộ phận tài chính ban đầu đã viện lý do này lý do nọ để trì hoãn thanh toán một số mục công tác phí do nhân viên cấp dưới của tôi đề nghị.Đương nhiên là nếu tắc ở khâu thanh toán chi phí thì đồng nghĩa với công việc sẽ bị bê trễ.

Hội nhập

Có lẽ nhờ đã quen với những trở ngại, thách thức kiểu như thế này ở các nước khác khi tôi từng đảm nhận vị trí cấp vùng, cộng với sự quan tâm động viên của bà tổng giám đốc, nên tôi cũng vượt qua được những thách thức ban đầu này.

Đó là khi mọi người bắt đầu tiếp cận và trò chuyện chứ không còn giữ khoảng cách như trước. Họ hỏi tôi tình hình Việt Nam lúc này ra sao, Việt Nam có món gì ngon, có người khen xoài và sầu riêng của Việt Nam…

Tôi cũng dần quen với việc uống cà phê rang xay mà không lọc. Cái cảm giác lợn cợn khó chịu trong miệng cũng không còn. Tuy thế, tôi vẫn không đánh mất mình hoàn toàn: tôi là người duy nhất uống cà phê đá (kiểu Việt Nam) và không lọc cặn (theo kiểu Indonesia) trong văn phòng Jakarta!

Chúng tôi cũng tham gia các hoạt động văn hóa do văn phòng công ty tổ chức, làm các món ăn Việt Nam và mang đến tham gia với mọi người, ngày Tết cổ truyền thì mặc áo dài truyền thống Việt Nam khi đi chơi…

Có lần khi đi giao lưu văn hóa với cộng đồng người nước ngoài ở Jakarta, tôi gặp một bạn người nước ngoài. Anh ta là CEO một công ty dược thuộc một tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động ở Jakarta.

Anh ta hỏi tôi với ánh mắt tò mò khi biết tôi đến từ Việt Nam: “Anh làm gì ở Indonesia này?”. Tôi nói “Tôi làm cho công ty ….”.

Anh hỏi tiếp “Chức vụ của anh là gì mà được ở trong khu này?”. Tôi trả lời “Business Development Manager” (giám đốc phát triển kinh doanh).

Anh lại hỏi tiếp “Thế anh qua đây lâu chưa?”. Tôi nói “Mới hơn một năm”.

Không dừng lại: “Thế anh đã phát triển được gì chưa?” Câu hỏi này hơi sốc đối với tôi. Nghe có vẻ vừa tò mò, vừa thách thức.

Tuy thế tôi vẫn trả lời một cách nhã nhặn “chúng tôi tăng trưởng doanh thu 490% so với năm trước. Nhưng Indonesia chỉ chiếm 25% trên scorecard (thẻ thành tích) của tôi. 75% còn lại là thị trường ASIA-Pacific”.

Anh ta “Waoh, vậy tiền thưởng của anh năm rồi chắc là cao lắm. Chúc mừng anh!”

Và cũng từ đó thái độ của anh ta mỗi khi gặp tôi đã thay đổi hẳn, không còn cái vẻ kênh kiệu như lần trước.

Có thể nói tôi là trường hợp người dân thường Việt Nam đầu tiên được nước ngoài thừa nhận và cấp giấy phép làm việc như là một chuyên gia nước ngoài ở Jakarta lúc đó. Bên hải quan cũng cho biết tôi là trường hợp đầu tiên đi nước ngoài theo diện này, và bản thân tôi cũng cảm thấy vinh dự và tự hào về điều này.

Trong thời gian làm việc tại Indonesia, chúng tôi có dịp được diện kiến Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono khi ông đi nắm tình hình ở khu gần chỗ chúng tôi ở. Khi biết chúng tôi đến từ Việt Nam, đang sống và làm việc ở Jakarta, ông ấy đã hỏi thăm “cuộc sống của gia đình ở Jakarta thế nào?” Con trai tôi nói “ổn” và cảm ơn ông bằng tiếng Anh.

Có thể nói khi đi ra nước ngoài làm việc, việc am hiểu văn hóa địa phương và có ứng xử phù hợp là yếu tố rất quan trọng. Nhiều tập đoàn nước ngoài từng gặp khó khăn khi hoạt động ở Indonesia. Điển hình là một tập đoàn bảo hiểm của Anh đã bị một tòa án địa phương ở đây tuyên bố phá sản khi không kịp thanh toán một khoản nợ nhỏ của nhà cung cấp địa phương.

Cuộc sống luôn vận động. Thị trường cũng vậy. Mình đã tham gia vào thì phải tìm cách mà thích nghi thôi!